Mùa hè với thời tiết nắng nóng luôn là thời điểm trẻ nhỏ dễ mắc các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp. Không chỉ bởi nhiệt độ khắc nghiệt, những thông tin truyền miệng không chính xác cũng khiến các thói quen hàng ngày trở thành nguy cơ.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Nhiều người chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nước lạnh, thậm chí đá, có thể khỏi viêm họng. Một số người đã khỏi bệnh sau khi làm như vậy. Về điều này, PGS.TS.BS Võ Thanh Quang (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) khẳng định: "Đây là quan niệm thiếu tính khoa học. Chúng ta không thể lấy một vài kết quả có tính tình cờ để đưa ra cái chung".
Theo bác sĩ Quang, tất cả giải pháp y tế đều cần có cơ sở khoa học rõ ràng. Nếu không may gặp một vấn đề về sức khoẻ không quá nặng, đôi khi chúng ta không cần uống thuốc, cơ thể vẫn có thể tự chống chọi lại và khỏi bệnh. Tuy nhiên, chúng ta không thể vì thế mà đưa ra lời khuyên cho người khác để họ làm tương tự, điều này cần ý kiến của bác sĩ.
Uống nước quá lạnh khiến trẻ dễ bị viêm họng hơn chứ không thể chữa viêm họng. Ảnh: Simplicity. |
Lý do là một số người có sức đề kháng tốt, họ chỉ cần tập luyện, bổ sung các dưỡng chất cần thiết từ thực phẩm nhằm tăng sức khoẻ là đã có thể khỏi bệnh. Ngược lại, với số còn lại, họ buộc phải sử dụng một vài loại thuốc để giải quyết dứt điểm nếu không muốn bệnh kéo dài 2 tuần thay vì 2 ngày và gây ra những hệ quả không mong muốn.
"Người dân làm vậy là đang theo chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng chỉ là kinh nghiệm của một vài trường hợp đơn lẻ, không có kiến thức khoa học", bác sĩ này nhận định.
Đồng ý với quan điểm của bác sĩ Quang, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) đánh giá: "Chúng tôi gọi đây là hiện tượng trùng lặp ngẫu nhiên".
Cụ thể, bác sĩ Dũng giải thích: "Tôi cho bệnh nhân sử dụng thuốc A trong 3 ngày không khỏi, đến ngày thứ 4 bệnh nhân sử dụng thuốc B lại khỏi. Người nhà bệnh nhân thấy vậy có thể nói thuốc B công hiệu hơn. Nhưng chúng tôi khi đó lại phải xem xét thuốc B là thuốc gì, đôi khi khỏi bệnh nhờ uống thuốc A, đến đúng hôm đó mới khỏi". Nếu thuốc B ở đây là nước lạnh thì cha mẹ hoàn toàn có thể đang hiểu sai vấn đề.
Nên cho trẻ uống nước khoảng 25 độ C
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, chúng ta nên cho cho trẻ uống nước mát thay vì nước lạnh và điều này hoàn toàn có lợi. "Nhiệt độ mùa hè thông thường sẽ ở mức 39-40 độ C, cha mẹ cho con uống nước mát khoảng 25 độ C sẽ giúp các bé uống được nhiều nước hơn, bù lại lượng nước mất đi trong ngày, giúp trẻ cảm thấy sảng khoái, khoẻ mạnh nên tôi rất khuyến khích", bác sĩ này đưa lời khuyên.
Tuy nhiên, bác sĩ Dũng nhấn mạnh rằng cho trẻ uống nước quá lạnh là việc không nên. Nhiệt độ nước ở ngưỡng 8-10 độ C đã bắt đầu quá lạnh so với trẻ em, các gia đình còn có thói quen bỏ đá vào nước làm mức nhiệt này còn thấp hơn thế khiến trẻ bị lạnh đột ngột gây ra các vấn đề như viêm họng, viêm amidan.
Nước mát giúp trẻ uống được nhiều nước hơn làm cơ thể giải nhiệt là rất tốt. Nhưng uống nước đá quá lạnh lại là nguy cơ khiến trẻ dễ gặp vấn đề về đường hô hấp. Ảnh: Today Show. |
"Trẻ con rất kỵ việc uống nước lạnh quá mức. Amidan của trẻ còn đang trong giai đoạn phát triển, có nhiều hốc, rất dễ bị viêm. Đôi khi chỉ cần uống một chút nước lạnh là buổi tối đã có thể bị đỏ amidan, họng, sốt, thậm chí có mủ. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến viêm amidan cấp, viêm họng cấp hay viêm amidan mủ và gây sốt", PGS Quang cho biết thêm.
Vốn dĩ, trong cổ họng của chúng ta luôn tồn tại các loại vi khuẩn. Khi cơ thể khoẻ mạnh, các loại vi khuẩn này mang số lượng nhỏ, chỉ có thể nằm ở đó và không gây bệnh. Tuy nhiên, nhiệt độ thấp lại là điều kiện thuận lợi để chúng phát triển và ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.