Theo Bộ GD&ĐT, vấn đề công nhận văn bằng ở nước ngoài được Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 20/12/2007 và Thông tư số 26/2013/TT-BGD ĐT ban hành ngày 15/7/2013 sửa đổi bổ sung một số điều của quyết định 77.
Theo đó, văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp:
Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam, hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng.
Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan văn bằng mà nước ta đã ký kết hoặc là thành viên (người có văn bằng thuộc trường hợp này không phải làm thủ tục công nhận văn bằng).
Du học sinh khi về nước làm việc, đặc biệt là trong khu vực Nhà nước, cần phải gửi bản sao văn bằng có công chứng, bản gốc bảng điểm để Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý Chất lượng), Bộ GGD&ĐT để xin giấy công nhận văn bằng. |
Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.
Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ GD&ĐT Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.
Bộ GD&ĐT không bắt buộc tất cả công dân Việt Nam có văn bằng do nước ngoài cấp phải làm thủ tục công nhận văn bằng. Việc làm thủ tục đề nghị công nhận văn bằng là do từng cá nhân có nhu cầu thực hiện, trên cơ sở yêu cầu của cơ quan sử dụng lao động. Nhiều trường hợp, chính cơ quan sử dụng lao động, hoặc các cơ quan chức năng, sẽ đứng ra đề nghị với những trường hợp cần xác minh.
Tại hội thảo quốc gia về công nhận văn bằng giáo dục đại học diễn ra vào tháng 3, Bộ D&ĐT đã chỉ ra thực tế dưới sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, sự bùng nổ của cuộc cánh mạng 4.0 đã làm gia tăng nhanh chóng các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục xuyên biên giới, đặc biệt là hình thức đào tạo trực tuyến.
Chính sự đa dạng về phương thức học tập và sự khác biệt giữa các hệ thống giáo dục đại học, Khung trình độ quốc gia và Khung đảm bảo chất lượng giáo dục ở mỗi quốc gia khác nhau đã dẫn đến thách thức khó khăn trong việc công nhận tương đương văn bằng học thuật giáo dục đại học quốc gia.
Tại hội thảo này Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga thông tin có những chương trình trực tuyến tốt nhưng làm thế nào để chọn lọc, công nhận văn bằng, tránh thiệt thòi cho những người học các chương trình trực tuyến chất lượng đang là câu hỏi khó.
Việt Nam đã quy định về công nhận văn bằng do các cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài cấp cho công dân Việt Nam dựa trên một số tiêu chí đảm bảo chất lượng.
Bộ GD&ĐT cũng đã ký kết nghị định thư công nhận tương đương văn bằng với một số nước và đang đàm phán để ký kết văn kiện tương tự với một số quốc gia khác.
Điều lệ trường đại học cũng cho phép các trường ĐH Việt Nam mở rộng hợp tác với các trường ĐH thế giới để công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng và công nhận văn bằng lẫn nhau để tạo thuận lợi cho người học trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, bao gồm:
Đơn đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp theo mẫu.
Một bản sao văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
Một bản sao kết quả quá trình học tập tại cơ sở giáo dục nước ngoài kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
Hồ sơ phải còn nguyên vẹn, không bị tẩy xóa, không bị hủy hoại bởi các yếu tố thời tiết, khí hậu hoặc bất kỳ một lý do nào khác.
Người có văn bằng gửi kèm theo hồ sơ các tài liệu liên quan (nếu có) như: Xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại; xác nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi đã học tập; Luận án và giấy xác nhận đã nộp luận án vào Thư viện quốc gia Việt Nam (đối với người có bằng tiến sĩ); bản sao hộ chiếu có đóng dấu ngày xuất, nhập cảnh; văn bản công nhận chương trình giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nơi cấp văn bằng đã được kiểm định chất lượng.