Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vào trường chuyên không phải để kiếm giải thưởng, đi du học

Bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho hay cần lưu tâm dạy học sinh kỹ năng sống, tư duy và niềm tự tôn, tự hào dân tộc, hướng về cội nguồn.

Từng là “sản phẩm” của hệ thống trường chuyên, bà Dương cho hay bản thân hiểu rõ văn hóa của người Việt Nam, nhiều gia đình, bố mẹ dù vất vả, nhưng con chắc chắn phải được học.

“Ai cũng mong muốn cho con mình được học ở một môi trường tốt, có thầy giỏi, bạn ngoan. Đôi khi, họ mong con được vào trường tốt đơn giản để con mình được học ở môi trường có sự thi đua học tập. Nhu cầu là có thật.

Điều này kể cả trường công lập hay tư thục đều hoàn toàn làm được. Do đó, tôi nghĩ rằng nên chăng có thể nhân rộng những hệ thống đào tạo mũi nhọn, đào tạo theo mô hình nhóm các học sinh có năng khiếu đặc biệt về bộ môn nào đó theo nhu cầu xã hội”, bà Dương nói.

ba Tran Thuy Duong anh 1

Bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Thanh Hùng/VietNamNet.

Tư thục tham gia đào tạo mũi nhọn sẽ tạo động lực tích cực

- Nếu cả hai hệ thống chuyên của công lập và tư thục cùng tồn tại thì có gây nên chồng chéo, bất cập?

- Tôi thấy nhiều trường hợp, con thiếu 0,01 điểm để trúng tuyển và phụ huynh vật vã, buồn bã đến nhường nào. Các con sau đó phải sang những trường khác chất lượng cũng tốt nhưng học đều đều nên không phát triển được năng khiếu nổi bật của con. Trong khi thua nhau 1 điểm trong một kỳ thi thì cũng chưa thể đánh giá. Kể cả một học sinh được 9 điểm khi thi, cũng chưa chắc đã giỏi hơn học sinh 8 điểm. Vậy tại sao không tạo cơ hội để cho học sinh được 8 điểm đó được phát triển năng lực.

Trong khi đó, hiện nay, hệ thống các trường tư đang rất phát triển. Ở trên thế giới, rất nhiều quốc gia có hệ thống trường tư phát triển vô cùng mạnh và đóng góp một phần không nhỏ, thậm chí là lớn cho sự phát triển giáo dục.

Như vậy, tôi nghĩ áp lực trong việc chọn trường, chọn lớp, trường điểm sẽ được giảm tải. Bởi phụ huynh và học sinh sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, thay vì tìm hướng đi vào các trường quốc tế.

Trong những đội tuyển học sinh giỏi tỉnh/thành, quốc gia, quốc tế, nếu như có sự góp mặt của các học sinh hệ chuyên, mũi nhọn ở các trường tư thục thì là điều rất đáng quý.

Chúng ta không nên phân biệt giáo dục tư nhân hay của Nhà nước, miễn là cho ra những sản phẩm là những con người tốt, có chuyên môn. Đồng thời, việc này cũng tạo nên một sự cạnh tranh rất lành mạnh.

- Để khối tư thục phát triển mô hình đào tạo mũi nhọn thì liệu có đảm bảo chất lượng?

- Chưa nói đến cấp THPT, ở cấp THCS hiện có một số trường tư mới nổi lên nhưng đã khẳng định được uy tín trong đào tạo, danh tiếng bằng nhiều thành tích mà học sinh đạt được trong các kỳ thi Olympic quốc tế.

Như vậy, họ đã tạo được sự tin tưởng nhất định đối với xã hội, đặc biệt là các phụ huynh. Thậm chí, rất nhiều học sinh cấp THPT của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam hiện nay xuất phát từ một số trường tư thục cấp THCS. Điều đó rõ ràng cho thấy khối trường tư thục hoàn toàn có thể đáp ứng và xây dựng được các lớp chất lượng cao, lớp chọn.

Với sự phát triển của thời đại 4.0 và thế hệ trẻ trong việc quản lý giáo dục, cùng sự linh hoạt, cơ chế cởi mở cho hệ thống trường tư, tôi tin rằng trường tư hoàn toàn có thể phát triển hướng đi này.

Khi họ phát triển thì đó cũng là động lực để nhà trường, giáo viên các trường công lập phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Bởi đôi khi không có “đối thủ”, với suy nghĩ mình luôn là nhất cũng chưa chắc đã phải là hay.

Việc này, theo tôi, cũng tạo cho chính trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam một thứ động lực tích cực.

Tuy nhiên, khi thực hiện, các nhà giáo dục sẽ phải xem xét để tránh chuyện lạm phát trường chuyên, lớp chọn; hay có 'mác' như vậy nhưng chất lượng không tương xứng.

ba Tran Thuy Duong anh 2

Hiệu trưởng trường Amsterdam cho rằng nên khuyến khích tư thục phát triển trường chuyên. Ảnh: Thanh Hùng/VietNamNet.

Cần dạy học sinh hướng đến cộng đồng

- Hiện, có rất nhiều định kiến, thậm chí cả những tranh cãi về trường chuyên, quan điểm của bà ra sao?

- Thực tế hiện nay khối THCS không có trường chuyên nhưng mọi người vẫn ngầm hiểu rằng mỗi quận đều có một trường hoặc có một số lớp nào đó tập trung học sinh giỏi.

Và trong các kỳ thi Olympic quốc gia, quốc tế thì đều là học sinh ở các lớp đó, các trường đó đoạt giải cao. Do đó, có một số trường, lớp hay câu lạc bộ ở quận, huyện với mục đích đào tạo mũi nhọn, phát hiện và phát triển năng khiếu của các con cũng là điều rất tốt.

Ta có thể không gọi nó là chuyên nhưng dù muốn hay không thì thực tế nó vẫn tồn tại, bởi đó là nhu cầu thực tế. Và cũng không có gì sai nếu trong một quận có vài trường như vậy, mỗi trường tốt lại có vài câu lạc bộ phát triển năng khiếu, và những em đó thực sự là nguồn nhân tài cho đất nước thì cũng nên khuyến khích.

Đối với khối THPT, tôi cho rằng vẫn nên duy trì trường chuyên để tập trung phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Tuy nhiên, cũng cần xem xét lại một cách nghiêm túc xem những gì đã đạt được và những gì cần điều chỉnh cho tốt hơn. Chứ không phải chỉ vào trường chuyên để nhằm mục đích đi du học.

Các ý kiến trái chiều đưa ra rất nhiều nhưng cũng có một số ý kiến cũng nên xem xét, chứ không phải cái gì chê cũng sai. Như học sinh vào lớp chuyên chỉ học lệch, hay vào trường chuyên rồi đi du học mà không quay trở về nước,...

Cái gì đã làm tốt thì cần phát huy, cái gì cảm thấy chưa ổn thì nên điều chỉnh để hoàn thiện mình hơn.

- Là hiệu trưởng một ngôi trường danh tiếng như THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, bà có cảm thấy áp lực không?

- Hiệu trưởng phải phụ trách toàn diện các mảng công việc nên đương nhiên sẽ áp lực. Không chỉ vậy, ở một trường danh tiếng thì áp lực đó càng lớn hơn.

Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo. Tôi nghĩ nếu mình vì học sinh, vì cái chung và có tiếng nói chung thì có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhưng nếu tạo áp lực thành tích cho bản thân quá thì đôi khi lại không thể làm được việc. Do đó, tôi quan niệm cần cố gắng hết sức, đặt quyết tâm nhưng không áp lực.

Tôi tin rằng quản trị nhà trường quan trọng nhất là quản trị về mặt con người. Khi đạt được 3 yếu tố học sinh đồng lòng, giáo viên quyết tâm, phụ huynh ủng hộ thì nhà trường sẽ đi lên.

- Liệu sẽ có những đổi mới gì ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong thời gian tới, thưa bà?

- Mục tiêu của giáo dục ngoài dạy kiến thức còn phải dạy học sinh làm người. Đôi khi, chúng ta đừng mải mê theo thành tích, theo kiến thức mà cho rằng các trò giỏi thì đương nhiên sẽ ngoan.

Cái mà tôi mong muốn phát triển cân đối hơn nữa đối với học sinh các lớp chuyên là kỹ năng sống, tư duy và niềm tự tôn, tự hào dân tộc, luôn hướng về cội nguồn.

Ngoài học tập, tham gia các đấu trường quốc tế để phát huy và thể hiện năng lực của mình, tôi muốn học sinh có cách sống hướng về cộng đồng hơn nữa. Các con cần phải trăn trở rằng khi nhận được sự quan tâm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, rồi mình sẽ làm gì cho cộng đồng và những người xung quanh.

Đấy là nhiệm vụ chúng ta phải nghiên cứu và để tâm. Chứ không phải chỉ vào trường chuyên để kiếm các giải thưởng, đi du học và không trở về.

Bí quyết thành công của tiến sĩ tốt nghiệp ĐH Stanford

TS Nguyễn Chí Hiếu (tốt nghiệp ĐH Stanford, Mỹ) cho rằng có những thứ đến không phải vì người đó thông minh nhất mà vì họ biết cách dành thời gian tốt hơn.

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/hieu-truong-truong-amsterdam-nen-khuyen-khich-tu-thuc-phat-trien-truong-chuyen-702012.html

Thanh Hùng/ Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm