Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Vì dịch, tôi tiết kiệm chục triệu nhờ không còn tụ tập sau giờ làm'

Hết cách ly xã hội, dân văn phòng trở lại nơi làm việc bình thường. Nhiều người từ bỏ việc ăn hàng, la cà sau giờ làm và hình thành thói quen đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.

Chiều 22/4, Thủ tướng quyết định nới lỏng giãn cách xã hội trên cả nước, nhiều doanh nghiệp, cơ quan cũng bắt đầu cho nhân viên đi làm trở lại song vẫn đảm bảo các quy định phòng chống dịch an toàn tại nơi làm việc.

Gần một tháng làm việc tại nhà và hạn chế ra ngoài, nhiều lao động, nhất là giới văn phòng có không ít thay đổi trong phong cách làm việc lẫn thói quen cá nhân.

Zing thực hiện phỏng vấn một số người để hiểu hơn về những thay đổi của môi trường làm việc công sở sau khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát.

“Con bé vụng về giờ ngày nào cũng mang cơm trưa đi làm”

“Dù không chuyển sang làm việc tại nhà hẳn trong 1 tháng giãn cách xã hội do tính chất công việc, mình thấy nhịp sống và một số thói quen của bản thân vẫn thay đổi đáng kể”, Kiều Ngọc (24 tuổi), nhân viên xuất nhập khẩu, chia sẻ.

Thay đổi lớn nhất với nữ nhân viên trẻ có lẽ là cô tìm thấy niềm yêu thích với nấu nướng, cũng như dành nhiều thì giờ vào bếp hơn.

“Trước khi có dịch, vào mỗi giờ nghỉ trưa, mình hay cùng hội ‘chị em bạn dì’ cùng phòng xách xe ra ngoài ăn, hôm thì bún, phở, hôm cơm gà vì phần lớn đều độc thân, lại sống xa gia đình”, cô cho hay.

dan van phong quay tro lai lam viec anh 1

Trong thời gian quán xá đóng cửa, các nhân viên văn phòng phải tự nấu ăn tại nhà. Nhiều người bất ngờ trước khoản tiền họ có thể tiết kiệm được từ việc tự nấu nướng. Ảnh: Việt Hùng.

Nhiều hôm sau giờ làm, 9X lại cùng bạn bè tụ tập đi ăn hàng vì lười nấu ăn. Tuy nhiên từ khi phải ở nhà nhiều hơn, có thêm thời gian rảnh, Ngọc bắt đầu tìm niềm vui qua việc thử nghiệm những công thức nấu ăn học hỏi trên mạng.

Dần dần, "tay nghề" lên cao, cô gái thích thú khi nhận ra thức ăn tự nấu vừa đảm bảo vệ sinh, lại có thể điều chỉnh tùy khẩu vị.

Đến những ngày cuối tháng 4 vừa qua, khi cơ quan trở lại làm việc bình thường, mấy anh chị chung cơ quan ngạc nhiên hết đỗi khi chứng kiến "con bé Ngọc vụng về" giờ chuẩn bị cả hộp cơm trưa đủ chất đi làm mỗi ngày. Thi thoảng, những hôm dư dả thời gian hơn, cô còn làm cả rau câu, bánh tráng miệng mời cả phòng.

"Ngoài việc lo vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, mình thấy tự chuẩn bị đồ ăn trưa giúp tiết kiệm không ít chi phí. Không chỉ thời gian đầu sau dịch, mình sẽ duy trì thói quen nấu ăn này lâu nhất có thể", Ngọc khẳng định.

Không đeo khẩu trang trừ một ngày lương

Chung quan điểm với Kiều Ngọc, Minh Tuấn (26 tuổi, nhân viên kinh doanh) nhận thấy nhiều thói quen sau giờ làm của mình vốn rất quen thuộc trước kia, nay thay đổi đáng kể sau nhiều ngày “work from home”.

Hơn một tháng hạn chế tụ tập ăn nhậu với đồng nghiệp, đám bạn sau khi tan ca và các hoạt động giải trí khác, Tuấn thực sự bất ngờ khi nhận ra đã tiết kiệm được gần chục triệu đồng.

“Thành thử, mình không nghĩ số tiền mọi khi mình bỏ ra cho việc đi chơi lại nhiều vậy. Sắp tới, mọi người cũng chưa muốn tụ tập lại nhiều nên chắc mình sẽ vẫn còn dành dụm thêm được một khoản kha khá”, anh nói.

Bên cạnh đó, trước đây mỗi khi ra ngoài, Tuấn khá lười đeo khẩu trang. Nhưng từ khi có dịch, có hôm đi làm quên ví tiền, điện thoại hay giấy tờ làm việc nhưng cốp xe của Tuấn lúc nào cũng có sẵn vài chiếc khẩu trang y tế và lọ nước rửa tay để sử dụng.

“Đeo khẩu trang vào yên tâm hơn hẳn”, anh cho biết.

Tâm lý lo sợ mầm bệnh vẫn có thể lây lan của Tuấn cũng được xoa dịu vì thấy các anh chị ở cơ quan cũng có ý thức giống anh.

Dù văn phòng đã sắp xếp nhân viên không quá gần nhau, lại có vách ngăn giữa mỗi người nhưng ai nấy cũng tự giác đeo khẩu trang khi làm việc và không còn tụm năm tụm ba ăn uống chung như trước.

Còn với Ngọc Trâm (nhân viên truyền thông), dù biết đeo khẩu trang là tốt, cô cho hay vừa trải qua một câu chuyện “khá đau thương" vì vật dụng này. Ngày thứ hai quay trở lại văn phòng làm việc, Trâm chưa vui được bao lâu khi gặp lại cả team thì nhận được thông báo trừ một ngày lương.

Lý do đằng sau là cô quên đeo khẩu trang khi làm việc và bị phòng hành chính nhân sự đi kiểm tra bắt gặp.

“Văn phòng mình khá ‘gắt’, đặt ra quy định nhân viên phải đeo khẩu trang 100% khi ngồi làm việc. Tuy nhiên, loại của mình là khẩu trang vải, chỉ cần đeo 15-20 phút là đã thấy khó thở”, cô kể lại.

Trâm thừa nhận mình khá xui xẻo khi cô vừa lén bỏ khẩu trang và mải chăm chú làm nốt báo cáo, đội kiểm tra đi qua lúc nào cô cũng không hay. Từ hôm đó, dẫu thấy bí đến đâu, Trâm cũng phải chịu khó che kín miệng và mũi trong giờ làm.

dan van phong quay tro lai lam viec anh 4

"Work from home" có thể đem lại sự thoải mái, nhưng nhiều người đi làm cho hay họ tập trung tốt hơn khi ở công ty. Ảnh: Duy Hiệu.

Đếm từng ngày về lại văn phòng

Được ngủ thêm nửa tiếng. Không phải lo là lượt quần áo đi làm từ tối hôm trước. Cũng không phải vội vã phóng xe trên đường cho kịp giờ chấm vân tay.

Làm việc tại nhà từng là mơ ước của Hoàng Minh (sinh năm 1996), nhân viên tại một tập đoàn bảo hiểm. Song, anh chàng dần nhận ra làm việc từ xa không sung sướng và diễn ra suôn sẻ như mong đợi.

Theo Minh, mặc dù “được mặc quần đùi, thoải mái làm việc ngay trong phòng ngủ”, việc đến công ty, có mặt tại văn phòng vẫn đem lại nhiều lợi thế hơn.

“Thứ nhất, mọi người không cùng ở một chỗ, việc trao đổi, giao tiếp giữa các bên gặp nhiều khó khăn hơn tưởng tượng. Đường truyền mạng chậm rề rề, ứng dụng quá tải là chuyện thường gặp”, cậu kể lại.

Tuy nhiên, khi vấn đề liên lạc được giải quyết, Minh lại khó đạt được năng suất làm việc như mọi khi.

dan van phong quay tro lai lam viec anh 5

Dân văn phòng quay trở lại làm việc sau khi kết thúc thời gian cách ly xã hội. Ảnh: Việt Linh.

“Ba mẹ thi thoảng lại gõ cửa hỏi thăm, chưa kể đến hai đứa cháu gái đang học cấp 1 vẫn đang nghỉ dịch, thấy chú ở nhà lại đòi chơi cùng. Vài bữa, nhà hàng xóm lại bật nhạc bolero, quá nhiều thứ khiến mình bị xao lãng”, Minh cho hay.

Vì vậy, khi nhận thông báo giai đoạn “work from home” kết thúc, Minh mừng như mở cờ trong bụng. Quay về góc bàn làm việc yêu thích, nơi có view nhìn xuống một công viên nhiều cây xanh, anh thấy phấn khởi hơn. Cảm hứng làm việc cũng quay trở lại.

Cùng nóng lòng quay trở lại công ty, Đàm Trang (22 tuổi) thở phào khi thời gian cách ly xã hội kết thúc cũng vừa lúc Hà Nội sắp sửa vào đợt nắng nóng cao điểm.

“Ai mong đợi làm việc ở nhà thì mình không biết nhưng ở văn phòng, mình được hưởng nước mát, điều hòa mát rượi”, cô bạn thú thật.

Lý do của Trang đơn giản và dễ hiểu. Thuê trọ giá rẻ không có điều hòa, mùa hè mới đến mà đã thấy không khí trong nhà nóng bức, wifi cũng chập chờn, quãng thời gian làm việc tại nhà nhiều lúc “hơi cực hình” như cách Trang miêu tả.

“Hồi giữa tháng 4 giao mùa, có hôm trời trở nắng đột ngột, mình ngồi đánh máy mà thấy bí bách, khó chịu trong người. Thông thường, mình có thể mang laptop ra cà phê làm việc. Song, tháng vừa qua, mình cũng đành chịu chôn chân trong phòng”, cô nói.

“Mình thích đến công ty hơn ở nhà vì cứ bước chân vào nơi làm việc là có không khí mát vây quanh cả ngày. Mình đã sốt ruột, đếm từng ngày quay lại văn phòng”, Trang bộc bạch.

Kinh doanh dịch vụ xe rửa tay, phun khử trùng lưu động trên phố Những chiếc xe bán hàng chất đầy khẩu trang, xà phòng và bồn rửa tay xuất hiện trên đường phố thủ đô của Afghanistan trong những ngày nước này đối phó với dịch bệnh.

'Ai sẽ chăm con khi tôi ra đi?' - câu hỏi ám ảnh bác sĩ chống Covid-19

Không hiếm bác sĩ ở New York giằng xé giữa việc cứu người và đảm bảo an toàn cho gia đình. Do đặc thù công việc, rủi ro có thể xảy đến bất cứ khi nào họ tiếp xúc với người bệnh.

Mai An - Trà My

Bạn có thể quan tâm