Tính đến nay, Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam hơn 24,6 triệu liều vaccine, chủ yếu là vaccine Pfizer, bằng 1/3 tổng số vaccine Mỹ viện trợ tại Đông Nam Á, theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc.
“Số lượng vaccine Mỹ trao cho Việt Nam nhiều như vậy trước hết phản ánh trạng thái quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, sự vận động rất quyết liệt của Việt Nam, cũng như việc sử dụng hiệu quả vaccine”, Đại sứ Ngọc trả lời báo chí vào sáng 13/12, bên lề Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 20.
Khi nước Mỹ khó khăn, Việt Nam không khá hơn nhưng vẫn cố gắng chia sẻ. Điều này đã tạo ra ấn tượng rất tốt, Đại sứ Ngọc nói.
“Khi tôi đề cập câu chuyện vaccine với đối tác Mỹ, họ đều nhắc lại câu nói 'người bạn thực sự là người giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn'. Và bây giờ mỗi lần tặng vaccine, họ đều nhắc lại câu nói này”, ông nói, thêm rằng ông luôn nhấn mạnh với đối tác Mỹ rằng Việt Nam sẽ không bỏ phí dù chỉ một liều vaccine.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc tại một buổi tọa đàm ngày 10/12, thuộc chuỗi sự kiện thuộc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 20. Ảnh: TTXVN. |
Việt Nam nên ưu tiên hợp tác để tự chủ vaccine
“Tôi nghĩ hướng ưu tiên sắp tới là phải hợp tác với Mỹ để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và trang thiết bị y tế”, Đại sứ Ngọc đánh giá.
Trong chuyến đi thăm Việt Nam hồi tháng 8 vừa qua của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, Mỹ đã khai trương văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) tại Hà Nội.
Đại sứ Ngọc đánh giá đây là bước ngoặt rất quan trọng, đồng thời chỉ ra rằng lịch sử hợp tác lâu dài giữa CDC Mỹ với Việt Nam đã bắt đầu từ những năm 1954-1955.
Chính quyền Mỹ đã trợ giúp cho Việt Nam số tiền tương đối lớn, khoảng 40 triệu USD, trong đó bao gồm trang thiết bị y tế và đào tạo kỹ năng cho lực lượng trong phòng chống dịch.
“Thời gian qua, hai nước đã có những sự hỗ trợ lẫn nhau. Từ tháng 4/2020, Việt Nam đã trợ giúp Mỹ về thiết bị y tế, sau đó Mỹ giúp Việt Nam về vaccine”, Đại sứ Ngọc cho biết. “Đây là nền tảng rất tốt để chúng ta thúc đẩy hợp tác trong tương lai, quan trọng nhất là tự chủ về vaccine”.
Về chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, vị đại sứ cho biết Việt Nam đã tiếp cận và kết nối với các doanh nghiệp trong nước và đã thực hiện chuyển giao sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA - công nghệ không chỉ có thể xử lý Covid-19 mà còn có thể giúp chống lại biến thể tương lai.
Lượng vaccine Mỹ viện trợ cho Việt Nam cho tới nay | ||
Đợt | Thời gian | Số liều vaccine |
1 | 10/7 | 2.000.000 |
2 | 24/7 | 3.000.000 |
3 | 25/8 | 1.000.000 |
4 | 2/10 | 1.499.940 |
5 | 7-13/10 | 2.001.530 |
6 | 25/10 | 2.633.670 |
7 | 6-9/11 | 3.210.610 |
8 | 17/11 | 1.000.000 |
9 | 26/11 | 2.074.410 |
10 | 27/11 | 2.075.580 |
11 | 10/12 | 4.200.000 |
Tổng | 24.695.740 | |
Tiềm năng lớn của cộng đồng Việt kiều
Nhận xét về tiềm năng của cộng đồng người Việt tại Mỹ, Đại sứ Ngọc chỉ ra rằng ở Mỹ có đến 200.000 trí thức người Việt, chiếm một nửa tổng số trí thức người Việt ở nước ngoài, theo số liệu của Ủy ban nhà nước về người Việt ở nước ngoài.
“Đây cũng là cộng đồng có học vấn cao so với các cộng đồng nhập cư ở Mỹ”, Đại sứ Ngọc chỉ ra. “Khoảng 55% có trình độ đại học hoặc tương đương, 23% có trình độ thạc sĩ, cao hơn tỷ lệ trung bình ở Mỹ, và 10% là tiến sĩ”, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết.
“Đặc biệt, có nhiều trí thức có tên tuổi ở Mỹ, nhất là trong những lĩnh vực khoa học, kỹ thuật cơ bản, vật lý, vũ trụ, công nghệ thông tin… Nhiều người đã được vinh danh trong thời gian qua”, Đại sứ Ngọc nói.
Và không chỉ có tài năng, bản thân các trí thức Việt Nam ở nước ngoài cũng rất mong muốn được đóng góp, theo Đại sứ Ngọc.
Vị đại sứ kể trước khi về Việt Nam lần này, ông từng gặp mặt một trí thức trẻ người Việt hoạt động trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ. Chỉ một tuần trước cuộc gặp ấy, công ty của người này đã trở thành công ty có trị giá một tỷ USD.
“Bạn ấy nói ‘Chúng tôi có thể đầu tư vào Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Brazil, nhưng vẫn muốn về Việt Nam vì đó là quê hương, đất nước”, Đại sứ Ngọc kể.
Tính theo tổng số liều, Việt Nam hiện là nước nhận vaccine ngừa Covid-19 viện trợ từ Mỹ cao thứ hai thế giới, theo dữ liệu tính tới ngày 12/12 từ Bộ Ngoại giao Mỹ và COVAX. Đồ họa: KFF. |
Nhưng để thu hút nhân tài về nước, Đại sứ Ngọc cho rằng Việt Nam cần có các cơ chế, chính sách trong nước để tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn, nhất là phải biết trọng dụng nhân tài.
“Tiềm năng của trí thức kiều bào rất lớn”, Đại sứ Ngọc cho biết. “Vừa qua đã có nhiều trí thức về nước để hợp tác về đào tạo, giáo dục và thậm chí là các dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó chỉ là bước khởi đầu”.
“Có nhiều câu chuyện thành công, nhưng cũng có trí thức Việt kiều khi trở về Mỹ đã nói với chúng tôi rằng họ 'không được sử dụng như những trí thức trong nước hay nước ngoài, dù có trình độ không thua kém, thậm chí còn hơn’”, Đại sứ Ngọc kể.
Nhắc lại lịch sử, Đại sứ Ngọc chỉ ra rằng sau Cách mạng tháng 8, Bác Hồ đã thu hút được nhiều đại trí thức về nước như ông Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của...
“Họ sẵn sàng từ bỏ địa vị giàu sang để về đồng cam cộng khổ với đồng bào trong nước thì mình phải trọng dụng họ. Đó là vấn đề then chốt”, ông khẳng định.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc tại Mỹ. Ảnh: Hoài Thu. |
Ba kiến nghị để thu hút, trọng dụng nhân tài
Từ những yếu tố trên, Đại sứ Ngọc đề xuất 3 kiến nghị để thu hút nhân tài người Việt ở nước ngoài trở về quê hương.
“Thứ nhất, các cơ quan trung ương phải đưa ra những biện pháp thiết thực, hiệu quả để thu hút kiều bào trí thức”, đại sứ nói, đồng thời chỉ ra một vấn đề là cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi những sáng kiến, khuyến nghị.
Mỗi một hội nghị có nhiều sáng kiến được nêu ra nhưng có lẽ do các cơ quan trong nước quá bận rộn nên chưa phản hồi cụ thể xem kiến nghị ấy đã được vận dụng như thế nào, theo ông Ngọc.
“(Điều này) khiến các trí thức kiều bào đôi khi có cảm giác những sáng kiến của họ chưa được tận dụng đúng mức, từ đó chưa tạo được động lực để họ tiếp tục cống hiến”, Đại sứ Ngọc nói. “Như con ong đi kiếm mật, người thụ hưởng phải trân trọng nó”.
Tiếp theo, Đại sứ Ngọc cho rằng các địa phương cũng cần tạo môi trường, cơ sở hạ tầng, cũng như đưa ra chế độ chính sách để khuyến khích và trọng dụng nhân tài.
Cuối cùng, Việt Nam phải tập trung vào những lĩnh vực của thời đại, như công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
“Nếu đầu tư đúng vào những cái mới như trên, các địa phương sẽ phát huy được sở trường của trí thức kiều bào, tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn để thu hút họ về Việt Nam”, Đại sứ Ngọc nhận định.