Giới khoa học đã dành hàng chục năm để nghiên cứu điều chế vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Bioworld. |
Trong quyết định về việc ban hành Danh mục 40 vaccine, sinh phẩm được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam do TS Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ký ngày 14/5, có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết. Đây là vaccine phòng sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Khác với các bệnh truyền nhiễm khác, sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng thành dịch cao. Với 4 type huyết thanh (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4), một người có thể mắc bệnh nhiều lần với các type khác nhau.
Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó, gánh nặng về chi phí điều trị cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân cũng như an sinh xã hội.
Theo PGS.TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cùng với biến đổi khí hậu, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ngày càng gia tăng đã tạo áp lực và gây quá tải cho các cơ sở y tế trong nước. Bên cạnh công tác kiểm soát vector, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức điều trị hợp lý và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để quản lý bệnh sốt xuất huyết và giảm tỷ lệ tử vong, việc Bộ Y tế phê duyệt vaccine sốt xuất huyết là tín hiệu đáng mừng giúp bảo vệ người dân khỏi gánh nặng của căn bệnh này
Dự kiến, vaccine sốt xuất huyết vừa được phê duyệt sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong cả nước bắt đầu từ tháng 9 năm nay. Vaccine sốt xuất huyết đầu tiên của Việt Nam do Tập đoàn dược phẩm Takeda sản xuất.
Vaccine đã được phê duyệt ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Brazil, Argentina, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Vaccine cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Dengue thông qua muỗi vằn Aedes Aegypti. Ảnh: Times of India. |
Bà Katharina Geppert, Tổng Giám đốc Takeda Việt Nam, chia sẻ vaccine sốt xuất huyết được phê duyệt là bước tiến quan trọng trong nỗ lực chung phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và giảm thiểu tác động của căn bệnh này tại Việt Nam.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết là bệnh nhiễm virus lây truyền sang người qua vết cắn của muỗi bị nhiễm bệnh. Khoảng một nửa dân số thế giới hiện có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết với ước tính khoảng 100–400 triệu ca nhiễm xảy ra mỗi năm. Đa số người nhiễm sốt xuất huyết có triệu chứng nhẹ, tuy nhiên, một số trường hợp nhiễm virus có thể tiến triển nặng hơn, thậm chí tử vong.
Trong khoảng 4 tháng đầu năm nay, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có khoảng hơn 16.000 ca mắc sốt xuất huyết, một trường hợp tử vong. Đồng thời, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng công bố sự tồn tại của cả 4 type huyết thanh gây sốt xuất huyết Dengue, trong đó type DEN-2 chiếm tới 88% tổng số ca nhiễm năm 2023 và 70% tổng số ca nhiễm năm 2024.
Cuốn sách Ăn gì, khi nào của các tác giả Michael Crupain, Michael Roizen, Ted Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.