Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vết thương bốc mùi vì tự ý đắp thuốc nam chữa bỏng

Chỉ trong vài ngày, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang liên tục tiếp nhận những bệnh nhân bị biến chứng, thậm chí hoại tử da vì đắp thuốc nam chữa bỏng.

Ngày 20/9, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 34 tuổi (Yên Sơn, Tuyên Quang) trong tình trạng cẳng chân hai bên sưng tấy, phỏng nước, trợt da, hoại tử đen kèm theo chảy mủ hôi. Bệnh nhân được chẩn đoán bỏng độ II, III (diện tích khoảng 16%), một số vị trí độ IV (diện tích khoảng 3%). 

Các bác sĩ làm sạch mủ, điều trị toàn thân, truyền kháng sinh, dùng thuốc giảm đau, thay băng và đánh giá tổn thương hàng ngày. 

Gia đình bệnh nhân cho biết trước khi nhập viện 4 ngày, người đàn ông này sử dụng bếp ga công nghiệp, bất ngờ dây ga tuột, bắn ra, bén lửa và gây bỏng nặng. Sau bỏng, gia đình nghe người quen giới thiệu lấy thuốc nam từ một "bà lang" về để đắp nhưng không đỡ, vết bỏng ngày càng sưng to và đau rát. Lo sợ tình trạng nặng hơn, gia đình mới đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị.

Dap thuoc nam chua bong anh 1
Bệnh nhân 34 tuổi bị nhiễm trùng nặng do đắp thuốc nam chữa bỏng. Ảnh: BVCC.

Trước đó, ngày 16-17/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng liên tục tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi điều trị bỏng nước sôi độ II, III. Sau bỏng, gia đình đã lấy thuốc nam về đắp cho trẻ. 

Sau một ngày đắp thuốc không đỡ, vị trí bỏng sưng tấy, gia đình đưa trẻ đến bệnh viện để khám và điều trị. Hiện, bệnh nhân được điều trị tích cực tại khoa Chấn thương chỉnh hình. 

BSCKII Ngọc Đại Cương, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, cho biết: "Thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do đắp thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ở một số bệnh nhân, vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài và tốn nhiều chi phí". 

Bác sĩ Cương cho hay có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp nhất là do nước sôi. Ngoài ra, người dân có thể bỏng do dầu mỡ, lửa, điện, hóa chất. Tổn thương bỏng rất đa dạng, ở nhiều vị trí như mặt, chân, lưng, cẳng tay, đặc biệt là bàn tay, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, để lại những di chứng nặng nề.

Bệnh nhân bị bỏng cần đến bệnh viện xử lý vết thương ngay, để tránh các biến chứng nguy hiểm. Nếu không được đưa đến cơ sở y tế kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng huyết và đe dọa tính mạng.

Bác Cương khuyến cáo để tránh tai nạn bỏng ga, người nội trợ cần kiểm tra kỹ bếp và hệ thống van khóa, dây dẫn bình ga trước khi sử dụng; khóa bình ga sau khi sử dụng. Van khóa và dây dẫn ga đã cũ cần phải được thay mới. Để tránh trẻ nhỏ bị bỏng nước sôi, cha mẹ cần chú ý giám sát trẻ, để phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu ở nơi bé không sờ hoặc với tới được.

Cha mẹ không để trẻ nhỏ tự tắm vòi nước nóng lạnh. Nếu tắm chậu, bạn cần đổ nước lạnh vào trước và hòa nước nóng sau, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ. Khi nấu ăn, bạn nên quay cán xoong, chảo vào phía trong. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu, cha mẹ cần tránh xa trẻ để không va, đụng. Bạn không nên ăn, uống nước nóng khi bế trẻ nhỏ, tránh trường hợp bé nghịch bị đổ, gây bỏng.

Pháo sáng có thể gây bỏng nặng nề chỉ trong chớp mắt

Nếu rơi vào người, pháo sáng có thể làm cháy quần áo và gây bỏng nặng nề chỉ trong chớp mắt.


Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm