Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, cho biết đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc cúm B nặng. Đáng chú ý, cả 3 bệnh nhân đều ở lứa tuổi trẻ và có tiền sử khỏe mạnh.
Một phụ nữ 30 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định. Bệnh nhân xuất hiện sốt cao 39-40 độ C, kèm theo đau tức ngực và khó thở tăng dần. Cô được người nhà đưa vào cơ sở y tế gần nhà khám và kê đơn điều trị ngoại trú 2 ngày. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện mà xuất hiện suy hô hấp nặng.
Khi đến bệnh viện, cô được chẩn đoán mắc cúm B. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng khó thở tăng dần bệnh nhân đã được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại đây, bệnh nhân được đặt ống thở máy nhưng đáp ứng kém và được chỉ định can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi 19 tháng tuổi mắc cúm B. Ảnh: BVCC. |
Bệnh nhân thứ hai là người đàn ông 40 tuổi, ở Thanh Hóa, nhập khoa Cấp cứu ngày 8/5. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh. Cách vào viện 5 ngày, người đàn ông xuất hiện sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, ăn uống kém. Khi thấy khó thở đau tức ngực sau xương ức, khó thở tăng dần, ho khạc đờm xanh.
Bệnh nhân này cũng được chẩn đoán viêm phổi nặng - cúm B. Khi nhập viện, bệnh nhân đã trong tình trạng khó thở và tức ngực nhiều, sau đó được đặt ống thở máy. Hiện bệnh nhân được đặt ECMO vì tình trạng quá nặng.
Trường hợp còn lại là bé trai chỉ 19 tháng tuổi, nhập khoa Nhi trong tình trạng sốt cao liên tục (39 đến 40 độ C). Trước khi nhập khoa, bệnh nhi đã điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, được làm xét nghiệm có kết quả dương tính với cúm B.
Sau 5 ngày điều trị, bé trai vẫn sốt cao liên tục, ho, mệt nhiều, ăn kém, nôn, đi ngoài phân lỏng có dấu hiệu của suy hô hấp được chuyển tuyến lên khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Trẻ được chẩn đoán viêm phổi nặng, cúm B, nhiễm khuẩn huyết.
Sau khi điều trị tại đây, bé trai vẫn sốt cao liên tục, mệt tăng dần, phải thở oxy. Hiện bệnh nhân chuyển sang thở HFNC (oxy dòng cao), được làm xét nghiệm và cấy máu ra vi khuẩn tụ cầu.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp Cứu, cho biết khi bị mắc cúm B có diễn biến nặng, người bệnh cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế điều trị chuyên sâu, theo dõi biến chứng và nguy cơ bội nhiễm.
Các bác sĩ khuyến cáo cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm là tiêm phòng cúm hàng năm. Vaccine ngừa cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển nặng.
Những loại vi khuẩn mang bộ mặt của cừu non
Trong cơ thể người có mọt hệ thống vi sinh vật rất phong phú. Chúng có công rất lớn trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.