Đứng trước thiệt hại mà người dân Việt Nam phải gánh chịu do bão Yagi, bà Silvia Danailov - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam - đã có những chia sẻ xúc động, bên cạnh đó là chuỗi hành động thiết thực từ UNICEF.
- Bà đánh giá thế nào về nỗ lực của Việt Nam trong phòng ngừa, dự báo thiên tai cũng như chiến lược giảm thiểu thiệt hại?
- Thay mặt UNICEF, tôi chia buồn sâu sắc và đồng cảm với nhân dân Việt Nam trước mất mát về sinh mạng, thương tích, thiệt hại sinh kế, gián đoạn trong cuộc sống do cơn bão Yagi.
Trước khi bão đổ bộ, Chính phủ đã có bước đi đáng ghi nhận, khi chủ động và phối hợp tốt để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hành động phòng ngừa gồm quy trình sơ tán kịp thời, huy động lực lượng ứng phó, bảo vệ khu vực quan trọng như đê điều… phần nào thể hiện cam kết của Chính phủ trong phòng ngừa, dự báo thiên tai, bảo vệ sinh mạng, sinh kế.
Đại diện UNICEF nhận viên lọc nước do UNICEF cung cấp cho Việt Nam. |
Khi bão xảy ra, Chính phủ nhanh chóng đánh giá thiệt hại ban đầu và nỗ lực ứng phó tại hiện trường, bao gồm hỗ trợ từ tổ chức nhân đạo quốc tế, địa phương. Việc kích hoạt nhanh chóng “Nhóm đối tác phòng chống rủi ro và ứng phó thiên tai”, liên minh gồm cơ quan Chính phủ, tổ chức UN (viết tắt của Liên Hợp Quốc) như UNICEF, tổ chức phi chính phủ quốc tế và đối tác trong lĩnh vực nhân đạo. Đây là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, hợp tác, kiên cường trong đối mặt khó khăn.
- Bà có thể chia sẻ về kế hoạch hỗ trợ của UNICEF dành cho Việt Nam?
- Chúng tôi làm việc chặt chẽ với đối tác chính phủ, cơ quan của Liên Hợp Quốc, đối tác khác để cứu trợ lập tức, tạo dựng khả năng phục hồi lâu dài.
Thông qua các đối tác chính phủ, UNICEF cung cấp hàng hóa cứu trợ cho cộng đồng bị ảnh hưởng. Tuần này, chúng tôi cung cấp vật tư ngành nước cho Bệnh viện Đa khoa Lào Cai, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thái Nguyên. Ngoài ra, chúng tôi phân phát thêm viên lọc nước, bể chứa nước, bộ lọc gốm, dung dịch rửa tay khô cho gia đình, trường học, cơ sở y tế tại Yên Bái, Lào Cai.
Bà Silvia Danailov - Đại diện UNICEF và Phó đại diện chương trình “Michaela Bauer cùng UNICEF”. |
Bên cạnh đó, UNICEF can thiệp khẩn cấp, đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch, vệ sinh, sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em, hỗ trợ tiền mặt cho gia đình dễ tổn thương. Cụ thể, chúng tôi cung cấp giải pháp xử lý nước, vật tư vệ sinh, lưu trữ nước an toàn cho hộ gia đình, cơ sở y tế, trường học.
UNICEF vận chuyển vật tư y tế khẩn cấp, gồm vaccine, sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng, viên bổ sung dinh dưỡng, bộ vật dụng vệ sinh cá nhân cho trung tâm y tế ở nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Để hỗ trợ trường học, chúng tôi thiết lập khu vực dạy - học tạm thời, cung cấp học phẩm, hỗ trợ tâm lý cho trẻ bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Ngoài ra, chúng tôi cung cấp bộ vật phẩm thiết yếu, gồm tài liệu hỗ trợ tâm lý, dụng cụ giáo dục, vật tư vệ sinh, sản phẩm chăm sóc sức khỏe cơ bản cho trẻ em, gia đình ở nơi bị ảnh hưởng nặng nề.
Thiết thực hơn, UNICEF hỗ trợ tài chính bằng tiền mặt cho gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt gia đình có trẻ em, phụ nữ mang thai.
- Theo bà, chiến lược phục hồi lâu dài nào nên được xem xét sau khi thiên tai này xảy ra?
- Để hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ, ưu tiên của chúng tôi vào lúc này là cứu sống và hoàn thành đánh giá toàn diện về tình hình sau bão.
Sạt lở đất ở Bắc Kạn do bão Yagi. |
Hiện có hơn 20 trẻ em thiệt mạng và con số này có thể tăng lên. Chúng tôi ước tính 5,5 triệu trẻ em - trong đó 1,2 triệu trẻ dưới năm tuổi sống ở các tỉnh thiệt hại nặng nề nhất, cùng hàng triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng - có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm qua nguồn nước. Để đảm bảo tiếp cận nước, vệ sinh cá nhân, UNICEF chuẩn bị cung cấp vật phẩm xử lý nước, dụng cụ lưu trữ nước an toàn cho ít nhất 400.000 hộ gia đình.
Trẻ nhỏ cùng người lớn vượt qua nước lụt để nhận hàng tiếp tế. |
UNICEF cũng uớc tính có 2 triệu trẻ bị gián đoạn việc học do trường học đóng cửa. Việc mở cửa lại các ngôi trường cũng là ưu tiên mà UNICEF sẵn sàng hỗ trợ. Chúng tôi cũng làm việc để đảm bảo sớm tiếp cận, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và tiêm chủng cho trẻ em.
- Bà nghĩ đâu là giải pháp nâng cao khả năng phòng ngừa và dự đoán thiên tai, hỗ trợ phục hồi?
- Khả năng dự báo, cũng như tham gia vào sáng kiến toàn cầu và khu vực trong việc phòng ngừa, ứng phó thiên tai của Việt Nam rất đáng khen ngợi.
Việt Nam học hỏi kinh nghiệm thế giới kết hợp nỗ lực của chính mình để cung cấp bài học quý giá cho cộng đồng quốc tế. Vì vậy, cách tiếp cận toàn diện, chủ động của Việt Nam trong việc phản ứng với thảm họa xứng đáng được ghi nhận.
Kinh nghiệm quốc tế trong các tình huống khẩn cấp liên quan đến khí hậu, sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư kế hoạch phòng ngừa và ứng phó tập trung vào trẻ em, trao quyền cho cộng đồng, sáng kiến nhạy cảm về giới, dịch vụ bao trùm, dễ tiếp cận với giá cả phải chăng, bền vững. UNICEF có thể cung cấp chuyên môn trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trong nhiều lĩnh vực.
Độc giả chung tay cùng UNICEF cứu trợ khẩn cấp tại đây.