Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Uống nhầm nước rửa động cơ, bé 5 tuổi tử vong thương tâm

Dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu, trẻ vẫn không thể qua khỏi vì lượng độc chất uống phải quá lớn, quá độc.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, tiếp nhận nhiều ca ngộ độc. Ảnh: Linh Thùy.

Theo chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa II Ngô Thị Thanh Thủy, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), gia đình của trẻ này đã vô tình đựng nước rửa động cơ trong tủ lạnh. Do cháu bé mới 5 tuổi, chưa phân biệt được nên đã uống nhầm.

Ngay sau khi uống, trẻ có biểu hiện tím tái, suy hô hấp, co giật và dẫn tới hôn mê sau vài phút. Bé nhập cấp cứu trong tình trạng tổn thương đa cơ quan.

"Do lượng dung dịch uống nhầm quá lớn, độc lực quá lớn, mọi điều trị cứu chữa ban đầu của chúng tôi không thể giữ được bé. Sau vài giờ đưa vào bệnh viện, rất đau lòng là cháu đã không qua khỏi", bác sĩ Thủy mắt rơm rớm hồi tưởng.

Đây là một trong rất nhiều ca ngộ độc khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, tiếp nhận trong thời gian qua.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, bác sĩ Thủy cho hay trẻ bị ngộ độc có thể biến chứng rất nặng lên đa cơ quan, thậm chí dẫn đến tử vong.

Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho thấy 70% trẻ em ngộ độc do vô ý, số còn lại là ngộ độc và tự tử. Những trường hợp ngộ độc vô ý hầu hết xảy ra ở những bé nhỏ tuổi uống nhầm chất độc được gia đình bảo quản không đúng hướng dẫn sử dụng.

Trong khi đó, các trường hợp tự tử thường xảy ra ở trẻ lớn hơn, thuộc tuổi vị thành niên. Đa số bé đều có tình trạng căng thẳng trong các môi trường quen thuộc như nhà trường hay gia đình.

Để tránh xảy ra các trường hợp ngộ độc vô tình, bác sĩ Thủy khuyến cáo gia đình cần để những hóa chất, chất độc xa tầm tay trẻ em. Trong trường hợp trẻ uống nhầm độc chất sẽ gần như không có thuốc giải.

"Phụ huynh không bao giờ nghĩ tới những trường hợp đau lòng như vụ việc của em bé 5 tuổi có thể xảy ra. Tuy nhiên, chỉ cần chủ quan một chút, trẻ có thể uống nhầm và kết quả xấu nhất rất dễ xảy ra", bác sĩ Thủy cảnh báo.

Ngoài ra, đối với những trẻ lớn hơn, phụ huynh nên theo sát con em mình để nắm bắt được sức khỏe tâm thần, tâm lý trẻ. Từ đó, gia đình có thể kết hợp với nhà trường để có cách xử trí kịp thời cũng như lên kế hoạch can thiệp y tế sớm cho trẻ.

Đối với những tình huống ngộ độc tại nhà, sơ cứu ban đầu cũng rất quan trọng. Thời gian vàng để xử trí ngộ độc chỉ trong những giờ đầu.

Khi nghi ngờ trẻ ngộ độc chất, người lớn không được móc họng hay cho con uống nước chanh, nước xà bông pha để làm bé nôn ra. Cách tốt nhất là đưa trẻ đi bệnh viện ngay lập tức để bác sĩ có cách xử trí tốt nhất cho trẻ.

Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Tri thức trực tuyến giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.

Cuốn sách hướng dẫn bạn đọc những kỹ thuật để khai thác hiệu quả việc sử dụng hơi thở cũng như nụ cười, chiếc lược, lòng bàn chân… để thư giãn và tự chữa lành những tổn thương trong cơ thể về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi

Theo thống kê, viêm phổi cộng đồng là bệnh lý nhiễm trùng gây tử vong cao nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm