Trẻ em Australia gốc Hàn vẫn phải học thêm liên tục vì cha mẹ đặt kỳ vọng rất lớn. Ảnh: AAP. |
Dạy kèm là dịch vụ đang bùng nổ tại Australia với giá trị ước tính khoảng một tỷ AUD và hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Khách hàng của những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gia sư hầu hết là người châu Á di cư từ Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Hàn Quốc.
Một người Australia gốc Hàn nói với ABC News rằng sự phổ biến của dịch vụ gia sư cho thấy giá trị của giáo dục trong văn hóa Hàn Quốc, nhưng cũng đồng thời phơi bày sự độc hại vì cuộc đua học tập gây tổn hại đến trẻ và khiến các nhà giáo dục phải chạy đua để cạnh tranh.
Peter Son là một ví dụ điển hình. Son là con trai của một cặp vợ chồng di cư từ Hàn Quốc. Nhiều năm trước, để chuẩn bị cho việc tốt nghiệp trung học, anh được cha mẹ thuê gia sư để dạy kèm tại nhà. Kết quả, anh đạt 99,9/100 điểm.
"Anh trai tôi cũng từng học gia sư và đạt 99,75 điểm. Mẹ đã nói tôi có thể làm tốt hơn thế", Son kể lại.
Từ một người được gia sư dạy kèm, giờ đây, Peter Son trở thành người cung cấp dịch vụ dạy kèm tại Sydney và mở một trung tâm khá lớn. Người đàn ông cho biết dịch vụ này rất nở rộ vì các gia đình gốc Á như Hàn Quốc rất coi trọng thể diện. Họ luôn muốn con cái vào được trường đại học tốt, có được công việc tốt.
Tốc độ dạy học ở các lớp gia sư thường rất nhanh, thậm chí vượt xa chương trình ở trường. Ảnh: ABC News. |
Ám ảnh với việc học thêm
Đối với những người di cư "thế hệ đầu tiên", văn hóa thuê người dạy kèm rất phổ biến. Giáo sư Christina Ho tại Đại học Kỹ thuật Sydney, người nghiên cứu về cách tiếp cận giáo dục của cha mẹ châu Á di cư đến Australia, cho biết Hàn Quốc rất nổi tiếng với hệ thống giáo dục cạnh tranh.
Tại quốc gia này, văn hóa học tập căng thẳng đến mức ảnh hưởng đến cộng đồng di cư và thế hệ con cháu của họ sau này. Khi đến một đất nước khác - nơi không sử dụng tiếng Hàn, họ buộc mình phải cố gắng hơn nữa.
Áp lực phải tiến lên, cộng với văn hóa học tập vốn có, khiến dịch vụ dạy kèm dần nở rộ ở những nơi có người hàn Quốc di cư. Hiệp hội Gia sư Australia ước tính ngành dạy kèm tại nước này có giá trị nước tính khoảng 900.000 đến 1,5 tỷ AUD.
Daniel Kwuen, con cháu của người Hàn di cư, đã từng học với gia sư trong suốt thời gian đi học cho đến khi tốt nghiệp vào năm 2022. Kwen cho biết văn hóa dạy kèm của cộng đồng người Australia gốc Hàn không quá căng thẳng như ở Hàn Quốc, nhưng nó vẫn luôn diễn ra và tồn tại "ở một mức độ nào đó".
"Lớp học của các trung tâm gia sư Hàn Quốc tại Australia thường bắt đầu từ 17h đến 20h, nhưng thời gian học có thể kéo dài đến 21h và các giáo viên sẽ yêu cầu học sinh tiếp tục học online khi về nhà", Kwuen cho biết.
Tương tự, cô giáo Sang Hee Kim cũng nói áp lực của trẻ em gốc Hàn tại Australia rất lớn. Cô cho biết phong cách dạy học của các trung tâm gia sư rất khác với nền giáo dục chính thống tại Australia.
"Các lớp học diễn ra liên tục, rất nhanh và rất căng thẳng. Sự căng thẳng diễn ra rõ hơn với các lớp có học sinh kém - những em đang gặp khó khăn với việc tiếp thu kiến thức", cô Kim thông tin.
Dù ở Australia, học sinh vẫn học thêm như tại Hàn Quốc và lớp học thường kéo dài đến tối muộn. Ảnh: ABC News. |
Nhiều chuyên gia phản đối
Không riêng Hàn Quốc, chi phí học gia sư tại Australia cũng cao ngất ngưởng. Nhiều gia đình Hàn Quốc di cư đến đất nước này không quá giàu có, nên để con được học gia sư, họ phải hy sinh rất nhiều.
Ông Mohan Dhall, Giám đốc điều hành của Hiệp hội gia sư Australia, giảng viên tại Đại học Kỹ thuật Sydney, cho biết học phí tại các trung tâm gia sư thường dao động trong khoảng 600 AUD, thậm chí lên đến 2.000-3.000 AUD/học kỳ.
Ngoài ra, ông Dhall đề cập đến mặt trái của ngành công nghiệp tỷ AUD này chính là sự thiếu giám sát, không có quy định đã dấy lên những lo ngại rằng trẻ em sẽ không được bảo vệ.
Thầy giáo này đề xuất Australia cần cấp phép kiểm tra đột xuất các trung tâm gia sư để rà soát số lượng học sinh trong một lớp. Đề xuất này nhằm đảm bảo trẻ được an toàn trong trường hợp sự cố xảy ra như hỏa hoạn.
Tương tự, giáo sư Christina Ho cũng nói đã đến lúc chính phủ Australia cần phải có biện pháp quản lý hoạt động dạy kèm. Lý do là nhiều cơ sở có dấu hiệu gian lận, bóc lột và đang nhắm đến những người di cư thế hệ đầu tiên - người không giỏi tiếng Anh và không hiểu quyền hợp pháp khi sống tại Australia.
Hiện, Bộ Giáo dục Australia chưa phản hồi về việc quản lý ngành công nghiệp gia sư trong nước. Tuy nhiên, người phát ngôn của bộ nói rằng quyết định thuê gia sư là vấn đề của từng gia đình nên phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước khi chi tiền cho dịch vụ này.
Trong khi đó, người phát ngôn ngành giáo dục của bang New South Wales cho rằng việc học với gia sư riêng không có lợi cho việc thi tuyển vào các trường phổ thông tại Australia.
"Các bài kiểm tra ở trung tâm gia sư được thiết kế khó hơn và cũng khó để đánh giá khả năng tư duy, giải quyết vấn đề của học sinh", người phát ngôn nhấn mạnh.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.