Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vận may trúng số' khiến hôn nhân tan vỡ

Theo các chuyên gia và nhà trị liệu hôn nhân, vận may tiền bạc cũng làm lung lay mối quan hệ vợ chồng tương tự như khi gặp khó khăn, biến cố.

Gareth và Catherine Bull (Anh) đã chia tay sau khi trúng hơn 40 triệu bảng Anh vào năm 2012. Ảnh: PA.

Nhiều cặp vợ chồng nhận thấy vận may bất ngờ về tiền bạc cũng có khả năng làm lung lay mối quan hệ của họ giống như khi đối diện một khó khăn hay biến cố nào, theo The Wall Street Journal.

Người ta đã dành nhiều năm để quan sát và nỗ lực nghiên cứu để hiểu được điều gì khiến một mối quan hệ kéo dài hoặc tan vỡ. Không ngạc nhiên khi kết quả cho thấy những thay đổi lớn về tài chính thường làm lung lay nền tảng mối quan hệ, nhưng không phải chỉ mất tiền mới tạo ra thử thách.

Theo các nhà nghiên cứu và chuyên gia tư vấn, cả việc mất và được tiền đều làm thay đổi hiểu biết của các đối tác về giá trị chung, niềm tin cũng như trách nhiệm được giao trong mối quan hệ.

Khi các cặp vợ chồng không thể thích nghi với tình hình tài chính mới và không bày tỏ nguyện vọng cá nhân, cuộc hôn nhân có thể gặp rắc rối.

Khi trúng số biến thành 'vận rủi'

Marina Edelman, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Westlake Village, California (Mỹ), cho biết: "Không có chung tầm nhìn trong cách tận dụng vận may tiền bạc có thể gây hại cho mối quan hệ".

Một cặp vợ chồng gần đây mà cô tư vấn đã may mắn có thêm thu nhập lớn từ công việc mới của người chồng, nhưng họ đã bộc lộ lỗ hổng trong giao tiếp khi cùng nhau bàn về cách sử dụng số tiền để thay đổi cuộc sống của cả hai.

"Họ quá tập trung vào việc tính toán số tiền may mắn ấy sẽ mua được gì từ góc nhìn vật chất, bỏ qua thành quả đã gặt hái được. Tất cả niềm vui và sự phấn khích nhanh chóng biến mất. Tư duy đó làm rung chuyển mối quan hệ vợ chồng", Edelman giải thích.

Các nhà kinh tế học hành vi đã phát hiện ra rằng viễn cảnh mất một khoản tiền có tác động cảm xúc mạnh hơn so với việc kiếm được số tiền tương tự. Nhưng khi nói đến hôn nhân, nghiên cứu mới cho thấy những thay đổi lớn về tài chính theo bất kỳ chiều hướng nào cũng có khả năng khiến mối quan hệ vợ chồng lung lay theo cùng một cách.

tai chinh gia dinh anh 1

Việc được hay mất một khoản tiền đều có sức rung chuyển mối quan hệ vợ chồng tương tự nhau. Ảnh: The Wall Street Journal.

David Cesarini, giáo sư kinh tế tại Đại học New York, cho biết cả hai kịch bản được và mất tiền đều có thể làm lộ ra những lỗ hổng trong cuộc hôn nhân mà trước đây vợ/chồng đã phải chịu đựng hoặc phớt lờ.

Các nhà nghiên cứu, ông Cesarini và Anastasia Terskaya, đã theo dõi những người trúng xổ số ở Thụy Điển trong 10 năm sau khi họ trúng giải độc đắc.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 3, nhóm của họ đã phát hiện ra một điều đáng ngạc nhiên: Việc ai là người nắm giữ tấm vé chiến thắng có ảnh hưởng đáng kể đối với những gì xảy ra trong cuộc hôn nhân.

Theo đó, về lâu dài, nếu chồng là người trúng số, nguy cơ ly hôn giảm và tỷ lệ sinh sản tăng lên, cuộc hôn nhân ổn định và yên ấm hơn. Nhưng khi vợ là người trúng thưởng, với số tiền 100.000-500.000 USD, khả năng ly hôn tăng cao, đặc biệt đối với những phụ nữ có thu nhập thấp và kiếm được ít tiền hơn chồng.

"Các hộ gia đình có thu nhập thấp bị tác động nhiều hơn trước những thay đổi trong hoàn cảnh kinh tế, không chỉ lúc có vận may bất ngờ mà còn khi gặp điều tồi tệ. Thay đổi theo hướng nào cũng khiến hôn nhân của họ rối loạn hơn", Cesarini nói.

Adam Kol, một nhà trị liệu tài chính có trụ sở tại Fort Lauderdale, cho biết ông từng làm việc với các cặp đôi khách hàng đã trải qua cả thất bại và vận may tài chính. Trong cả hai trường hợp, cú sốc thu nhập đi kèm thường dẫn đến sự thay đổi về động lực quyền lực, bất kể phổ thu nhập của họ như thế nào.

Ở Vương quốc Anh, người ta thậm chí lan truyền "lời nguyền trúng số", khi nhiều cặp vợ chồng ly hôn sau khi trúng giải độc đắc.

Gareth và Catherine Bull, đến từ Nottinghamshire, đã trúng giải độc đắc 40,6 triệu bảng Anh vào năm 2012. Năm 2017, hai người lộ thông tin đã rạn nứt hôn nhân.

Một cặp đôi khác là Adrian và Gillian Bayford cũng ly hôn sau khi trúng được 148 triệu bảng vào năm 2012. Họ thừa nhận cuộc hôn nhân 8 năm tan vỡ một phần lớn do áp lực trúng số.

Học giao tiếp về tài chính

Tiền bạc là vấn đề gây tranh cãi đối với nhiều cặp đôi, dù đang hẹn hò hay mới kết hôn, hoặc đã chung sống nhiều năm. Một nghiên cứu năm 2019 từ Đại học Tennessee, Knoxville đã báo cáo rằng bất kể mức độ hạnh phúc trong mối quan hệ như thế nào, tiền bạc là chủ đề mà các cặp đôi luôn bất đồng, theo CNBC.

Tiến sĩ Alex Melkumian, người sáng lập Trung tâm Tâm lý Tài chính ở Los Angeles, nhận định rất hiếm khi trong mối quan hệ lãng mạn, cả hai bên đều có chung câu chuyện hay quan điểm tiền bạc tương tự nhau.

Cuộc khảo sát từ Viện Phân tích tài chính ly hôn (Divorce Financial Analysts) cho thấy "vấn đề tiền bạc" là nguyên nhân phổ biến thứ 3 dẫn đến ly hôn, chỉ sau "không hợp nhau" và "ngoại tình". Nhiều cặp vợ chồng thiếu kỹ năng cơ bản để giải quyết bất đồng tài chính trong mối quan hệ.

tai chinh gia dinh anh 2

Vợ chồng cần nghiêm túc và trung thực về vấn đề tài chính. Ảnh: Tirachardz/Freepik.

Một cuộc khảo sát mới cho thấy có hơn 64% cặp vợ chồng thừa nhận “không hòa hợp về mặt tài chính”, khi mỗi người mang một quan điểm khác nhau về chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư.

Những xích mích này đôi khi có thể khiến họ phạm vào cái gọi là “ngoại tình về tài chính”, che giấu việc mua hàng với bạn đời. Theo số liệu của công ty tài chính Bread Financial, 45% người đã kết hôn thừa nhận mình có lỗi về vấn đề này.

Ngay cả khi không có gian lận tài chính, vấn đề tiền bạc vẫn có thể gây căng thẳng trong các mối quan hệ, tranh cãi hoặc thậm chí ly hôn.

Nói về tiền bạc có thể khó khăn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù đó là khi hẹn hò hay đã về chung nhà. Tuy nhiên, nếu muốn có một mối quan hệ lành mạnh, đó là chủ đề không thể tránh khỏi.

Trước khi bước vào một cuộc thảo luận về tiền bạc, mỗi bên cần phải ghi nhớ những điều nên và không nên làm, dành thời gian để hiểu về giá trị của nhau, rõ ràng về tiền bạc, không áp đặt đối phương và trung thực về tài chính.

Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội

Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.

Lớp học 'đạo đức nam giới' đầu tiên ở Trung Quốc

Mục đích của lớp học là dạy đàn ông trở thành "người bạn đời và người cha tốt", giúp họ tránh xa quan niệm truyền thống vốn ngăn cản nam giới thể hiện cảm xúc.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm