Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Theo báo cáo của trung tâm ICO HPV Information Centre 2016, cứ 2 phút có một phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung. Ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 5.000 trường hợp mắc bệnh với 2.400 trường hợp tử vong, tương ứng với 14 trường hợp mắc mới và 7 phụ nữ thiệt mạng mỗi ngày vì căn bệnh này.
Ung thư cổ tử cung ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng làm mẹ của phụ nữ.
|
Là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung và các bệnh liên quan, virus HPV (human papillomavirus) không chỉ gây ra những tác hại lớn về mặt vật chất như: chi phí điều trị, thời gian mà còn làm tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, khả năng làm mẹ của phụ nữ.
Virus HPV có khoảng hơn 100 chủng khác nhau, trong đó chủng 16 và 18 là nguyên nhân dẫn đến 70% trường hợp mắc ung thư cổ tử cung. Virus HPV có thể lây nhiễm khi quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung găng tay, đồ lót và có thể lây truyền từ mẹ sang con.
Virus HPV là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung và các bệnh liên quan.
|
Theo PGS. TS. BS Trần Ngọc Hữu, vaccine ngừa HPV có hiệu quả đến 98% trong phòng tổn thương tiền ung thư cổ tử cung vừa và nặng. Ngoài ra, vaccine này còn có tác dụng phòng mụn cóc ở cơ quan sinh dục và ung thư cơ quan sinh dục bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo.
PGS. BS. TS Trần Ngọc Hữu trình bày về cách tiêm vaccine ngừa HPV tại buổi trao thưởng cuộc thi “Phòng chống HPV, phòng chống ung thư cổ tử cung”.
|
Vaccine ngừa HPV đã phổ biến ở hơn 130 quốc gia và được đưa vào chương trình tiêm chủng của 66 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, vaccine này đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ năm 2009. Trong đó, phổ biến nhất là vaccine phòng nhiễm các chủng HPV 6,11,16,18 (có trong thành phần vaccine). Chủng 16,18 là nguyên nhân gây hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung.
Chuyên gia y tế nhận định tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa HPV.
|
Theo PGS. TS. BS Trần Ngọc Hữu, phụ nữ có thai đang trong quá trình tiêm vaccine ngừa HPV cần ngưng tiêm mũi tiếp theo, bởi lúc này sức khỏe của người mẹ không ổn định. Sau thai kỳ, khi sức khỏe tiến triển hơn thì có thể tiêm mũi kế tiếp theo lịch. Bác sĩ nhấn mạnh, vaccine không chứa virus nên không gây bệnh, cũng như làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Tiêm phòng vaccine ngừa HPV góp phần chăm sóc sức khỏe phụ nữ.
|
Nhiều chuyên gia y tế nhận định, cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung là tiêm vaccine ngừa HPV và thực hiện xét nghiệm PAP (phương pháp kiểm tra biến đổi tế bào ở cổ tử cung) thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Xét nghiệm PAP là điều cần thiết, giúp phát hiện những thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung (cửa vào dạ con) trước khi dẫn đến ung thư cổ tử cung - một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ không còn khả năng mang thai.
Độc giả truy cập fanpage HPV Việt Nam để cập nhật thông tin hữu ích về cách phòng chống virus HPV - nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung và các bệnh liên quan nhằm đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc gia đình.