Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vén màn những góc khuất quá khứ Thành Long

Suýt bị đuổi học, thường trốn vào một góc để khóc lén hay chuyên đóng thế cho đàn anh, đó là những góc khuất trong quá khứ của siêu sao võ thuật Hong Kong.

Vén màn những góc khuất quá khứ Thành Long

Suýt bị đuổi học, thường trốn vào một góc để khóc lén hay chuyên đóng thế cho đàn anh, đó là những góc khuất trong quá khứ của siêu sao võ thuật Hong Kong.

Cả thế giới gọi ông với nghệ danh Thành Long, nhưng không nhiều biết được tên thật của siêu sao này là Phòng Sỹ Long. Gia đình Thành Long tự xưng là hậu duệ của Phòng Huyền Linh – quan tư mã, tể tướng dưới đời vua Đường Thái Tông. 

 
Ảnh độc của Thành Long ngày nhỏ.

Cha của Thành Long – ông Phòng Đạo Minh, sau này đổi tên thành Trần Chí Bình, nên ông cũng đổi tên con trai từ Phòng Sỹ Long thành Trần Cảng Sinh. Thành Long - Trần Cảng Sinh, sinh ngày 7/4/1954 tại Thái Bình Sơn, Hong Kong.

Cha của Thành Long - ông Trần Chí Bình và mẹ - bà Trần Lị Lị đều làm việc tại lãnh sự quán Pháp tại Hong Kong. Từ nhỏ Thành Long đã ham mê võ thuật, với tính hiếu động và thích lăn lộn của mình, Thành Long được cha mẹ gọi với cái tên thân mật là “Pháo Pháo”.

Ngày nhỏ Thành Long được gọi với cái tên thân mật là Pháo Pháo.

Trong khu lãnh sự quán ở Thái Bình Sơn mà gia đình Thành Long sinh sống, có rất nhiều người Pháp, Mỹ, từ nhỏ, Thành Long đã thường xuyên đánh nhau gây gổ với những đứa trẻ ngoại quốc.

Đến tuổi đi học, Thành Long vẫn không bớt đi tính nghịch ngợm, thậm chí còn hơn. Lên lớp một, vì liên tục vi phạm nội quy, gây gổ với bạn, cậu bé bị kỷ luật, phải học lại một năm. 

Thành Long trong những tấm ảnh gia đình.

Ra ngoài thì đánh nhau, còn về nhà, Thành Long chỉ ngồi một chỗ và xem phim võ thuật, thời điểm đó Hoắc Đạt Hoa, Vu Tố Thu là những ngôi sao “hot” nhất, mê mẩn những pha hành động đẹp mắt của những siêu sao này, Thành Long nghĩ ngay đến việc lên núi học võ.

Quá bận rộn với công việc ở lãnh sự quán, không có thời gian để quản lý cậu nghịch tử, cha Thành Long quyết định gửi con vào Học viện Kinh kịch Trung Quốc – chuyên đào tạo diễn viên võ thuật. Năm sáu tuổi, Thành Long được cha dẫn đến gặp sư phụ Vu Chiêm Nguyên – cha của nam diễn viên Vu Tố Thu, đồng thời là người đứng đầu Học viện Kinh kịch.

 

Thành Long hồi nhỏ và cha - ông Trần Chí Bình.

Nhìn thấy các đệ tử đang hăng say tập luyện dưới sân, Thành Long cảm thấy thích thú vô cùng, liền xin cha cho phép mình theo học võ sư Vu Chiêm Nguyên. Gửi con vào trường, ông Phòng Đạo Minh yên tâm quay trở về khu lãnh sự quán và tin tưởng rằng, môi trường khắc nghiệt ở đây sẽ giúp cậu con trai ngỗ ngược trưởng thành.

Háo hức với việc bái sư và học võ, song thời gian đầu nhập môn lại đầy khó khăn và không hề sung sướng như Thành Long vẫn tưởng tượng. Phương pháp giáo dục của sư phụ Vu Chiêm Nguyên hết sức nghiêm khắc, cách dạy đệ tử luyện công của ông chủ yếu là đánh và phạt. Chỉ được đến ngày thứ tư, Thành Long đã thấy hối hận và nản chí, cậu nhận ra rằng, để có được võ nghệ như những môn sinh kia quả thực không hề dễ dàng.

Thời gian đầu, vào mỗi buổi tối, sau một ngày mệt nhoài vì luyện tập và áp lực từ đòn roi và những câu la mắng của sư phụ, Thành Long tủi thân, thường trốn vào góc tối và khóc một mình. Một ngày luyện tập của các võ sinh bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc vào lúc 0h đêm, họ thường phải lết thân mình mệt nhừ và đôi chân đau ê ẩm đi ngủ. Ngoài thời gian luyện võ, võ sinh ở đây còn phải đọc sách, không ít người thường ngủ gục vì quá mệt.

Niềm vui lớn nhất của những võ sinh ở đây là lúc được nhận thực phẩm cứu tế, hàng chục người tụ tập lại, xếp hàng chờ những người trong tổ chức Hồng thập tự mang đến cho họ nhiều đồ ăn bao gồm gạo, sữa bột và nhiều loại thực phẩm khác. Các võ sinh phải chờ đến nửa ngày mới tới lượt mình, họ tập trung đồ ăn được chia lại và phân công nhau, mỗi bữa ăn sẽ do một người nhận trách nhiệm nấu nướng.

 

Sau khi vượt qua được khoảng thời gian đầu khó khăn và nhiều bỡ ngỡ, Thành Long hăng say tập luyện, cùng với niềm đam mê võ thuật, cậu trở thành một trong những môn sinh xuất sắc tại đây.

Thành Long được lựa chọn vào nhóm Thất Tiểu Phúc – tập hợp những học viên xuất sắc nhất.

Từng thành viên trong nhóm được sư phụ Vu Chiêm Nguyên đặt nghệ danh, trong đó, hai cái tên nổi bật nhất trong đó chính là Nguyên Lâu (Thành Long) và Nguyên Long (Hồng Kim Bảo).

Sau hơn mười năm ròng rã theo học Kinh kịch và võ thuật, năm 17 tuổi, Thành Long tốt nghiệp và từ biệt sư phụ Vu Chiêm Nguyên.

Ngày làm lễ tốt nghiệp, theo lệ cũ, các đệ tử phải quỳ gối cúi đầu từ biệt sư phụ để cảm tạ, sau đó phải chịu 10 trượng coi như lần được dạy dỗ cuối cùng. Ngày hôm đó, Thành Long quỳ gối, cúi đầu nín thở chờ trượng của sư phụ. Bất ngờ Vu Chiêm Nguyên bảo: “Đứng lên đi, đừng quỳ nữa! Bỏ lệ này đi, thời đại bây giờ đổi khác rồi”. Thành Long thở phào nhẹ nhõm đứng lên, cáo biệt sư phụ. 

 
Cậu bé Thành Long trông khá khôi ngô.

Sau khi tốt nghiệp, Thành Long chính thức trở thành võ sư, lấy nghệ danh mới là Trần Nguyên Long và bắt đầu bước chân vào nghiệp diễn xuất. Tuy nhiên, một võ sư trẻ chưa cứng cáp và thiếu kinh nghiệm như ông lúc bấy giờ chỉ được đảm nhận những vai phụ, thậm chí chỉ là diễn viên đóng thế.

Thời điểm đó, Thành Long tham gia đóng phim chỉ đơn giản là để kiếm tiền mưu sinh và không hề có bất cứ một kế hoạch nào cho tương lai. Tuổi thanh niên của Thành Long. Cùng với Lưu Đan, Điền Phong, Nhạc Hoa…, Thành Long chuyên tham gia vào những bộ phim có những cảnh quay võ thuật nguy hiểm. Với sự trẻ trung, nhanh nhẹn và không ngại cảnh đánh đấm, Thành Long khiến các đạo diễn rất ưng ý, ông là cái tên được ưu tiên lựa chọn trong số những diễn viên đóng thế.

Xem Tinh Võ Môn hay Long tranh hổ đấu với sự góp mặt của huyền thoại Lý Tiểu Long, chẳng ai để ý đến nam diễn viên đóng thế có cái tên lạ hoắc Trần Nguyên Long, vào vai những nhân vật quần chúng bị Lý Tiểu Long đánh cho te tua, bầm dập.

Vô danh, nhưng đối với một nam diễn viên – võ sư trẻ như Thành Long lúc bấy giờ, đây được coi như một thành công. Ông sống rất phong lưu và vô tư, ngoài những giờ đi làm, ông thường xuyên có mặt ở những câu lạc bộ nghệ thuật, quán rượu, các địa điểm giải trí, vô lo vô nghĩ về cuộc sống tương lai.

 
Thành Long hồi trẻ khá điển trai.

Tuy nhiên, đến năm 1973, khi Lý Tiểu Long bất ngờ qua đời, dư luận bàng hoàng và cho rằng, không một diễn viên nào có thể thay thế được huyền thoại họ Lý, tưởng chừng như thời đại của dòng phim võ thuật đã tàn, những bộ phim ra mắt không được đón nhận nồng nhiệt như trước, dẫn đến việc những diễn viên đóng thế như Thành Long cũng bị “thất sủng”.

Sự nghiệp diễn xuất chưa kịp phát triển đã phải đối mặt với khó khăn, tưởng chừng như diễn viên trẻ này sẽ bỏ cuộc, tuy nhiên, điện ảnh thế giới đương đại đã được chứng kiến sự thành công của một ngôi sao võ thuật mang tên Thành Long. Những biến cố nào đã khiến Thành Long bứt phá ngoạn mục từ một diễn viên vô danh sang tầm một ngôi sao quốc tế như vậy?

Kỳ tới: "Cá chép" Thành Long hóa "rồng" ra sao?

Theo VTCNews

Theo VTCNews

Bạn có thể quan tâm