Một số người sẽ muốn đi vệ sinh nhiều hơn sau khi uống cà phê. Ảnh: Shutterstock. |
Cà phê là một trong những thức uống phổ biến nhất vào buổi sáng. Nó giúp tăng cường năng lượng cho bạn trong ngày dài. Không chỉ vậy, cà phê còn được chứng minh mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho sức khỏe khi được tiêu thụ một cách khoa học.
Tuy nhiên, một số người nhận thấy họ đi vệ sinh nhiều hơn sau khi thưởng thức cà phê. Điều này đặt ra câu hỏi tại sao sau khi uống cà phê bạn lại muốn đi vệ sinh.
Nếu bạn là người từng có cảm giác muốn chạy vào nhà vệ sinh sau khi uống xong cốc cà phê, bạn không đơn độc. Một số người đã chuyển sang sử dụng cà phê để giảm táo bón. Trong một nghiên cứu, 92 thanh niên tham gia trả lời về ảnh hưởng của cà phê tác động đến thói quen đi vệ sinh của họ. 29% người trong số đó nói cà phê khiến họ muốn đi đại tiện chỉ trong vòng 30 phút sau khi uống.
Để hiểu rõ hơn điều này, chúng tôi đã liên hệ với tiến sĩ, bác sĩ Adil Maqbool - nhà nghiên cứu cộng tác với Đại học Toho, Nhật Bản - và tiến sĩ, bác sĩ Onyx Adegbola - nhà phê bình tại Lancet, người sáng lập Casa de Santé (phòng khám IBS ảo cung cấp các sản phẩm, chất bổ sung và tài nguyên dành cho IBS thân thiện với đường ruột, ít FODMAP). Tiến sĩ Maqbool và Adegbola chia sẻ có 2 nguyên nhân chính khiến nhiều người buồn đi vệ sinh sau khi sử dụng cà phê. Thứ nhất, nó gây co thắt, áp lực cho đại tràng. Thứ hai, chúng kích thích sản xuất axit dạ dày.
Cà phê gây áp lực đại tràng của bạn
Các chuyển động và co bóp của đại tràng là nguyên nhân gây ra nhu động ruột. Theo Mayo Clinic, đại tràng của bạn tách và căng ra, đẩy phân xuống sâu hơn về phía trực tràng, khiến bạn muốn đi đại tiện. Cà phê khiến bạn muốn đi vệ sinh là do nó gây áp lực lên đại tràng của bạn.
Caffeine trong cà phê kích thích nhu động ruột, dẫn tới cảm giác buồn đi vệ sinh. Ảnh: Shutterstock. |
Tiến sĩ Maqbool cho biết uống cà phê có thể kích thích các cơ trong đại tràng, dẫn đến cảm giác cần đi vệ sinh. Cà phê có chứa hạt caffeine. Hợp chất này kích thích các cơ đại tràng, dẫn đến nhu động ruột. Nói cách khác, cà phê nhuận tràng khiến bạn muốn đi vệ sinh hơn.
Ngay cả cà phê đã loại bỏ caffeine vẫn kích thích đại tràng. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tiêu hóa và Gan châu Âu, cà phê chứa caffeine, cà phê đã loại bỏ caffeine (decaffeinated coffee) và bữa ăn đều gây nhiều cơn co thắt, áp lực cho đại tràng hơn so với nước. Nghiên cứu đã chỉ ra caffeine làm cho ruột kết hoạt động nhiều hơn 23% so với cà phê decaf.
Giải phóng axit dạ dày
Cà phê có thể kích thích sản xuất axit dạ dày. Tiến sĩ Adegbola cho biết: “Cà phê hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng vì nó kích thích sản xuất axit dạ dày trong dạ dày và ruột”.
Axit tăng lên này giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, điều này có thể dẫn đến việc muốn “đi nặng”. Sự tương tác này cũng có thể dẫn đến khó chịu ở dạ dày hoặc chuột rút ở một số người.
Một số nghiên cứu cho thấy việc kích thích sản xuất axit dạ dày có thể được xác định bởi mức độ axit có trong loại cà phê cụ thể mà bạn đang uống. Các loại axit phổ biến trong cà phê bao gồm N-alkanoyl-5-hydroxytryptamides, trigonelline và N-methylpyridinium và một số loại cà phê có chứa các axit này với số lượng khác nhau.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Thực phẩm Dinh dưỡng Phân tử, loại cà phê rang sẫm màu chứa 3 loại axit phổ biến ở mức thấp gây ra lượng axit dạ dày thấp hơn so với một loại cà phê pha trộn khác trên thị trường.
Phòng khám Cleveland đề xuất một số loại cà phê có hàm lượng axit thấp bạn có thể sử dụng như cà phê rang đậm, cà phê espresso, cà phê pha lạnh hoặc cà phê nấm.
Tùy thuộc từng cá nhân
Theo 2 bác sĩ, mức độ tác động của cà phê đối với đường ruột của mỗi người là khác nhau.
Tiến sĩ Adegbola chia sẻ mỗi người sẽ có mức độ nhạy cảm với caffeine khác nhau. Những người đặc biệt nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng mạnh hơn khi uống cà phê, bao gồm cả việc tăng cảm giác muốn đi vệ sinh.
Tiến sĩ Maqbool cho biết thêm: “Trong mọi trường hợp, bạn nên uống đủ nước và lắng nghe cơ thể mình. Nếu bạn cảm thấy cần phải đi vệ sinh sau khi uống cà phê, bạn hãy làm như vậy".
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.