Trong số vô vàn các cuộc “cách mạng” diễn ra vào thời kỳ thập niên 60, từ ban nhạc lừng danh nước Anh - The Beatles đến sự kiện lần đầu tiên con người đặt chân lên mặt trăng, chiếc váy ngắn là một trong những biểu tượng tồn tại lâu dài nhất thời đại. Trong khi cuộc tranh cãi về việc ai là người đã sáng tạo nên chiếc váy ngắn - Mary Quant, André Courrèges, John Bates hay Jean Varon - vẫn chưa ngã ngũ thì nhà thiết kế người Anh - Mary Quant vẫn được ghi nhận là người đã đem thời trang váy ngắn trở nên phổ biến từ những năm 60.
Để ghi nhận công sức của nhà thiết kế này, chiếc váy ngắn do Quant thiết kế có tên “Banana Split” đã được in hình trên bộ tem “Thiết kế cổ điển” do công ty Bưu điện Hoàng gia Anh (Royal Mail) ban hành vào năm 2009, sánh bước cùng các hình ảnh như chiếc bốt điện thoại màu đỏ trứ danh của Anh, bản đồ tàu điện ngầm thành phố London, chiếc máy bay tiêm kích Spitfire… nhằm kỷ niệm một thập kỷ thời trang của Anh.
Nữ diễn viên nổi tiếng Natalie Wood trong trang phục váy ngắn. |
“Chiếc váy ngắn mini skirt là một hiện tượng lạ và có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn. Nó là một phần của văn hóa giới trẻ mới nổi vào những năm 1960 và được coi là sự thể hiện sâu rộng văn hóa giới trẻ lúc bấy giờ. Không chỉ có thế, mini skirt còn được coi là sự mở đầu cho một loạt cuộc cách mạng giải phóng cho nữ giới…” - bà Valerie Steele, Giám đốc Bảo tàng thuộc Viện công nghệ thời trang New York, Mỹ bình luận.
Nhà thiết kế Quant, người đã đồng mở ra tờ tạp chí thời trang nổi tiếng Bazaar của Anh cùng chồng là Alexander Plunket Greene và người bạn Archie McNair, bắt đầu sáng tạo nên những chiếc váy ngắn vào năm 1966. Ý tưởng về trang phục này xuất hiện vào ngày mà Quant nhìn thấy một vũ công luyện tập ở trong phòng - nơi mà Quant đang theo học một lớp múa ba lê.
“Hết giờ học của mình, tôi bỗng nghe thấy tiếng nhạc ở phòng tập bên cạnh. Và khi đưa mắt nhìn qua tấm kính, tôi đã nhìn thấy một vũ công lớn hơn tôi vài tuổi đang say mê luyện tập. Và tôi nhận ra ngay cô ấy là hình ảnh của mọi thứ mà tôi muốn trở thành. Cô ấy mặc một chiếc váy ngắn chừng 10 inch (25,4 cm), một chiếc áo len đen bó sát vào người, một chiếc quần bó cũng màu đen và có mái tóc kiểu bob thời thượng. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là cả bộ đồ mà cô ấy mặc lại làm tôn lên thứ mà cô ấy mang ở chân - một đôi tất trắng có cổ cao đến mắt cá chân và đôi giày nhảy có dây buộc. Và từ ngày hôm đó trở đi, tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh đáng yêu của đôi chân người phụ nữ”, Quant kể lại.
Hình ảnh chiếc váy ngắn những năm 1960. |
Và nhà thiết kế Quant, 80 tuổi, đã cho ra mắt những mẫu thiết kế váy ngắn thời trang đầu tiên mà bà gọi với cái tên “mini skirt” từ cảm hứng với chiếc Mini Cooper mà khi đó bà sử dụng. “Chiếc xe đồng điệu chính xác với chiếc váy ngắn. Đó là hình ảnh mà một người phụ nữ mong muốn - lạc quan, trẻ trung, hoa mỹ” - bà Quant cho biết trong bộ phim tài liệu mang tên Mary Quant, Mini Cooper, Mini skirt.
Ngay lập tức, hình ảnh những người phụ nữ trẻ mặc váy ngắn, đi giày bệt Mary Janes hay bốt cổ cao kèm với những đôi tất dày, nhiều màu sắc xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố, gây thách thức xã hội và chống đối lại các giá trị bảo thủ. Những người phản đối, trong đó có cả nhà thiết kế lừng danh Coco Chanel, cho rằng chiếc váy ngắn là “một sự đáng kinh tởm”. “Khi đó, tư tưởng của con người còn rất bảo thủ, kéo dài từ những năm 1930 đến tận những năm 1950. Thế mà, những chiếc váy mini skirt vào những năm 1960 lại đột nhiên phá bỏ những điều đó, khiến không ít người bị sốc”, bà Quant nói.
Tuy nhiên, chính những phụ nữ thời đó lại ủng hộ mini skirt. Khách hàng đến với bà Quant ngày càng đông và thậm chí, không ít người yêu cầu cắt chiếc váy ngắn hơn nữa. Dần dà, mini skirt trở thành một ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của thời trang thế giới, cũng như trong tiến trình đòi quyền bình đẳng của nữ giới ở thế kỷ 20. 50 năm sau khi ra đời, mini skirt vẫn là trang phục quen thuộc của hàng triệu cô gái trên khắp thế giới bởi nó vẫn giữ nguyên được ý nghĩa đem lại sự giải phóng và ghi nhận chỗ đứng của người phụ nữ trong xã hội ngày nay.