Vì sao đứa trẻ “3 bố mẹ” lại được Quốc hội Anh quan tâm?
Theo tờ Daily Mail, đầu tháng 2, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu 328/128 thông qua đạo luật cho phép áp dụng công nghệ sinh sản đứa trẻ 3 bố mẹ, dùng ADN của 3 người nhằm giảm thiểu những căn bệnh di truyền cho con cái. Theo giới y khoa, nếu đạo luật này được Thượng viện thông qua thì em bé 3 cha mẹ đầu tiên trên thế giới sẽ chào đời tại Anh vào năm 2016.
Sơ đồ tóm tắt kỹ thuật can thiệp phôi. |
Đánh giá về quyết định nói trên của Hạ viện, Bộ trưởng Y tế Anh Jane Ellison cho rằng đây là điểm nhấn quan trọng, hay ánh sáng cuối đường hầm, ra đời những thế hệ người khỏe mạnh, khắc phục những căn bệnh nan y di truyền. Công nghệ này được phát triển dựa trên nền kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kết hợp ADN của cha mẹ với ti thể khỏe mạnh của phụ nữ hiến tặng. Công nghệ này sẽ cho ra đời bào thai từ nhiễm sắc thể của hai người phụ nữ và một người đàn ông.
Thông thường, ti thể là những cấu trúc nằm bên trong tế bào, làm nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn thành dạng năng lượng tế bào có thể sử dụng được. Chúng có ADN riêng và có các ti thể khiếm khuyết truyền từ mẹ sang, tạo ra những căn bệnh nan y như tổn hại não, teo cơ, tim mạch và mù lòa... Lợi thế chính của kỹ thuật mới kể trên là giúp ngăn ngừa truyền ti thể khiếm khuyết gây bệnh từ mẹ sang con.
Đây là bước đi táo bạo cần được cân nhắc và thẩm định kỹ càng. Bên cạnh những người ủng hộ, có không ít ý kiến phản đối, nhất là từ phía Giáo hội Anh, cho rằng phương pháp này không an toàn và không mang tính đạo đức, ít nhất liên quan đến việc phá hủy phôi và cả những vấn đề di truyền qua các thế hệ mà người ta chưa lường hết. Theo các chuyên gia ở Phân ban Cảnh báo Di truyền người (HGA), kỹ thuật trẻ “3 bố mẹ” hay “3 người sinh một em bé” ngoài cái lợi ai cũng thấy như chỉnh sửa gen, tạo ra những sản phẩm thiết kế sẵn, không mắc bệnh, thông minh và xinh đẹp thì mặt trái lại ít được quan tâm, bước đi mạo hiểm gây mất cân bằng giới tính và cả những vấn đề về di truyền do không theo quy luật tự nhiên.
Kỹ thuật sinh ra em bé 3 bố mẹ là gì?
Như trên đã đề cập, mục đích của kỹ thuật sinh sản này là ngăn chặn những căn bệnh di truyền nguy hiểm qua ADN ti thể của người mẹ truyền sang. Ti thể (mitochondria) là những “nhà máy điện năng” của tế bào, có chứa các cặp ADN riêng với 37 gen. Khi một tinh trùng thụ tinh trứng, ty thể của người cha hòa vào ADN ti thể của người mẹ. Ti thể ADN không mang các thông tin cụ thể, tất cả các thông tin này đều có nguồn gốc từ nhân.
Tuy nhiên, khi người mẹ truyền ADN ti thể bất thường sang cho em bé, thì đứa trẻ có thể có phát sinh các vấn đề về sản xuất năng lượng trong các tế bào riêng. Vì vậy, truyền ti thể ốm yếu sang cho thế hệ con cái sẽ mang theo nhiều bệnh nan y, y học gọi là các chứng bệnh di truyền như bệnh tim, thận và gan, hay loạn dưỡng cơ bắp...
Có hai cách để sinh ra em bé “3 bố mẹ” hay sinh sản trong ống nghiệm (IVF) 3 bố mẹ. Cả hai đều liên quan đến một người bố, một người mẹ với ADN ti thể bất thường và ti thể khỏe mạnh của một phụ nữ khác hiến tặng. Nói ngắn gọn hơn, kỹ thuật này giống như việc xử lý, trao đổi hai lòng đỏ trứng nhưng thông tin di truyền trong trứng người mẹ “chính chủ” được giữ lại hầu như toàn bộ.
Trong phương pháp đầu tiên, có tên MST (Maternal Spindle Transfer Technique), hay kỹ thuật can thiệp vào phôi. Theo đó, trứng chưa thụ tinh của người mẹ được lấy nhân ra, nhân này có chứa hầu hết tất cả các thông tin di truyền quan trọng của một đứa trẻ (trừ thông tin liên quan đến ti thể). Sau đó đưa vào trong trứng chưa thụ tinh của một phụ nữ khỏe mạnh hiến tặng, trong đó các ADN nhân đã bị loại và cho thụ tinh với tinh trùng của người bố, kết quả một phôi thai khỏe mạnh ra đời.
Phương pháp thứ hai có tên kỹ thuật truyền nhân non, hay PT (Pronuclear Transfer), nó mang tính phức tạp hơn. Các nhà khoa học trao đổi nhân của hai trứng sau khi trứng người mẹ chính chủ và người hiến tặng đã được thụ tinh (trong trường hợp này người mẹ chính chủ được thụ tinh với tinh trùng của người bố, còn trứng người hiến được thụ tinh bằng tinh trùng hiến tặng). Tiếp tục, các nhà khoa học loại bỏ hạt nhân trứng của người hiến tặng và thay bằng nhân của bố mẹ “chính chủ”. Phôi kết hợp này sẽ là phôi duy nhất để phát triển thành em bé.
Triển vọng của kỹ thuật sản xuất em bé “3 bố mẹ”
Trước khi được phê duyệt, đạo luật này đã được tư vấn bởi Cơ quan Quản lý phôi và thụ tinh người của Anh (HFEA). Theo HFEA, kỹ thuật này giải quyết được các vấn đề bức thiết trong đời sống xã hội, nhất là khắc phục các căn bệnh di truyền nan y. Hơn nữa, trong sinh sản, an toàn đôi khi không có biên giới rõ ràng, nên không hề có phương pháp điều trị an toàn tuyệt đối 100% cho đến khi đứa trẻ được ra đời.
Liên quan đến kỹ thuật 3 bố mẹ, dư luận liên tưởng đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ra đời cách đây trên 5 thập kỷ, thậm chí đến khi Louise Brown, đứa trẻ đầu tiên ra đời từ kỹ thuật IVF đã bước vào tuổi 32, chủ nhân phát minh, giáo sư người Anh, Robert Geoffrey Edwards đến đầu tháng 10/2010 mới được vinh danh bằng giải Nobel Y học nhưng việc tranh cãi vẫn chưa chấm dứt.
Qua kết luận của Hội đồng Nobel cho thấy, IVF mang lại nhiều lợi ích trong điều trị vô sinh, căn bệnh ảnh hưởng tới hơn 10% số cặp vợ chồng trên toàn thế giới hiện nay. Và quan trọng hơn, kỹ thuật ra đời em bé “3 cha mẹ” khắc phục những căn bệnh di truyền hay bệnh ti thể nan y, thậm chí cả tử vong. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, mọi cái đều có mặt trái, không được lạm dụng, nhất là cho những mục đích nhằm chống lại loài người.
Trong khi ở Anh, nơi có nền y học tương đối ưu việt, Chính phủ cố gắng sớm đưa công nghệ sinh sản này vào ứng dụng thì tại Mỹ, bệnh nhân lại được phép tham gia vào thử nghiệm điều trị lâm sàng trước khi chờ Cơ quan Quản lý thực - dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Anh không cho phép chuyển ti thể ở người, thậm chí không cho phép thử nghiệm lâm sàng, trừ khi đã được Quốc hội phê duyệt.
Trong khi các thủ thuật sinh sản như cấy ghép buồng trứng, bảo quản trứng đã trở nên phổ biến tại Mỹ, thì kỹ thuật sinh sản mới nói trên tại Mỹ lại ít được quan tâm, nếu không nói là thả lỏng. Và do chưa có sự chấp thuận chính thức nên thị trường này vô cùng sôi động, chi phí tăng vọt, vượt quá khả năng của người bệnh.