Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn tăng rõ rệt kể từ tháng 4 khi đại dịch Covid-19 buộc mọi người phải dành nhiều thời gian ở nhà hơn. Bộ Y tế Nhật Bản phải khởi động một nghiên cứu trên toàn quốc nhằm đưa ra các chính sách hiệu quả hơn để hỗ trợ phụ nữ.
Nhóm nghiên cứu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi sẽ xem xét lý do phụ nữ phá thai trong năm nay và hy vọng sẽ đưa ra một phân tích chi tiết vào tháng 3 năm sau dựa trên khu vực, nhóm tuổi.
Các nhóm hỗ trợ phụ nữ cho rằng sự gia tăng tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn đặc biệt rõ rệt ở các cô gái vị thành niên và phụ nữ ở độ tuổi 20. Họ cho rằng lạm dụng tình dục cũng đang gia tăng do hậu quả gián tiếp của đại dịch.
Tỷ lệ thanh thiếu niên mang thai gia tăng trong mùa dịch. |
Theo nhóm phi lợi nhuận Mikkumie ở tỉnh Mie, miền Trung Nhật Bản, việc đóng cửa các trường học vào mùa xuân trong làn sóng dịch bệnh đầu tiền dường như đã đẩy tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tăng cao.
"Tôi đã quan hệ tình dục với bạn trai của mình mỗi ngày khi trường đóng cửa. Bây giờ tôi đang lo lắng về việc mang thai", một học sinh gọi điện và kể với nhóm, theo đại diện Noriko Matsuoka.
Bà Matsuoka cho biết chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 4 và 5) trung tâm đã nhận được gần 100 cuộc gọi yêu cầu tư vấn tương tự như vậy, xấp xỉ số cuộc gọi của cả năm 2019.
“Đã có sự gia tăng rõ ràng các cuộc tư vấn kiểu này, đó dường như là hệ quả của Covid-19”.
Nhà chung cho phụ nữ mang thai ngoài ý muốn
Gần một nửa số cuộc gọi là từ thanh thiếu niên, trong đó có nhiều cô gái trẻ. Matsuoka cho biết, không có trường học hay câu lạc bộ nào để tham gia, một số người đã sử dụng mạng xã hội để bắt đầu "gặp gỡ những đối tượng mà họ không biết".
Trong khi đó, Hatsumi Sato, giám đốc SOS Shinjuku-Kids & Family, một nhóm phi lợi nhuận có trụ sở tại Tokyo hỗ trợ các bà mẹ và phụ nữ mang thai ở độ tuổi dưới 30, cho biết ngày càng có nhiều lo ngại rằng phụ nữ trẻ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục do phải ở nhà quá nhiều trong mùa dịch.
“Các trường hợp nổi bật là bị tấn công tình dục từ các thành viên trong gia đình, chẳng hạn như anh em trai hoặc bố dượng, trong khi những cô gái này ở nhà trong thời gian trường đóng cửa. Nhiều người nhờ đến tư vấn như là biện pháp cuối cùng vì họ cảm thấy không thể nói chuyện với mẹ mình hoặc cảnh sát”, Sato cho biết.
Tháng trước, Seiko Hashimoto, Bộ trưởng phụ trách bình đẳng giới, thông báo rằng có hơn 23.050 trường hợp tham vấn tại các trung tâm hỗ trợ nạn nhân bạo lực tình dục từ tháng 4 đến tháng 9, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại dịch là một yếu tố quan trọng tạo ra sự gia tăng này.
“Chúng ta cần giúp nhiều người hiểu rằng đại dịch có thể gây ra tổn thương tình dục cho phụ nữ nhiều đến mức nào và chính phủ phải kiên quyết hỗ trợ họ”, ông Hashimoto nói.
Một nhân viên của nhóm phi lợi nhuận Mikkumie tiếp nhận cuộc gọi tư vấn vào tháng 11/2020 tại tỉnh Mie. |
Tháng 10, một ngôi nhà chung đã được mở tại Funabashi, tỉnh Chiba, để tiếp nhận những phụ nữ mang thai, chủ yếu ở độ tuổi thanh thiếu niên, đang phải đối mặt với sự lạm dụng thể chất hoặc gặp khó khăn vì mang thai ngoài ý muốn.
Ngôi nhà được thành lập bởi tổ chức phi lợi nhuận Baby Bridge của thành phố - tổ chức tham gia vào các dịch vụ tư vấn và nhận con nuôi đặc biệt - và mở cửa cho phụ nữ từ bất kỳ tỉnh thành nào trên cả nước.
Ngôi nhà chung với 14 phòng được thành lập sau khi Baby Bridge biết được số lượng nữ sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đến khám thai cao kỷ lục tại Bệnh viện Jikei ở thành phố Kumamoto.
Nhóm nghiên cứu của Bộ Y tế đã yêu cầu sự hợp tác từ khoảng 190 cơ sở y tế thực hiện phá thai trên toàn quốc. Các chuyên gia sẽ tìm cách đánh giá xem có bao nhiêu ca phá thai trong năm nay có liên quan đến việc giảm thu nhập, thất nghiệp và tác động của các yêu cầu ở nhà do đại dịch.
Tomoko Adachi, đại diện của nhóm nghiên cứu và giám đốc điều hành của Hiệp hội Bác sĩ Sản phụ khoa Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi không biết khi nào mọi người sẽ được yêu cầu (chính thức) ở nhà một lần nữa. Vì vậy, chúng tôi cần nghiên cứu sâu hơn về nỗ lực giảm thiểu tình trạng mang thai và nạo phá thai ngoài ý muốn, đồng thời tạo ra các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và phụ nữ”.