Nhiều bất động sản văn phòng ở các thành phố lớn trên thế giới không tìm được người thuê. Ảnh: AP. |
Tính tới cuối tháng 3 năm nay, 10 trong số 17 thành phố lớn được công ty dịch vụ bất động sản CBRE khảo sát đã ghi nhận tỷ lệ bỏ trống văn phòng mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, Nikkei Asia đưa tin.
Theo khảo sát, tỷ lệ bỏ trống văn phòng tại Chicago, Mỹ là hơn 20%, trong khi Los Angeles và San Francisco theo sát với tỷ lệ gần 20%. Đây là mức kỷ lục trong lịch sử với cả ba thành phố.
Một trong những nguyên nhân đến từ ngành công nghệ khi nhiều công ty trong lĩnh vực này đã phải sa thải bớt nhân viên từ cuối năm 2022 sau khi tốc độ tăng trưởng không đạt kỳ vọng.
Các văn phòng bỏ trống không chỉ gây ra tác động lên thị trường bất động sản mà còn gây ra quan ngại về sự ổn định của nền tài chính - vốn phụ thuộc vào các khoản vay thế chấp bất động sản.
Sự sụt giảm lịch sử
Ngoài nước Mỹ, tình hình cũng không mấy khá khẩm hơn. Đứng ngay sau ba thành phố của Mỹ trong bảng xếp hạng tỷ lệ bỏ trống văn phòng là Bắc Kinh và Thượng Hải.
Tỷ lệ này tại Hong Kong cũng vượt 15%, cao nhất trong lịch sử thành phố. Nguyên nhân nằm ở việc nhiều doanh nghiệp từ đại lục giảm không gian văn phòng, trong khi các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu chuyển cơ sở tới Singapore hay một số địa điểm khác.
Tỷ lệ tại Tokyo tương đối thấp so với các thành phố khác nhưng cũng xấp xỉ 5% - mốc được coi là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế có thể bước vào đà suy giảm.
Tính trên toàn thế giới, 12,9% diện tích văn phòng bỏ trống vào cuối tháng 3, thấp hơn chút ít so với con số 13,1% được ghi nhận sau cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước.
Tỷ lệ bỏ trống bất động sản văn phòng ở một số thành phố. Đồ họa: Nikkei Asia. |
Ngoài văn phòng, khách sạn và một số cơ sở thương mại khác cũng ghi nhận tỷ lệ bỏ trống ngày càng cao.
Một số nhà đầu tư lớn đã bắt đầu rút tiền khỏi ngành khách sạn tại Mỹ. Park Hotels & Resorts, chủ sở hữu khách sạn Hilton San Francisco Union Square, hôm 5/6 cho biết sẽ ngừng trả tiền thế chấp và chấp nhận mất khách sạn này cho các chủ nợ. Giá trị các khoản nợ của Hilton San Francisco và các tài sản liên quan lên tới 725 triệu USD.
Ông Thomas Baltimore, Giám đốc điều hành của Park Hotels & Resorts, cho rằng nguyên nhân là các công ty đang tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, khiến nhu cầu đi công tác và tổ chức hội nghị sụt giảm.
Tỷ lệ bỏ trống của các văn phòng quanh khách sạn “cao kỷ lục” vì San Francisco “có tỷ lệ quay lại văn phòng thấp hơn các thành phố khác”, ông Baltimore nói.
Tác động tiềm tàng
Giới chức tài chính các nước đang ngày càng lo ngại về tác động của sự sụt giảm nhu cầu văn phòng lên hệ thống tài chính.
“Chúng tôi đang xem xét cẩn thận nguy cơ từ bất động sản thương mại”, ông Michael Barr, Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nói với Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ hồi tháng 5.
Số tiền các chủ sở hữu văn phòng và các bất động sản thương mại khác vay từ các ngân hàng Mỹ đã lên tới mức gần 3.000 tỷ USD, trong số đó 70% đến từ các cơ sở cho vay vừa và nhỏ.
Khi chính sách tiền tệ Mỹ được nới lỏng, các ngân hàng cỡ vừa tăng cường bơm tiền vào bất động sản thương mại. Tuy vậy, đây có thể là điều đẩy ngân hàng vào đường cùng.
Sự sụt giảm nhu cầu bất động sản thương mại có thể gây ra hệ lụy lên hệ thống tài chính. Ảnh: Reuters. |
Giá bất động sản thương mại tại Mỹ vào tháng 4 giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2022, mức giảm lớn nhất từ năm 2009. Khi không còn người thuê, khả năng sinh lời của nhiều bất động sản sụt giảm,
Do khó có thể vay tiền để trả nợ, một số chủ sở hữu bất động sản buộc phải bán tài sản, qua đó khiến giá bất động sản ngày càng xuống thấp, đồng thời đẩy giá trị thế chấp xuống theo. Hệ quả là cơ sở cho vay khó thu hồi tiền hơn và sẽ có xu hướng cho vay ít hơn. Đây là kịch bản giới chức các nước lo ngại vì sẽ cản trở đà hồi phục của nền kinh tế.
Các biện pháp nới lỏng tiền tệ kéo dài trong những năm qua được coi là chất xúc tác giúp thị trường bất động sản náo nhiệt. Nhiều cá nhân và quỹ hưu trí đã đổ tiền vào bất động sản qua các quỹ đầu tư. Tuy vậy, khi Mỹ và một số nền kinh tế khác thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát, cục diện thay đổi chóng mặt.
Ngoài Mỹ, châu Âu cũng đã bắt đầu lo ngại. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tháng 5 bày tỏ quan ngại về số tiền các quỹ đầu tư đổ vào bất động sản. Khi giá nhà đất tại lục địa già đang có xu hướng giảm, nếu các quỹ đầu tư sụp đổ, các ngân hàng sẽ hứng chịu tác động nghiêm trọng.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Zing giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.