Trong buổi lễ, Connealy chọn chiếc đầm dài mềm mại. Còn buổi tiệc đãi khách, cô mặc váy ngắn hơn và có họa tiết vui nhộn.
"Tôi muốn được là chính mình trong ngày cưới. Tôi không thích mặc những chiếc váy quá lộng lẫy và sang trọng".
Dù chi phí trung bình cho một chiếc váy cưới tại Mỹ là 1.800 USD vào năm ngoái, một số cô dâu Gen Z đang nói không với chiếc váy trắng đắt đỏ mà nhiều khả năng họ sẽ không bao giờ mặc lại chúng sau đám cưới.
Thay vào đó, nhiều người chọn các thiết kế đơn giản có giá cả hợp lý hơn từ những cửa hàng bình dân và nhà bán lẻ trực tuyến. Trên TikTok, hashtag #CheapWeddingDress có gần 400.000 lượt xem và #CheapWedding thu hút 4,2 triệu lượt xem.
"Tôi cảm thấy có rất nhiều người trẻ hiện nay thích đi du lịch. Họ muốn tiết kiệm tiền váy cưới để dành cho kỳ trăng mật", Connealy nói.
Hai chiếc váy Rachel Connealy mặc trong đám cưới. Ảnh: @rachelmuse. |
Tiết kiệm
Ann Reckley (25 tuổi, Canada) đã tìm mua váy cưới trên Shein, một trang web chuyên về thời trang giá rẻ cho phụ nữ.
Tại hôn lễ, nhiều người đã hỏi Reckley mua váy cưới ở đâu. Tất cả đều rất ngạc nhiên khi cô dâu tiết lộ chiếc váy mình đang mặc chỉ có giá 39 USD.
"Tôi đã chứng minh rằng bạn không cần phải chi 10.000 USD để trông đẹp. Tất cả phụ thuộc vào sự tự tin".
Không chỉ tiết kiệm tiền mua váy cưới, Reckley còn cắt giảm nhiều khoản chi phí khác trong ngày trọng đại của mình. Theo cô, đại dịch đang tạo ra hai xu hướng đối lập: siêu đám cưới và đám cưới siêu tiết kiệm.
Ann Reckley mặc váy cưới giá 39 USD. Ảnh: Dominick Taylor/BExPRO. |
"Chẳng vấn đề gì nếu không có một đám cưới 50.000 USD. Bạn có thể có một đám cưới 500 USD mà vẫn hạnh phúc", cô nói.
Helen O'Connor, nhà thiết kế váy cưới của thương hiệu Thurley, nói rằng đại dịch khiến các cô dâu suy nghĩ khác đi về ngày trọng đại nói chung và trang phục cưới nói riêng.
"Mọi người đang tìm kiếm một ngày cưới vẫn đặc biệt và tuyệt vời, nhưng tiết kiệm hơn".
Thay vì chọn những chiếc đầm dài, cầu kỳ được may từ vải satin, ren truyền thống, các cô dâu muốn những bộ váy phản ánh đúng phong cách, tính cách của mình.
Năm ngoái, nhà thiết kế Vera Wang, người nổi tiếng với những bộ sưu tập váy cưới cao cấp, đã ký hợp đồng với Tập đoàn Pronovias để tung ra thương hiệu đồ cưới giá cả phải chăng Vera Wang Bride.
"Pronovias cho phép tôi khám phá khía cạnh sáng tạo mới của mình trong khi phát triển thứ mà tôi tin rằng sẽ trở thành thương hiệu toàn cầu với mức giá thông minh. Đây là một sự thay đổi lớn trong chiến lược mà tôi mong muốn thực hiện từ lâu", Wang nói.
Mua váy cũ
Theo báo cáo năm 2021 của nền tảng mua sắm thời trang toàn cầu Lyst, số lượt tìm kiếm váy cưới đã qua sử dụng tăng 103% kể từ tháng 3 năm ngoái.
Natacha Blanchard, trưởng nhóm người tiêu dùng tại chợ đồ cũ Vinted, cho biết khách hàng hiện rất quan tâm đến những chiếc váy cưới cũ.
"Trên Vinted, có hơn 150.000 chiếc váy cưới được rao bán trong năm ngoái", Blanchard nói với Refinery29. Cô cho rằng có ba lý do chính khiến các cô dâu thích đồ cũ: giá cả, sự lựa chọn và tính bền vững.
Về giá cả, đa phần người mua thích đồ cũ vì giá rẻ. Tuy nhiên, có nhiều cô dâu săn tìm các mẫu thiết kế giới hạn của những nhà mốt tên tuổi. Trong trường hợp này, đồ cũ thậm chí có thể đắt hơn nhiều so với đồ mới.
Các trang bán đồ cũ như Vinted mang đến sự lựa chọn đa dạng, từ những chiếc váy có giá chưa tới 10 USD cho đến thiết kế cao cấp trị giá hàng nghìn USD của Vera Wang.
Kiara Brokenbrough tiết kiệm tiền mua váy cưới, tổ chức hôn lễ nhỏ gọn. Ảnh: @kiarabrk. |
Kiara Brokenbrough (Mỹ) đã mặc một chiếc váy cưới trị giá 47 USD trong đám cưới diễn ra hồi tháng 2. "Tôi không muốn chi nhiều tiền cho một bộ trang phục chỉ mặc một lần, trong vài giờ đồng hồ", cô nói.
Brokenbrough nói rằng cô có một số bạn bè cũng mua váy cưới từ các chợ đồ cũ hoặc thương hiệu thời trang giá rẻ. Hôn lễ của họ chỉ tiêu tốn khoảng 500 USD, có thể chưa bằng một nửa giá của váy cưới thiết kế riêng.
"Nhưng tất cả đều rất vui vẻ, hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng tình cảm, mối quan hệ mới chính là nền tảng của cuộc hôn nhân. Điều đó quan trọng hơn nhiều so với việc tổ chức một đám cưới với xe limousine hay đồ trang trí, quần áo đắt tiền", Brokenbrough bày tỏ.