Với lời lẽ thể hiện sự bất bình, đánh đúng vào tâm lý thích chê bai của nhiều người trẻ, một status đăng tải trên diễn đàn lớn dành cho giới trẻ có nội dung con gái đòi mẹ mua xe máy đắt tiền, dù mẹ không đủ khả năng tài chính, đã thu hút hơn 24.000 like (thích), hàng nghìn share (chia sẻ) và bình luận.
Cộng đồng mạng tranh cãi, lên án cô gái không thông cảm với nỗi vất vả của đấng sinh thành, đua đòi, chuộng hình thức. Không ít trong số đó là những lời chỉ trích, xúc phạm.
Ngay hôm sau, nữ chính trong câu chuyện là Phạm Nga (1992, Thường Tín, Hà Nội) đã phải lên vì quá bức xúc.
Câu chuyện bịa đặt trên mạng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của 2 mẹ con cô gái sinh năm 1992 gây sự chú ý thời gian gần đây. |
Nga cho biết, cô mua xe bằng chính số tiền để dành trong 2 năm, và mẹ cô cũng không nói câu nào giống như trong chia sẻ. Họ không hiểu chuyện gì đang diễn ra khi bỗng dưng hai mẹ con trở thành đề tài bàn tán trên các trang mạng xã hội.
"Nội dung lệch lạc đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự của mình và cả mẹ nữa. Không ai có quyền bình phẩm về hai mẹ con, nhìn bề ngoài đâu nói được gì. Tự dưng bị lôi ra làm chủ đề bán tán và chỉ trích không đúng sự thật khiến mình thấy rất bất bình", 9X bày tỏ.
Cùng lúc đó, mẹ của Nga, người bán xe máy, cùng người đăng bức ảnh gốc cũng xác nhận, câu chuyện lan truyền trên mạng là sai.
Bịa chuyện, bình luận chỉ trích vô tội vạ, share nhảm nhí
Trước đó chưa lâu, Nguyễn Thị Hảo, cựu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân bức xúc vì bị nhầm lẫn với má mì Nguyễn Thị Hảo, người điều khiển đường dây gái gọi nghìn đô.
Cô gái 9X chia sẻ đã ức phát khóc khi đọc bình luận trên mạng: “Nói bao lần, ăn trắng mặc trơn, đi du lịch 24/7 resort, đồ hiệu các thứ thì lấy đâu ra? 22 tuổi - trẻ quá, thế mà đã biết làm ra tiền nghìn đô, rồi chục nghìn đô. Nhưng năm nay không phải năm của em, Hảo à. Đẹp như em có thể kiếm anh thiếu gia làm chồng dễ ợt mà”.
Chỉ vì trùng tên, một cô gái đã bị nhầm với má mì đường dây bán dâm nghìn đô. |
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, hai mẹ con cô Trần Thị Kim Nên (Thủ Đức, TP HCM) không ngờ rằng chỉ vì một buổi đi ăn mà bị chụp ảnh, bịa chuyện "con gái bất hiếu không cho mẹ ăn bún", sau đó chịu nhiều chỉ trích của mạng xã hội.
Gần đây, một chàng trai bỗng dưng bị mang tiếng "kẻ biến thái" khi vừa di chuyển ngoài đường, vừa có những hành vi thô tục. Sự thật là hai cô gái đã ghép hình vào một chàng trai mình gặp trên đường, với mục đích câu like, câu view và tăng người theo dõi cho trang bán hàng trên mạng.
Nguyễn Minh Trang (du học sinh Osaka, Nhật Bản) thừa nhận, đã lâu nữ sinh không đọc những tin đồn, theo dõi chia sẻ của các diễn đàn trên mạng vì không có độ xác tín.
"Hình như bịa chuyện, bình luận vô tội vạ, share bài nhảm nhí đã trở thành 'đặc sản' của một bộ phận dân mạng. Điển hình là sự việc của bạn Phạm Nga khi đi mua xe máy. Với suy nghĩ ở trên mạng, không ai biết mình, nhiều người có thể thoải mái phát ngôn bừa bãi, dùng lời nói làm tổn thương người khác", 9X lắc đầu ngán ngẩm.
Hãy like, share thông minh
Bằng một bức ảnh, cùng một câu chuyện gây cảm động, bức xúc hoặc giật gân, mạng xã hội đã khiến cuộc sống của nhiều người trở nên khốn đốn.
Vì vài dòng tin thất thiệt, cuộc sống của một người vô tội sẽ bị ảnh hưởng. Nhẹ là tốn thời gian giải thích, đính chính, nặng là mang tiếng suốt đời, đôi khi còn dính tới rắc rối liên quan luật pháp, công việc.
Niềm vui khi mua được chiếc xe máy mơ ước sau 2 năm làm việc vất vả của Phạm Nga đã bị người đăng tải vô tâm kia cướp mất. Cô còn bị hàng nghìn người vô danh gán cho những tội danh.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Khắc Điệp cho biết, theo dõi các sự việc trên mạng xã hội gần đây của giới trẻ, anh thấy hoang mang trước một rừng thông tin không có kiểm chứng, quy chụp, thể hiện sự vô trách nhiệm.
"Vì một cái like nhiều người có thể làm bất cứ việc gì. Đổ oan cho người vô tội, sáng tác chuyện câu view, ghép hình ghép ảnh vô tội vạ... Facebook giờ đây đã trở thành một nồi lẩu thập cẩm đầy những tin tức giả thật lẫn lộn, khiến người đọc hoang mang. Những người không tỉnh táo khi tham gia thế giới ảo rất dễ tiếp tay cho kẻ sai, gây ảnh hưởng đến người khác".
Ông cho rằng, mỗi cá thể tham gia mạng xã hội đều phải đóng vai trò của "màng lọc thông tin", phân biệt đâu là thông tin đúng, đâu là chuyện bịa đặt, để Internet trở lại đúng với mục đích ban đầu - nơi giao lưu, chia sẻ tin tức.
Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TP HCM) nhận định: Mạng xã hội là ngôi nhà mở, nửa riêng tư - nửa công cộng, nên phải đảm bảo cả hai yếu tố: Quyền của cá nhân và trách nhiệm trước cộng đồng.
"Mạng là diễn đàn phản biện rất hiệu quả, chia sẻ nhiều thông tin thật. Nhưng, việc like hay share những nội dung thiếu căn cứ là hành động thiếu trách nhiệm".
Vị tiến sĩ 9X cho rằng, luật pháp phải quy định rõ ràng quyền và trách nhiệm của người truyền tin trên mạng xã hội: Ai làm sai chịu phạt, người nói đúng được khen, tránh tình trạng "luật rừng" mạnh ai nấy đấu tố, ai cũng là quan toà kết án một cách thiếu văn hoá.
Bàn về cách giải quyết, blogger Nguyễn Ngọc Long khẳng định, hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức cá nhân chứ không thể xử lý bằng luật vì rất khó.
"Giáo dục là giải pháp toàn vẹn nhưng không có giá trị trong ngắn hạn. Báo chí và chính bản thân bạn bè của những người chia sẻ câu chuyên thiếu ý thức này, và cả những người nổi tiếng, có ảnh hưởng nên tích cực phê phán để cộng đồng dần thay đổi, cư xử văn minh hơn trên môi trường mạng xã hội".
Việc bịa đặt một câu chuyện hoàn toàn sai lệch về người khác, vu oan cho người vô tội chỉ để phục vụ mục đích tăng lượng theo dõi là mánh câu like mới của nhiều người sử dụng Facebook.
Từ những câu chuyện tưởng như vô thưởng vô phạt, đến những sự việc khiến dư luận hoang mang, đều khiến cuộc sống người khác bị ảnh hưởng.
Mỗi người, trước khi đặt tay lên bàn phím để gõ một bình luận, nhấn một nút share, sáng tác một câu chuyện, hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng những điều mà mình sắp làm. Xin đừng để một phút nông nổi của bản thân làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác.