Tôi thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt, có lúc đầu quay cuồng. Xin hỏi bác sĩ đây có phải triệu chứng rối loạn tiền đình không? Uống thuốc bổ não có hết bệnh không?
Độc giả Thu Minh, 36 tuổi, TP.HCM.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Hoa mắt, chóng mặt và mất thăng bằng là những triệu chứng chính của bệnh rối loạn tiền đình. Các triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến thể chất như giảm khả năng kiểm soát tư thế và té ngã; gây hệ lụy về tinh thần như trầm cảm, lo âu...
Mục tiêu điều trị rối loạn tiền đình là kiểm soát triệu chứng, giảm thiểu tình trạng khiếm khuyết chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Việc sử dụng thuốc điều trị được nhiều người quan tâm, nhưng hiện chưa có loại thuốc nào được phê duyệt để điều trị chứng rối loạn tiền đình. Thông thường, thuốc bổ não có thể được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân rối loạn tiền đình trung ương, hỗ trợ cải thiện lưu thông máu não. Máu não được lưu thông tốt giúp cải thiện triệu chứng của bệnh như đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng.
Người bệnh cần lưu ý uống thuốc tăng tuần hoàn não theo đơn của bác sĩ. Không nên tự mua về uống, vì thuốc bổ não có thể gây ra một số tác dụng phụ chẳng hạn quá mẫn, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, đánh trống ngực, ngất… Các tình trạng này làm cho triệu chứng tiền đình không cải thiện mà còn nặng hơn.
Bệnh nhân được khám, kiểm tra chức năng tiền đình bằng công nghệ ảnh động nhãn đồ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. |
Với bệnh nhân rối loạn tiền đình ngoại biên, thuốc bổ não có thể không giúp cải thiện triệu chứng. Thay vào đó, người bệnh cần điều trị kết hợp các bài tập phục hồi chức năng tiền đình chuyên biệt. Nếu rối loạn tiền đình do tổn thương tổ chức tai trong, việc phẫu thuật có thể lấy lại chức năng bình thường cho hệ thống này.
Hiện nay, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trang bị hệ thống đo chức năng tiền đình bằng công nghệ ảnh động nhãn đồ. Hệ thống có 18 phép đo tiền đình được lập trình sẵn, giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây rối loạn tiền đình. Người bệnh được đeo loại kính đặc biệt có gắn camera, ghi lại và phân tích chuyển động nhãn cầu, từ đó xác định kiểu rung giật nhãn cầu do nguyên nhân ở tai (rối loạn tiền đình ngoại biên) hay ở não (rối loạn tiền đình trung ương). Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả cho từng bệnh nhân.