Chỉ một ly rượu mỗi ngày cũng có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Ảnh: Shutterstock. |
Chúng ta đã nghe về lợi ích của rượu vang đỏ như giảm cholesterol, kiểm soát tiểu đường, hạn chế viêm nhiễm. Tuy nhiên, việc nghiện rượu nặng cũng gây ra nhiều vấn đề như tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Nhiều người nghĩ điều này chỉ xảy ra khi uống quá nhiều rượu. Một số người phân vân mức một ly mỗi ngày có gây hại không.
Lisa R. Young, tiến sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, thành viên của Hội đồng Chuyên gia Y tế Eat This Not That, giải thích: “Bạn không nên uống rượu mỗi ngày và bạn uống càng ít càng tốt. Nhưng nếu bạn thích uống rượu, Bộ hướng dẫn chế độ ăn uống khuyến nghị một ly cho nữ giới và 2 ly với nam giới".
Tuy nhiên, uống ít rượu không phù hợp với tất cả và bạn nên nhận thức được những hạn chế của việc này. Một ly rượu trong bữa tối nghe có vẻ không có hại gì song nó có thể gây ra một số biến chứng sức khỏe tiềm ẩn.
Làm gián đoạn giấc ngủ
Theo Eat This Not That, một tác dụng phụ của việc uống rượu vào buổi tối hoặc bất kỳ đồ uống có cồn nào là nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Mặc dù mọi người thường cảm thấy buồn ngủ hoặc chóng mặt hơn sau khi uống rượu, cảm giác này không kéo dài.
Rượu không làm chúng ta buồn ngủ hơn như nhiều người nghĩ. Ảnh: Shutterstock. |
Theo Sổ tay Thần kinh Lâm sàng, rượu có thể làm giảm thời gian của chu kỳ ngủ sâu, gây gián đoạn giấc ngủ suốt đêm. Vì vậy, ngay cả khi bạn nghĩ rằng một ly rượu sẽ đưa bạn vào giấc ngủ nhanh hơn và yên bình hơn, bạn sẽ thất vọng khi biết rằng nó cũng có thể khiến bạn thức giấc lúc nửa đêm.
Ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc
Theo Viện Quốc gia về Lạm dụng và Nghiện rượu, rượu có thể phản ứng với nhiều loại thuốc, bao gồm acetaminophen, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật, thuốc giảm đau và thuốc an thần. Do đó, uống rượu chứa mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Khi đang dùng thuốc, nếu bạn uống rượu, nó có thể gây buồn ngủ, nhức đầu, buồn nôn, thậm chí ngất xỉu. Nó cũng có thể làm mất tác dụng của thuốc kháng sinh. Vì vậy, bạn cần đọc cảnh báo trên tất cả loại thuốc trước khi uống rượu.
Tăng nguy cơ mắc ung thư vú
Thói quen uống rượu hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ngay cả khi bạn chỉ tiêu thụ ở mức độ vừa phải.
Theo đánh giá được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Ung thư Vú, uống nhiều rượu (50 gram rượu/ngày trở lên) được cho là góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh, thậm chí, mức thấp hơn (18 gram rượu/ngày) cũng dẫn đến nguy cơ tương tự.
Chỉ một lượng rượu nhỏ cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư vú. Ảnh: Shutterstock. |
Mỗi ly rượu chứa khoảng 14 gram cồn. Vì vậy, việc uống ly rượu mỗi ngày vẫn gây nguy hại cho sức khỏe hơn mức bạn tưởng.
Trên tạp chí Ung thư Anh, một đánh giá về 53 nghiên cứu dịch tễ học đã kết luận rằng đối với phụ nữ không hút thuốc lá, cứ thêm 10 gram rượu/mỗi ngày (ít hơn một lần uống), nguy cơ ung thư vú tăng 7%.
Tăng nguy cơ mắc ung thư tổng thể
Bạn nghĩ rằng mình chỉ uống rượu mà không hút thuốc lá nên sức khỏe bản thân vẫn ổn? Bạn có thể thất vọng khi biết rằng uống rượu mức độ nhẹ đến trung bình vẫn có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Theo một bài báo nghiên cứu năm 2019 trên BMC, uống một chai rượu mỗi tuần (lượng rượu ít hơn nhiều so với việc uống một ly mỗi ngày) làm tăng nguy cơ ung thư suốt đời của một người lên khoảng 1-1,4%.
Khiến tim đập nhanh hoặc đập không đều
Thường xuyên uống rượu, dù chỉ với một lượng nhỏ, có thể làm nhịp tim tăng nhanh bất thường.
Một nghiên cứu được công bố trên EP Europace cho thấy người uống rượu mỗi ngày có nguy cơ bị tăng nhịp tim cao hơn so với người chỉ uống 1-2 lần/tuần.
Các nhà nghiên cứu phát hiện tần suất uống rượu tác động đến rung tâm nhĩ (hay còn gọi là nhịp tim không đều) hơn là lượng rượu.
Lượng rượu ít hay nhiều đều khiến tim đập nhanh bất thường. Ảnh: Shutterstock. |
Trên thực tế, những người uống nhiều rượu trong một lần có nguy cơ mắc rung tâm nhĩ thấp hơn so với những người uống ít rượu mỗi ngày nhưng thường xuyên uống suốt cả tuần.
Tuy nhiên, những phát hiện này không khuyến khích bạn uống nhiều rượu trong một lần. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Mỹ) cảnh báo uống nhiều rượu (khi nữ giới uống nhiều hơn 4 ly trong một lần và 5 ly đối với nam giới) có thể dẫn đến bệnh tim, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chứng mất trí nhớ và ung thư.
Tăng huyết áp
Chuyên gia Young nói: "Uống rượu ở mức độ vừa phải, khoảng một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly mỗi ngày đối với đàn ông, thường được coi là tốt cho sức khỏe tim mạch. Nhưng uống nhiều rượu hơn có thể tăng nguy cơ cao huyết áp".
Uống rượu thường xuyên tăng nguy cơ bị tăng huyết áp. Ảnh: Shutterstock. |
Tăng huyết áp, còn được gọi là huyết áp cao, có thể dẫn đến suy tim và bệnh thận. Theo Mayo Clinic, uống nhiều hơn 3 ly rượu trong một buổi tối có thể tạm thời làm tăng huyết áp.
Gây ra biến chứng tim mạch
Liên đoàn Tim mạch Thế giới (WHF) gần đây đã công bố một bản chính sách tóm tắt, theo đó, uống rượu, kể cả với lượng nhỏ, cũng không tốt cho tim.
Bản tóm tắt cho biết thêm uống rượu liên quan đến một loạt bệnh như tim mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, suy tim, bệnh tim do tăng huyết áp, bệnh cơ tim, rung tâm nhĩ và chứng phình động mạch.
Họ nói so với những người chỉ tiêu thụ 0-25 gram rượu (khoảng 0-2 ly), những người uống 100 gram rượu/tuần (khoảng 7 ly rượu) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Tuy nhiên, theo tin tức của CNN, WHF nhận rất nhiều chỉ trích vì đã phát hành báo cáo này với quan điểm một chiều về việc tiêu thụ rượu. Nhiều người vẫn ủng hộ ý kiến uống ít rượu có thể có ích cho tim.
Câu hỏi liệu rượu có hoàn toàn gây hại cho tim hay không vẫn là chủ đề tranh cãi sôi nổi. Ảnh: Shutterstock. |
Emmanuela Gakidou, giáo sư tại Viện Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington, nói với CNN: "Một số nghiên cứu khoa học ủng hộ WHF, nhưng dựa trên công trình của tôi về Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu, tất cả bằng chứng khoa học hiện có cho thấy tuyên bố của WHF không hợp lý".
Tác động tổng thể đối với sức khỏe tim mạch của việc uống rượu vẫn còn đang được tranh luận rộng rãi. Bạn có thể cân nhắc thảo luận về thói quen uống rượu cá nhân với bác sĩ để xem lượng rượu nào tốt nhất cho mình.
Tổn hại gan
Theo Mayo Clinic, gan tạo ra các enzym chuyển hóa giúp bạn tiêu hóa và phân hủy các chất độc như rượu. Vì vậy, việc uống rượu hàng ngày khiến gan phải làm việc nhiều hơn.
Uống rượu hàng ngày có thể gây xơ hóa, sẹo mô gan hoặc viêm gan. Một nghiên cứu từ 2/2022 phát hiện rượu tác động đến gan thông qua ty thể.
Trích từ bài báo của Cedars-Sinai, gan rất giàu ty thể, nhưng rượu lại can thiệp vào hoạt động của ty thể, dẫn đến tổn thương gan.
Ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch
Uống rượu hàng ngày có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Bạn có thể nhận thấy mình dễ bị cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh khác nếu uống rượu thường xuyên.
Theo một báo cáo được công bố trên Alcohol Research, rượu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ vi sinh vật đường ruột vì đường tiêu hóa là nơi đầu tiên rượu đi vào.
Rượu sẽ ngay lập tức làm thay đổi tính toàn vẹn của đường tiêu hóa. Ví dụ, rượu làm thay đổi các vi khuẩn tự nhiên có trong hệ vi sinh vật đường ruột và làm gián đoạn quá trình giao tiếp giữa ruột và hệ thống miễn dịch. Uống rượu thường xuyên có thể dẫn đến hệ thống miễn dịch suy yếu.
Mọi loại rượu đều có tác dụng phụ như nhau
Bạn có thể tự hỏi liệu có sự khác biệt giữa việc uống rượu vang đỏ và trắng hay không, đặc biệt khi mọi người thường cho là rượu đỏ tốt cho sức khỏe hơn.
Tiến sĩ Young nói: "Rượu vang đỏ thường được coi là tốt hơn vì hàm lượng resveratrol cao. Nhưng bạn cũng có thể nạp resveratrol từ nho đỏ".
Mọi người thường nghĩ rượu vang đỏ tốt hơn vang trắng. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết 2 loại này không có mấy khác biệt. Ảnh: Shutterstock. |
Rượu vang trắng thường chứa nhiều đường hơn một chút. Tuy nhiên, rượu vang đỏ cũng chứa đường. Vì vậy, sự khác biệt giữa 2 loại là rất ít. Chuyên gia Young nói tần suất uống rượu ảnh hưởng đến sức khỏe hơn là lượng rượu bạn uống mỗi lần. Do đó, việc uống rượu vang đỏ hay trắng không quá quan trọng.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.