Tối 22/1, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ khai mạc Ngày hội văn hóa, du lịch tỉnh Hòa Bình với chủ đề "Hòa Bình - Miền sử thi" tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội. Đây là hoạt động cụ thể nằm trong chiến lược quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư vào ngành du lịch của địa phương. |
Tới dự lễ khai mạc có ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương. |
Ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - khẳng định đây là cơ hội để tỉnh Hòa Bình giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc riêng của địa phương tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cũng khẳng định tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư có tiềm lực tới địa phương triển khai dự án dịch vụ du lịch cao cấp, biến Hoà Bình thành địa điểm du lịch hấp dẫn với du khách thủ đô và cả nước. |
Trong khuôn khổ chương trình diễn ra từ 22/1 đến 24/1, du khách được chứng kiến các hoạt động đặc sắc như trưng bày không gian văn hóa, ẩm thực và sản vật của tỉnh Hòa Bình; giới thiệu bản sắc văn hóa, tiềm năng, điểm đến du lịch; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn các trò chơi dân gian, trình diễn giã bánh dày của dân tộc H’Mông, làm cơm lam, rượu cần của dân tộc Mường; trình diễn Chiêng Mường tại phố đi bộ và triển lãm ảnh văn hóa - du lịch của tỉnh. |
Không gian văn hóa ẩm thực tỉnh Hòa Bình thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Anh Nguyễn Văn Việt (32 tuổi, quận Thanh Xuân) chia sẻ cuối năm 2019, anh từng tham dự lễ hội cây ăn quả có múi tại tỉnh Hòa Bình và ấn tượng bởi các sản vật nơi đây. Năm nay, anh có cơ hội thưởng thức đặc sản Hoà Bình mà không phải đi xa. |
Gian hàng trưng bày của huyện Cao Phong, nổi bật với đặc sản cam được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ. |
Bà Vũ Thị Lệ Thủy - Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (3Tfarm) - cho biết điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Cao Phong đặc biệt phù hợp với các loại cây ăn quả có múi. Do vậy cam Cao Phong có vị và hương thơm đậm đà hơn so với cam được trồng ở vùng khác. Hiện nay, các hợp tác xã tại tỉnh cố gắng phát triển theo hướng nông sản sạch tiêu chuẩn VietGAP, hướng các thành viên dịch chuyển sang quy trình sản xuất giảm thiểu sử dụng hóa chất, giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng. |
Du lịch Bản Lác, huyện Mộc Châu cũng được nhiều người dân thủ đô quan tâm. Đại diện huyện Mộc Châu cho biết đầu năm, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến lượng khách còn ít, từ tháng 6 có dấu hiệu phục hồi và đang tăng mạnh vào cuối năm. |
Bà Vì Kiều Oanh - Phó giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Triều Châu - cho biết huyện Mai Châu còn nổi tiếng với những sản phẩm dệt từ thổ cẩm. Loại sợi dệt được kéo tay và nhuộm từ các nguyên liệu tự nhiên như lá tràm, nghệ… Một số sản phẩm như giày, túi xách đang được các doanh nghiệp xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới. |
Theo ông Bùi Văn Mến - cán bộ phòng Văn hóa huyện Tân Lạc, huyện ông mang tới thủ đô chủ yếu là các sản phẩm trưng bày về văn hóa và đặc sản bưởi đỏ. Ông nói thêm huyện đang đẩy mạnh phát triển, quảng bá dịch vụ du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Hoà Bình chỉ cách Hà Nội hơn 1 giờ đi ôtô, có tiềm năng lớn với thắng cảnh tự nhiên vùng lòng hồ Sông Đà được ví như Hạ Long trên núi; có đặc trưng văn hoá Mường và các đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Hoà Bình đang đưa ra nhiều chính sách đặc biệt để thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch, dịch vụ. |
Bình luận