Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Uyên Linh: 'Tôi khó quay lại đỉnh thời Vietnam Idol'

Làm việc với nhạc sĩ Quốc Trung 3 năm, Uyên Linh được anh “trải thảm hoa hồng” cho con đường sự nghiệp, thế nhưng cô vẫn đòi “ra riêng”.

Tôi yêu nhiều…

- Chị tự thấy mình là người có tính cách thế nào?

- Tôi không nữ tính nên chắc chắn không hiền thục. Tôi cũng không dám tự nhận mình thế nào, mất công người ta nói này nói kia. Thật ra tôi chẳng cần cả xã hội này đánh giá, chỉ cần những người thân, người thương yêu biết mình thế nào là được.

Thế nhưng, trong công việc, tôi tử tế, hào phóng và rất quý cộng sự. Có thể từ nhỏ mình đã được dạy nên tử tế và cũng vì còn trẻ, mới đi làm 3 năm nên chưa có nhiều điều xô đẩy. Thêm nhiều năm đi làm, gặp chuyện cạnh tranh khốc liệt về đủ thứ, lúc đó mình đối xử với mọi người ra sao mới biết chính xác. Có điều, tôi luôn ý thức về sự tử tế, để sống cho tới những năm sau này.

- Mọi quyết định của chị trong cuộc sống thường nhanh hay chậm?

- Với công việc, tôi nghĩ lâu lắm. Tôi phải đi hỏi những người mình tin tưởng để biết khi làm chuyện này sẽ được gì mất gì, nhưng rồi vẫn làm như thường. Hỏi để có kinh nghiệm và hạn chế rủi ro cho mình và ê-kíp.

Riêng tình cảm tôi chẳng hỏi gì cả. Chuyện đời sống cá nhân, tôi tự quyết là chính. Tôi làm nhanh chóng lắm, cái gì cũng bất ngờ, mua sắm cũng thế, thích là mua hoặc thích là bán, mà bán chẳng bao giờ lỗ cả.

- Thế nên chị đã yêu thì không ai cản được?

- Đúng rồi! Khi yêu, tôi muốn hai người phải cùng văn hóa. Bạn bè cũng định giới thiệu mấy anh Tây rất đáng yêu cho tôi nhưng tôi không thích vì không cùng văn hóa. Văn hóa ở đây không phải vấn đề cao thấp mà là sự khác biệt tư tưởng hoàn toàn, rất khó nói chuyện, khó để đi xa trong một mối quan hệ.

Tôi quan niệm trong tình yêu, đầu tiên phải đồng điệu về văn hóa. Tôi yêu nhiều, tìm hiểu nhiều rồi thôi, bởi sau một thời gian yêu, tôi thấy hầu hết đàn ông đều không như lúc đầu. Với tôi, lúc nào cũng phải yêu như ngày đầu, không thì thôi.

- Không chỉ đòi hỏi sự nồng nàn khi yêu, có vẻ chị còn đòi hỏi trách nhiệm và sự nỗ lực từ người đàn ông nữa?

- Bản thân tôi cũng phải thế! Tôi không ngại nói ra những lời yêu thương, tán tỉnh. Nhưng mình là phụ nữ, khi đàn ông không làm lại được những điều đó cho mình, mình sẽ rất tổn thương.

Đừng tưởng yêu như thuở ban đầu là dễ nhé. Mình đều phải cố gắng duy trì, phải hy sinh cả thú vui riêng. Nói theo kiểu sách vở là tình yêu cũng dần phai nhạt đi chỉ còn lại tình nghĩa. Tôi chưa tới tuổi như thế, tôi vẫn còn trẻ nên lúc nào cũng phải như mới yêu, tôi cũng thế mà anh ta cũng vậy. Tôi sợ sự nhàm chán, gặp nhau như thói quen mà không còn hân hoan.

Khi yêu, tôi đòi hỏi nhiều lắm nên lúc này, tôi xác định sẽ sống một mình trong vài năm nữa hoặc thậm chí cả đời (cười). Tất nhiên tôi vẫn có tìm hiểu, có những mối quan hệ để biết được đàn ông như thế nào. Để tìm được một người đúng ý mình khó lắm, trừ khi người ta yêu tôi và tình nguyện như thế trong nhiều năm thì tôi mới bước tới hôn nhân với họ.

- Mối tình dài nhất của chị kéo dài trong bao lâu?

- Tìm hiểu 1-2 tháng, mối tình lâu nhất có hai mối tình, được 2 năm hồi đại học (2008-2010), nhưng anh đó không thích tôi ca hát nên tôi “bye bye”. Tôi chia tay không phải vì anh ấy phản đối tôi theo nghệ thuật, trong suốt những năm yêu nhau, anh rất cổ vũ, ủng hộ tôi ca hát, nhưng đến lúc tôi quyết định dấn sau vào các cuộc thi, anh ấy lại phản đối. Tôi cảm thấy hơi hụt hẫng vì anh ấy không thật sự trân trọng đam mê của tôi. Thật ra khi ấy, tôi cũng còn bồng bột nên đã ích kỷ không nghĩ cho người đàn ông của mình.

Tôi chia tay trước khi thi Vietnam Idol, thi xong bọn tôi vẫn dây dưa cho tới lúc không dây dưa được nữa thì thôi. Sau đó, tôi tìm hiểu thêm 5-6 người và yêu một người khác khoảng 2 năm. Anh này không cấm hát nhưng không yêu được như thuở ban đầu. Lỗi cũng do tôi không còn đáng yêu trong mắt anh ấy.

- Chị có thấy mình đòi hỏi quá nhiều ở đàn ông không?

- Tôi biết vậy nhưng đành chịu, không thể giảm bớt được. Cho tới thời điểm này tôi chỉ có một kim chỉ nam: một là yêu thật nhiều như lúc đầu, hai là không.

- Làm thế nào chị có thể thoát được những “cơn buồn” sau khi chia tay?

- Nếu là một cô gái mơ mộng bình thường, khi chia tay chắc tôi nằm bẹp, chẳng thiết làm gì. Tôi cũng có những lúc không muốn đi hát, chỉ ước sao được “sụp đổ hoàn toàn”, vứt hết mọi việc. Trong tình yêu, tôi cực đoan vậy đó, nhưng nghỉ hát là đền hợp đồng. Tôi chẳng có tiền đền hợp đồng, tôi phải xuất hiện, phải đến đúng giờ, tôi không được phép ốm, không được phép té xe, nói chung tôi phải luôn nở nụ cười ở nơi làm việc. Tôi thấy sau mỗi cuộc tình nghiêm túc, người phụ nữ sẽ hiểu rõ mình hơn một chút, trưởng thành hơn so với bản thân.

- Ngay lúc này, một người đàn ông đáng để chị yêu cần có những điểm gì?

- Không cần giàu nhưng phải biết kiếm tiền và phải biết cả tiêu xài. Nếu anh ấy biết kiếm tiền, biết tiêu xài sẽ duy trì những thú vui riêng cho mình trong đời sống. Tôi nghĩ đó là một người đàn ông đầy đủ về mặt tài năng. Còn về mặt chia sẻ cuộc sống vô chừng lắm, không thể kể hết được, họ phải tiếp xúc với tôi mới biết.

- Nhưng ít nhất phải có vài điểm tối kỵ?

- Tôi kỵ nhất những người đàn ông ba hoa và vô tâm, nhưng thường chỉ có thể tránh được những người ba hoa, còn vô tâm hay không một thời gian sau mới biết được. Lúc đó mình có đủ dũng cảm để bước ra khỏi anh ấy hay không.

- Nếu một người đàn ông yêu chị quá, yêu đến mức “đong cả không khí cho chị thở” thì sao?

- Tôi chưa gặp và nghĩ chẳng đàn ông nào khi đến với mình lại làm điều đó. Anh ta phải có cảm giác thế nào về cô gái đó mới yêu kiểu vậy. Nếu gặp một cô gái biết tự kiếm sống, tự đi hát, tự làm mọi thứ mà lại đi đong cả không khí thì hóa ra (cười). Nếu đó là một cô gái sống trong nhung lụa, đẹp như hoa đúng là anh này phải làm mọi thứ, còn gặp một cô gái cứ lù lù như tôi chắc chắn phải khựng lại ngay.

- Chị sẽ là một phụ nữ thế nào khi yêu, nó có khác với sự cá tính thường thấy ở chị không?

- Không cần nói nhiều, tôi tự tin lúc nào yêu lúc đấy, một là gặp được người như tôi nói, hai là tôi sống một mình. Còn nếu có chồng, có lẽ tôi sẽ bắt anh ấy ăn uống theo tôi. Tôi chỉ thích ăn đồ luộc, chồng ăn đồ chiên xào tôi cũng không cho ăn. Cả hai người đều phải nấu ăn, đừng nói chỉ có phụ nữ làm tôi không chịu. Cái gì trong nhà cũng phải theo tôi, ví dụ tường sơn màu gì tôi chọn, rèm màu gì tôi thích. Tất nhiên tôi có hỏi ý anh ấy nhưng mình thích như thế cơ. Có điều, đến những việc lớn như công việc, cho con học trường gì, đi du lịch ở đâu... anh ấy sẽ là người quyết định.

Không bao giờ tôi bưng đồ dâng tận nơi cho chồng, nhưng nếu anh ấy ốm, tôi sẵn sàng làm mọi thứ. Vậy nên tôi nghĩ mấy năm nữa tôi vẫn sống một mình, vì quan niệm về yêu đương của tôi bị lệch lạc, bị sai, nhưng quan trọng là nó đúng với tôi.

Anh Quốc Trung dạy tôi sự tử tế

- Vậy hiện giờ chị vẫn cứ một mình? Còn bạn bè hay những người dìu dắt chị buổi đầu như nhạc sĩ Quốc Trung thì sao?

- Tôi chơi với một hội bạn có hơn chục người, còn chia sẻ nhiều hơn có vài người bạn đại học, mỗi đứa một kiểu. Đứa chuyên kể lể tình cảm, đứa chuyên về hỏi han buôn bán, còn chia sẻ tất tần tật mọi thứ của mình, tôi... không có ai. Vì chúng tôi mỗi người một nghề, khi gặp nhau, tôi cũng không muốn làm nặng nề các bạn. Tôi với người quản lý hiện nay có thể chia sẻ với nhau nhiều thứ, còn anh Quốc Trung và tôi đã xong hợp đồng từ đầu năm.

- Điều gì khiến chị ngừng hợp tác với nhạc sĩ này?

- Đơn giản là hết thời gian hợp đồng, tôi muốn tự làm và anh Trung cũng rất bận rộn. Thời gian vừa qua như là bão tố trong người, tôi cũng có một phần nôn nóng muốn thể hiện: "Anh cứ để em tự làm, có việc gì em sẽ hỏi anh".

Khi một người đào tạo một cô ca sĩ, cô ấy có thể bước ra ngoài tự kiếm sống bằng nghề hát, đó mới là niềm vui, không phải chỉ sản xuất đĩa nhạc rồi thôi. Cái đĩa Giấc mơ tôi do nhạc sĩ Quốc Trung sản xuất có thể không nhận được nhiều yêu mến lớn lao như lúc tôi đi thi Vietnam Idol nhưng biết đâu nó lại là điều tốt.

- Các sản phẩm âm nhạc sau này của chị có nhận được những lời góp ý từ phía anh Trung?

- Quản lý của tôi cũng là người của công ty anh Quốc Trung nên tôi có cảm giác chuyện gì của tôi, anh ấy cũng biết, nếu có việc gì không ổn anh sẽ gọi điện ngay.

Làm việc với anh Trung được “trải thảm” sẵn hết, giờ ra riêng mới thấy thực sự khó khăn. Từ khi ra riêng, tôi chỉ có một bài hit là Chờ người nơi ấy, mà cũng là bài của anh Huy Tuấn sáng tác, cộng hưởng với bộ phim Mỹ nhân kế, nếu một mình tôi cũng không biết làm thế nào. Mới đây, tôi ra mắt MV Buồn, sáng tác của chị Lưu Thiên Hương. Sản phẩm rất lẻ tẻ và nhỏ, chưa nói được gì nhiều nhưng tôi không nôn nóng.

Thậm chí, có những ngày tháng tôi ngồi chơi chẳng có bài vở gì, không có bài hợp, mình không hát. Gần đây, có gần 20 bài, mình lại phải từ từ chia nhỏ ra. Anh Trung dạy tôi tính kiên nhẫn, lúc làm chung mình chưa thấy được, bây giờ mới “hơi hơi” hiệu lực.

Chữ tử tế tôi cũng học được từ anh Trung. Có một lần tôi đi chơi với bạn bè, có một chị chơi thân với anh Trung và chị Thanh Lam từ ngày xưa mới bảo: “Anh Trung là một người tử tế. Người tốt thì nhiều em ạ, nhưng người tử tế thì hiếm”.

Ở tuổi này, tôi hiểu sự tử tế có nghĩa là khi ai đó làm điều trái ý mình, mình vẫn tốt đẹp, vẫn nhỏ nhẹ, vẫn mong những điều tốt đẹp cho người ta, phần vì họ nhỏ tuổi, rồi mình hỗ trợ sau lưng một cách âm thầm.

- Khi rời khỏi "Vietnam Idol" và bước chân vào công ty anh Trung, có phải lúc ấy chị đã mong có được nhiều hơn?

- Lúc thi Vietnam Idol tôi không biết ai cả. Tôi đâu có đi hát giống mấy bạn, chẳng biết nhà sản xuất, nhạc sĩ nào. Lúc đó, tôi chỉ biết anh Quốc Trung, anh Huy Tuấn và những người trong ê-kíp chương trình.

Anh Trung cho tôi cảm giác thấu hiểu, tin tưởng để mình có thể dựa dẫm vào những bước đầu. Nói chung trong 2 năm qua, dù có những chuyện không vui xảy ra nhưng tôi vẫn cảm thấy mình đang đi trên thảm, bây giờ bước ra một mình mới thấy vất vả hơn nhiều.

- “Những chuyện không vui” ấy là gì?

- Nó không phải giữa tôi và anh Trung hoặc trong nội bộ mà là những chuyện không vui “nổ ra” trên truyền thông. Có thể anh Trung chưa kịp chỉ cho tôi lối hành xử phù hợp, còn công việc thuần túy anh ấy đã “trải thảm” cho tôi đi hết. Nói có vẻ hơi quá, nhưng thật sự tôi chỉ biết hát, chả phải làm gì, đi hát ở đâu cũng có người lo, mình chỉ cần biết tỉnh nào, giờ nào.

- Sự “trải thảm” ấy khiến chị cảm thấy ngột ngạt, chị cần “phiêu” hơn?

- Cũng có thể!

- Chị có hài lòng về những sản phẩm mình và anh Quốc Trung từng hợp tác?

- Tôi yêu nó. Tất nhiên sản phẩm nào cũng phải có ý kiến hai chiều, lời khen của những người yêu mến và lời chê trái ngược, chúng không làm tôi thấy buồn lòng. Nhưng có những người trung lập, họ đưa ra cảm nhận cá nhân với vài ý kiến xác đáng. Họ giúp tôi có kinh nghiệm hơn và để anh Trung có thể thăm dò một đường hướng tốt hơn cho tôi.

Còn nếu lựa chọn làm lại, tôi cũng sẽ không làm khác.Ngay tại thời điểm đó, tôi hát quá dở, kinh nghiệm phòng thu quá kém, không biết lùi hay tiến. Chẳng hạn như với cái micro, mình phải bắt nó làm nô lệ cho mình, trong khi tôi lại không biết cách sử dụng và “chơi” với nó.

Anh Trung dành cho tôi cái micro vô cùng đắt tiền nhưng vì không có kinh nghiệm, tôi cứ hát ông ổng nên chả có micro nào chịu nổi. Bao nhiêu thứ lộ ra hết, lúc nào tôi hát cũng rất “căng” vì cảm giác sợ phòng thu. Trong những tiếng ca đó vẫn có những bỡ ngỡ rất ngây ngô, nhưng không phải không có đam mê.

Về phần nhạc của anh Trung, tôi hoàn toàn đồng ý. Đồng ý nên mới ra sản phẩm. Cho dù nhạc có hay đến thế nào mà kinh nghiệm phòng thu dở, sản phẩm cũng không thể nào hay được. Bây giờ tôi nghĩ mình đã tiến bộ hơn rất nhiều.

Không thể ngồi chơi với cái bóng của mình

- Chị cảm thấy thế nào khi hợp tác với Quốc Trung không có sự bùng nổ, nhưng anh Huy Tuấn dù không làm việc cùng chị vẫn ưu ái cho chị bài hit như "Chờ người nơi ấy"?

- Những điều đó có quan trọng gì đâu? Tôi chẳng suy nghĩ gì, sao mọi người lại cứ nghĩ: "Làm cho cô này cái gì là phải thành công vang dội cái nấy?". Tại sao chúng ta mưu cầu những điều không trong sáng như vậy? Anh Quốc Trung đang đào tạo một ca sĩ, hay đào tạo một cô mở miệng ra hát bài nào là thành hit bài đó? Mình thích mình hát, mình nghĩ là nó hay mình hát, còn người ta đón nhận hay không là vấn đề khác. Tôi nghĩ cứ đam mê làm việc miệt mài như vậy mới là quá trình thành công, còn nếu cứ chăm chăm vào việc bài này phải hit, tôi nói không với điều đó.

Dĩ nhiên cái tôi muốn là những ca khúc được mọi người yêu thích, nhưng không phải đời sống âm nhạc của tôi chỉ chăm chăm vào những điều đó. Một ca khúc được nhiều người đón nhận còn phụ thuộc vào may mắn và số phận của ca khúc đó. Dưới thời anh Trung làm giám đốc âm nhạc cho tôi, tôi nghĩ có khá nhiều bài được yêu mến. Một đĩa anh ấy sản xuất có 7 bài, trong đó 3 bài mới là Người hát tình ca, Mượn, Giấc mơ tôi đều có chỗ đứng nhất định. Tất nhiên, có thể tôi cũng chủ quan khi nói vậy.

Sau đó, tôi ra mắt ca khúc nhạc phim Chờ người nơi ấy của anh Huy Tuấn rơi đúng thời điểm phim chiếu Tết nên bài hát được yêu thích rộng hơn. Tôi thấy chuyện so sánh tại sao làm với người này không có bản hit trong khi làm với người khác liền có bài hit nó vô lý lắm.

- Vậy điều gì là hợp lý ở đây?

- Mọi người nghĩ rất đơn giản là làm việc với anh Quốc Trung chỉ là làm đĩa và ra album, tức là mọi người đang nhìn vào bề nổi. Chẳng lẽ chỉ có đĩa thôi sao? Như vậy quá hời hợt, có nhiều thứ quý giá hơn như vậy. Tôi được rèn luyện thần kinh, rèn luyện biểu diễn ở những show chuyên về trình diễn, chỉnh trang về quần áo, hình ảnh, tổ chức show riêng.

Khi anh ấy nhận tôi vào công ty và sản xuất âm nhạc, không đơn thuần chỉ là làm ra một cái đĩa bán chạy, để tôi như bong bóng bay trên trời. Nói chung anh ấy tạo ra một con người hát, không phải một cái máy hát.

- Nghĩa là anh ấy khơi gợi được chất nghệ sĩ trong chị?

- Tôi có nghĩ thế.

- Nhưng hai người vẫn có sự mâu thuẫn?

- Đơn giản thôi, anh Trung làm nhạc lâu và chậm, ai cũng thấy chả lẽ tôi không thấy? Nhưng tôi phải đấu tranh với việc mình đã lựa chọn nên vẫn phải tin dù rất sốt ruột. Một cô gái từng đó tuổi không có kinh nghiệm nhưng phải đủ tự tin để ngồi chờ anh Trung làm đĩa xong đã.

Có những lúc tôi rất trẻ con, tại sao anh thế này thế kia nhưng tôi cũng ngồi chờ. Chuyện anh Trung dạy cho tôi biết đủ tự tin để chờ đợi một cái gì đó tới với mình là tôi đã bước qua được một bậc khác.

- Sự chờ đợi ấy phần nào lý giải việc Uyên Linh đang ngồi mát ăn bát vàng nhờ cái “vang bóng một thời”. Thậm chí, "hiện tượng Vietnam Idol" từ năm 2010 còn giúp chị “ăn” show đến nay?

- Cũng có thể đúng! Muốn biết nó thực sự đúng hay không phải đợi đến tương lai gần. Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm bài hát, luôn nghĩ về những sản phẩm mình sẽ ra. Tôi không nghĩ mình chỉ cần ngồi đó chơi với vài bài hit và cái bóng.

Đúng là cho tới lúc này và khoảng 5-7 năm nữa, tôi khó mà vượt qua cái đỉnh năm xưa nên tôi mới túc tắc. Vì hiện tượng Uyên Linh năm đó, phần của tôi chỉ có 30%, còn 70% là của khán giả. Tôi nghĩ ít nhất cho tới khoảng 2015-2017 tôi chưa quay lại đỉnh điểm của năm 2010. Đỉnh điểm ở đây là sự đón nhận của khán giả và truyền thông. Còn sự phát triển tự thân của mình thì không cần phải nói với ai hết.

Theo Mốt & Cuộc Sống

Bạn có thể quan tâm