Zing.vn trích dịch bài đăng trên New York Times, về câu chuyện của nữ bác sĩ làm việc tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19. Tình hình vốn khó khăn, lại càng vất vả hơn với các y bác sĩ nữ, những người thiếu thốn cả vật dụng vệ sinh cá nhân tối thiểu.
Quây quần bên gia đình vào dịp năm mới chưa lâu, Zhang Wendan (27 tuổi) nhận được thông báo mau chóng quay trở lại bệnh viện, tham gia vào trận chiến đẩy lùi dịch Covid-19.
Mẹ Zhang đã khóc, còn chồng chưa cưới lặng lẽ về phòng chuẩn bị đồ đạc cho cô. Hai ngày trước đó, chính quyền thành phố Hoàng Cương (Hồ Bắc), nơi Zhang sống, ra lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực trong nỗ lực ngăn chặn virus lan rộng.
“Công việc ở bệnh viện vốn đặc biệt vất vả, nhưng lại càng khắc nghiệt hơn với phái nữ”, Zhang cho hay.
Lực lượng y tế tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) phải chống chọi với dịch Covid-19 trong hoàn cảnh đồ bảo hộ y tế thiếu thốn. Ảnh: Reuters. |
Như nhiều đồng nghiệp của mình, Zhang đã quen với việc đóng bộ đồ bảo hộ ướt đẫm cả ngày. Mỗi lần cởi ra, cô lại cẩn thận không kéo mạnh vì lo sợ đường may sẽ rách và chẳng có bộ khác thay thế.
Khẩu trang cũng vậy, số lượng không thể đáp ứng đủ cho lực lượng y tế túc trực ở bệnh viện cả ngày đêm.
Để tiện làm việc và vệ sinh cá nhân, Zhang cắt tóc ngắn trong suốt 30 ngày có mặt tại khu cách ly. Truyền thông Trung Quốc vẫn gọi các nữ nhân viên y tá cắt tóc hay cạo trọc đầu giống Zhang là “chiến binh xinh đẹp nhất”.
Khoảnh khắc khó khăn nhất đối với Zhang lại là khi cô muốn thông báo với cấp trên, hầu hết là nam giới, về việc cô và các nữ y bác sĩ đang chật vật, cố gắng tìm kiếm băng vệ sinh trong những ngày “đèn đỏ”.
Với những nữ y bác sĩ, thời gian để vệ sinh cá nhân trong những ngày "đèn đỏ" cũng là điều xa xỉ. Ảnh: China News. |
Chỉ những nguồn cung cấp do chính quyền cho phép mới được phép có mặt trong thành phố. Nguồn cung khan hiếm khiến có được những sản phẩm này để vệ sinh cá nhân cũng là điều khó khăn với phụ nữ trong thời gian này.
Nhiều ngày trôi qua, Zhang cho hay cô thấy tinh thần bản thân “đi xuống mỗi ngày”. Cuối cùng, một nhóm tình nguyện viên đã tìm cách giúp đỡ và gửi khoảng 2.000 tã lót người lớn đến bệnh viện, nơi có 500 y bác sĩ nữ.
Với những người phụ nữ này, thời gian trong ngày để đi vệ sinh đã là điều xa xỉ khi đóng đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, chứ đừng nói đến chuyện vệ sinh sạch sẽ những lúc “đèn đỏ”.
Và đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia y tế ở tuyến đầu phàn nàn về điều kiện làm việc của họ.
Tại tỉnh Hồ Bắc, lực lượng bác sĩ và y tá thường xuyên trong tình trạng tiếp xúc với người bệnh mà thiếu đi các vật dụng cần thiết như khẩu trang. Hàng nghìn nhân viên y tế đã nhiễm virus corona trong quá trình chống chọi với bệnh dịch.
Hôm 24/2, các nhân viên y tế ở thành phố Vũ Hán viết thư gửi tới tạp chí y khoa The Lancet, xin giúp đỡ và mô tả các điều kiện tại bệnh viện là “khó khăn và nguy hiểm hơn chúng ta có thể tưởng tượng”.
Zhang Wendan, một nữ bác sĩ làm việc tai tuyến đầu chống dịch. Ảnh: NY Times. |
“Tôi lo lắng mình sẽ nhiễm bệnh. Tôi cũng nhớ nhà nữa”, nữ bác sĩ 27 tuổi cho hay.
Hiện tại, nhiệm vụ của Zhang ở tiền tuyến đã kết thúc. Cô đang trong quá trình cách ly 14 ngày tại một khách sạn gần bệnh viện, trước khi trở về với gia đình.
“Khi dịch bệnh chấm dứt và những thứ tồi tệ này qua đi, tôi mong được gặp lại người thân, thư giãn trong phòng tắm thật lâu và ăn bữa ăn do mẹ mình nấu”, cô nói.
Mẹ cô, người vì lo lắng cho con gái, đã cố gắng nấu nướng nhiều món rồi đem đến bệnh viện nơi Zhang làm việc. Bà lặng lẽ để lại đồ ăn ngoài vỉa hè và nhìn con gái lấy chúng từ xa. Để đảm bảo an toàn, hai mẹ con không thể nói chuyện ở khoảng cách gần.
Theo kế hoạch cá nhân đặt ra trước đó, Zhang sẽ trở thành cô dâu vào cuối tháng tư tới. Cô cố gắng lạc quan, nhất là khi nói chuyện với chồng sắp cưới.
Khoản tiền dành cho váy cưới đã có nhưng cô gái vẫn chưa chọn được chiếc váy nào ưng ý. Về phần mái tóc, Zhang dự định sẽ đội tóc giả.
“Tôi hy vọng không phải trì hoãn ngày trọng đại trong đời”, Zhang chia sẻ. Như bao cô dâu tương lai khác, cô cũng rất mong chờ đến đám cưới của mình.