Sáng 31/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 tuyên bố kết thúc phần xét hỏi Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, 47 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) cùng các đồng phạm để chuyển sang tranh luận.
Trình bày bản luận tội, đại diện VKS Quân sự quân khu 7 khẳng định việc truy tố các bị cáo như cáo trạng là đúng người, đúng tội. Cơ quan công tố đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Đinh Ngọc Hệ 10-12 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, 2-3 năm tù tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp 12-15 năm tù.
Bị cáo Trần Văn Lâm bị đề nghị mức án 5-7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt, các bị Bùi Văn Tiệp bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, tương tự Trần Xuân Sơn bị đề nghị 1,5 -2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Căn cứ các tình tiết giảm nhẹ, VKS quân sự Quân khu 7 đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Phùng Danh Thắm cải tạo không giam giữ 1,5 -2 năm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ nói trước bục khai báo. Ảnh: TTXVN. |
Đưa Út "trọc" và đồng phạm ra xét xử là cần thiết
Đại diện VKS quân sự đánh giá việc đưa Út “trọc” và đồng phạm ra xét xử là cần thiết, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt là với hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ - loại tội phạm nằm trong nhóm tham nhũng.
Về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, quá trình điều tra và tại tòa, Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận, còn các bị cáo Trần Văn Lâm, Bùi Văn Tiệp, Trần Xuân Sơn đã thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.
Theo VKS, lời khai của 3 bị cáo tại tòa phù hợp với lời khai các nhân chứng nên có đủ cơ sở xác định: Với động cơ cá nhân, từ 2010-2016, lợi dụng danh nghĩa người đại diện vốn góp, chức vụ Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty Thái Sơn, Đinh Ngọc Hệ đã đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho mua, đăng ký xe quân sự, xe biển xanh 80A. Sau đó, do không chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng xe, Út “trọc” đã tự ý ký hợp đồng thế chấp xe biển xanh, xe quân sự cho nhiều ngân hàng. Ngoài ra, cơ quan công tố còn xác định Đinh Ngọc Hệ giao xe quân sự, xe biển xanh cho người ngoài xã hội.
Cũng với động cơ vụ lợi, sau khi cơ quan Quản lý thị trường Bình Dương kiểm tra, niêm phong cây xăng dầu chứa hơn 20.000 lít dầu không đảm bảo chất lượng, Đinh Ngọc Hệ đã liên hệ Chủ tịch tỉnh Bình Dương nhờ giúp đỡ. Sau đó, Út “trọc” chỉ đạo Trần Văn Lâm soạn thảo văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của Công ty Thái Sơn chủ yếu phục vụ hoạt động kinh tế quốc phòng để xin không xin phạt.
Út “trọc” cũng liên hệ nhờ bị cáo Bùi Văn Tiệp lúc đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân ký nhận số xăng dầu trên là của Sư đoàn 367 ký gửi, không phải hàng kinh doanh để trốn tránh việc xử phạt.
Căn cứ tài liệu được các bị cáo hợp thức, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương nghĩ số xăng dầu là hàng hóa quân đội nên không truy xuất đến cùng, không xử phạt hành chính. Hành vi của các bị cáo gây thất thu cho ngân sách nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng, gây thiệt hại cho lợi ích người tiêu dùng.
Cơ quan kiểm sát quân sự cho rằng có đủ cơ sở khẳng định hành vi của Út “trọc” và 3 đồng phạm đủ yếu tố cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, quy định tại khoản 3 điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.
Mua bằng đại học giả giá 2,5 triệu đồng
Về hành vi Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, Đinh Ngọc Hệ cũng không thừa nhận. Bị cáo này khai sau khi nộp tiền nhờ người học thay đã không sử dụng bằng giả từ năm 2005. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu vụ án, kết quả xét hỏi, VKS quân sự xác định lời khai bị cáo là không có căn cứ.
Trong bản luận tội, đại diện VKS quân sự Quân khu 7 nói năm 2000, Út “trọc” mua bằng giả của trường Đại học Kinh tế quốc dân với giá 2,5 triệu đồng. Suốt quá trình công tác, Đinh Ngọc Hệ đã kê khai vào phiếu lý lịch đảng viên nên cơ quan có thẩm quyền đã căn cứ vào đó để nâng lương, chuyển sĩ quan chuyên nghiệp và phong quân hàm thượng tá. Hành vi này bị cáo Hệ đủ yếu tố cấu thành tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, nhà nước.
Còn bị cáo Phùng Danh Thắm đã không làm đúng chức trách nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý công ty con là công ty Thái Sơn, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng xe quân sự, xe biển xanh để Đinh Ngọc Hệ thế chấp xe cho ngân hàng và cho mượn.
Theo cơ quan công tố, ông Thắm cũng có trách nhiệm khi để Hệ và đồng phạm làm hồ sơ trốn nộp phạt 1,4 tỷ đồng khi kinh doanh xăng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và uy tín quân đội.
Vì sao Út "trọc" phải hầu tòa?
Theo cáo trạng của VKS Quân sự Trung ương, bị can Đinh Ngọc Hệ lợi dụng chức vụ Chủ tịch Công ty Thái Sơn, đã mua ôtô bằng vốn tự có rồi đăng ký biển số quân sự, biển xanh. Út "trọc" sau đó chỉ đạo cấp dưới cho thế chấp, cho thuê, giao hàng chục xe cho cá nhân, tổ chức bên ngoài sử dụng trái quy định.
VKS còn xác định quá trình công tác, Đinh Ngọc Hệ đã mua bằng đại học, bảng điểm giả để sử dụng trong việc kê khai hồ sơ xin nâng lương, bổ nhiệm, phong quân hàm.
Cơ quan công tố cáo buộc Đinh Ngọc Hệ cùng Trần Văn Lâm (Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P), Bùi Văn Tiệp (Cựu Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 Quân chủng Phòng không - Không quân) và Trần Xuân Sơn (Giám đốc chi nhánh Công ty Thái Sơn tại Bình Dương) làm giả hợp đồng, giấy tờ gửi xăng dầu, kê khai không trung thực với các cơ quan chức năng Bình Dương để hợp thức hóa hơn 20.000 lít xăng không đạt chuẩn.