- Hội đang triển khai một chương trình rất ý nghĩa mang tên “Phòng chống HPV, Phòng chống ung thư cổ tử cung - lan tỏa hy vọng”. Giáo sư có thể chia sẻ đôi nét về chương trình này?
- Đây là chương trình được phối hợp giữa Hội Y học Dự phòng Việt Nam, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và fanpage HPV Việt Nam. Mục đích nhằm tăng nhận thức và kêu gọi cộng đồng cùng chung tay để giảm tỷ lệ UTCTC, vì tương lai của phụ nữ Việt Nam.
Chúng tôi thực hiện tuyên truyền dưới nhiều hình thức: video clip, bài viết… trên Internet, báo in. Bên cạnh đó chương trình có các bác sĩ nhiều kinh nghiệm túc trực qua tổng đài 1800545459 để tư vấn, giải đáp thắc mắc việc phòng ngừa UTCTC.
- Những thành viên muốn tham gia có thể dùng cách gì để lan tỏa thông điệp ý nghĩa của chương trình?
- Chúng tôi khuyến khích sự chung tay của cộng đồng. Theo đó mọi người có thể góp phần đưa thông điệp đến với nhiều người hơn qua website lantoahyvong.vn.
Ngày 20/12, khi chương trình đạt 120.000 người đăng ký, chúng tôi đã đem 360 liều vắc xin ngừa UTCTC miễn phí đến với 120 trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo tại Sa Pa.
Chương trình giúp tuyên truyền kiến thức phòng chống UTCTC. Ảnh: Mladi. |
- Thực trạng của căn bệnh này tại Việt Nam như thế nào?
- UTCTC là bệnh ung thư phụ khoa phổ biến thứ 2 ở phụ nữ, sau ung thư vú. Theo thống kê mỗi năm trên thế giới có khoảng 490.000 phụ nữ mắc căn bệnh này, số lượng tử vong lên đến 270.000 trường hợp. Riêng tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5.300 ca mắc và 2.500 ca tử vong mỗi năm, tương đương với trung bình 7 ca tử vong mỗi ngày.
Bệnh để lại những hệ lụy rất lớn, nếu không được điều trị kịp thời có thể phải cắt bỏ toàn bộ tử cung, gây ảnh hưởng nặng nề đến việc sinh sản. Đặc biệt, UCTCT còn có khả năng lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
- Chương trình có ý nghĩa gì đối với xã hội?
- Trước thực trạng trên, Hội Y học Dự phòng Việt Nam mong muốn tổ chức thực hiện chương trình để nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc phòng chống HPV và các căn bệnh do HPV gây ra. Loại bỏ mối nguy này sẽ góp phần mang lại tương lai tươi sáng, hạnh phúc hơn cho những người phụ nữ Việt Nam.
- Giáo sư có thể chia sẻ thêm về các biện pháp được xem là hiệu quả trong việc phòng ngừa UTCTC hiện nay?
- HPV (HumanPapillomaVirus) được xác nhận là nguyên nhân hàng đầu của UTCTC. Để phòng và giảm nguy cơ mắc bệnh, phụ nữ cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin ngừa HPV trong vòng 6 tháng. Nữ giới trong độ tuổi 9-26 tuổi, chưa hoặc đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm ngừa.
Ngoài việc tiêm ngừa, chị em cũng cần khám phụ khoa định kỳ hàng năm, để phát hiện sớm các bệnh phụ nữ thường gặp. Nên thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường nhằm điều trị kịp thời, giảm nguy cơ các bất thường này tiến triển thành UTCTC.
- Đây có phải là biện pháp an toàn nhất để phòng căn bệnh này?
- Theo thông báo Dịch tễ học hàng tuần của Tổ chức Y tế Thế giới đăng ngày 22/1 năm nay, Ủy ban Cố vấn Toàn cầu về An toàn Vắc xin của WHO đã khẳng định tính an toàn của vắc xin ngừa HPV và khuyến cáo sử dụng rộng rãi.
Tại Việt Nam, vắc xin ngừa HPV đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng từ năm 2008. Hiện có 2 loại vắc xin được lưu hành: vắc xin nhị giá và vắc xin tứ giá. Vắc xin tứ giá ngừa HPV phòng nhiễm các chủng HPV 6,11,16,18 (có trong thành phần vắc xin). Trong đó các chủng HPV 16,18 gây hơn 70% các trường hợp UTCTC.
Hiệu quả sau khi tiêm: bảo vệ 99% chống nhiễm virus HPV đường sinh dục, 98% phòng tổn thương tiền UTCTC vừa-nặng gây ra bởi 2 chủng HPV 16, 18. Ngoài ra vắc xin còn phòng mụn cóc ở cơ quan sinh dục và ung thư cơ quan sinh dục (ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn).