Khi Fumino Sugiyama - cựu tuyển thủ đội đấu kiếm nữ Nhật Bản - chưa chuyển giới từ nữ sang nam, anh từng có ý định tự tử trong suốt thời gian dài, kéo dài từ thời thiếu niên đến khi trưởng thành.
Năm 2006, ở tuổi 25, Sugiyama giải nghệ cũng vì cảm thấy mâu thuẫn và lạc lõng trong việc tham dự các nội dung của nữ.
"Tôi thấy không ổn vì cứ phải che giấu bản thân", anh nói với Vice News.
Đó là thực tế ngột ngạt đối với những người LGBT - giới thiểu số trong làng thể thao Nhật Bản khi đó. Nhưng 15 năm kể từ ngày Fumino giã từ sự nghiệp, những người luyện tập, thi đấu để đem thành tích về cho quê nhà vẫn chưa nhận được sự tôn trọng, quan tâm cần thiết.
Fumino Sugiyama trong một sự kiện của cộng đồng LGBT Nhật Bản. Ảnh: Asahi. |
Nhật nói "không" với VĐV đồng tính
Trên thực tế, kỳ thế vận hội Tokyo 2020 được cộng đồng người đồng tính, chuyển giới coi là sự kiện mang tính bước ngoặt trên nhiều phương diện.
Theo hãng tin Outsports, ít nhất 182 VĐV thi đấu tại Olympic lần này đã công khai giới tính. Con số cao hơn gấp 3 lần tại Thế vận hội Rio 2016 và nhiều hơn bất kỳ thế vận hội nào khác.
Đây cũng là lần đầu tiên một VĐV chuyển giới được thi đấu. Còn VĐV nhảy cầu đồng tính nam Tom Daley (Anh) đã giành được HCV đầu tiên trong sự nghiệp của mình.
Nhưng những tiến bộ mà Ủy ban Olympic Quốc tế áp dụng không được chứng kiến ở đội tuyển nước chủ nhà. Không một VĐV Nhật Bản nào thuộc giới LGBT được tham gia thi tài.
Thế vận hội lần này đánh dấu số lượng nhiều nhất VĐV thuộc giới LGBT tham gia. Ảnh: CNN. |
Airi Murakami, cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp, công khai mình là người đồng tính vào tháng 4. Cô cho biết nỗi sợ hãi về phản ứng dữ dội và phân biệt đối xử đã ngăn cản các VĐV sống đúng với con người mình.
Khi Murakami chơi bóng rổ ở trường trung học, cô thường bị bắt nạt vì xu hướng tính dục của mình. Các đồng đội dọa dẫm họ sẽ không thi đấu cùng đội với một người đồng tính nữ. Ở nhà, Murakami sống khép kín, cảm thấy như người ngoài cuộc trong chính gia đình mình.
Về phía Fumino Sugiyama, anh chỉ có thể công khai giới tính sau khi rời đội tuyển quốc gia. Anh hiện là nhà hoạt động về quyền chuyển giới tính tại tổ chức Tokyo Pride House, một không gian an toàn cho những người LGBT học hỏi và nâng cao nhận thức về cộng đồng của mình.
“Là một người chuyển giới nam, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể tiếp tục sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp. Nếu tôi muốn sống thật với bản thân mình, vốn đang sống như một người đàn ông, điều đó có nghĩa là tôi không thể tham gia đội nữ", anh nói.
Tom Haley rơi nước mắt trên bục nhận huy chương. Ảnh: AP. |
"Nếu bạn biết mình thuộc giới LGBT ở Nhật Bản và sự tồn tại của bạn vẫn chưa được xã hội nói chung chấp nhận, việc tiết lộ giới tính thật có nghĩa là bạn có thể mất đi những người hâm mộ đã ủng hộ mình", Sugiyama đã mô tả cuộc chiến tinh thần của các VĐV LGBT muốn được ra sân.
"Trong môn đấu kiếm của tôi, có quan niệm rằng người khỏe hơn là người mạnh hơn. Nếu bạn là người đồng tính, bạn sẽ bị coi là yếu đuối rồi bắt đầu nghĩ rằng mình cần phải che giấu điều đó nếu muốn giành chiến thắng".
Đối với các môn thể thao đồng đội như bóng bầu dục, Sugiyama cho biết họ cũng lo sợ sẽ gây nguy hiểm tới mối quan hệ với đồng đội.
“Họ có thể không chuyền bóng cho bạn nữa. Tệ hơn, bạn nhiều khả năng không được chọn vào đội tuyển quốc gia dù có tài năng", anh nói.
Đánh đổi
Nhật Bản là thành viên duy nhất của nhóm quốc gia G7 chưa hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Nước này cũng chỉ xếp hạng thứ hai từ dưới lên trong danh sách về quyền của người đồng tính nam và chuyển giới trong số 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD.
Bên cạnh việc thiếu các biện pháp bảo vệ pháp lý cho nhóm người đồng tính và chuyển giới, việc thiếu vắng các hình mẫu có tiếng nói trong cộng đồng LGBT ở Nhật Bản cũng khiến các cá nhân khác gặp khó khăn.
Airi Murakami, cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp, công khai mình là người đồng tính vào tháng 4. Ảnh: Asahi. |
Nhưng bất chấp nhiều thử thách khó nhằn, các nhà hoạt động LGBT ở Nhật Bản đều công nhận đã có sự tiến bộ, dù đó mới chỉ là những bước nhỏ.
Trong một quyết định mang tính bước ngoặt vào tháng 3, một tòa án Nhật Bản đã phán quyết rằng việc từ chối kết hôn với các cặp đồng tính là vi hiến. Sự kiện được nhiều người coi là một bước tiến tới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Các tổ chức như Tokyo Pride House cũng hỗ trợ, tạo ra không gian an toàn cho người đồng giới ở Nhật Bản.
Chỉ sau khi một nhà hoạt động của Tokyo Pride House liên hệ với Murakami, cô mới cảm thấy có đủ dũng cảm công khai giới tính.
“Bây giờ có nhiều cơ hội hơn để chúng tôi xuất hiện trong lĩnh vực công chúng, điều không thể tưởng tượng được chỉ vài năm trước đây", Murakami nói.
Nhưng thách thức phía trước không chỉ là cung cấp địa điểm tốt cho những người LGBT tụ tập. Sugiyama cho hay mình đang làm việc để đảm bảo tổ chức của mình không bị “phân loại và đơn giản hóa” thành nơi hứng chịu định kiến.
"Bị loại bỏ khỏi thế giới thể thao cũng không khác gì việc bị loại bỏ khỏi xã hội. Vì vậy tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải tận dụng cơ hội này để dẫn tới những cái nhìn tích cực hơn", Sugiyama chia sẻ.
Hầu hết giấy tờ tùy thân vẫn nói Sugiyama là phụ nữ - giới tính khi sinh ban đầu. Khi anh đi bỏ phiếu vào đầu tháng 7, các nhà tổ chức bình chọn đã ngăn lại vì anh trông "không theo khuôn mẫu phụ nữ".