Mấy ngày nay, cộng đồng mạng Việt liên tục chia sẻ những hình ảnh kèm theo câu chuyện một cô gái khăng khăng đòi mua xe máy đắt tiền, dù đã được mẹ khuyên chỉ nên lấy chiếc khoảng 20 triệu đồng.
Ngay sau khi được đăng tải, dù chưa biết thực hư ra sao, rất nhiều người đã quay ra chỉ trích gay gắt cô gái. Điều này khiến những người trong cuộc phải lên tiếng, đính chính vụ việc đăng tải trên mạng trước đó là hoàn toàn sai sự thật.
Nhân vật chính trong câu chuyện là Phạm Nga, sinh năm 1992, quê Thường Tín, Hà Nội. Nga tỏ ra rất bức xúc khi hình ảnh của mình bị đưa lên các diễn đàn để dân mạng soi mói, chỉ trích vô cớ.
"Mẹ mình không hề nói câu nào giống như chia sẻ trên mạng. Nội dung lệch lạc đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự của mình và cả mẹ nữa.
Không ai có quyền bình phẩm về hai mẹ con, nhìn bề ngoài đâu nói được gì. Tự dưng bị lôi ra làm chủ đề bán tán và chỉ trích khiến mình thấy rất bất bình", 9X bày tỏ.
Sau Nga, anh Nguyễn Ngọc Lễ - thuộc bộ phận quản lý bán hàng tại đại lý xe máy ở Thường Tín (Hà Nội), người trực tiếp bán xe cho cô gái - cũng xác nhận với Zing.vn sự việc gây chú ý thời gian gần đây là bịa đặt.
"Câu chuyện tôi thấy trên mạng không chính xác. Thực tế, hôm đó, tôi là người trực tiếp bán hàng cho hai mẹ con cô gái và không nghe thấy như những gì trong bài đăng thu hút sự quan tâm.
Tôi đã tiếp cô gái này hai lần vào tuần trước, bạn ấy cũng chủ định lấy chiếc xe đó rồi. Tôi nghĩ, việc họ mua xe, thống nhất từ gia đình mà nhiều người lại lên tiếng soi mói là không hay", anh Ngọc Lễ nói.
Câu chuyện cô gái đòi mẹ mua xe máy đắt tiền được biến tấu trên mạng gây ảnh hưởng cho người trong cuộc. |
Trước đó, những sự việc tương tự cũng từng xảy ra. Điển hình, đầu tháng 6 vừa qua, hình ảnh hai mẹ con bà Lương Thị The (72 tuổi) và con gái Trần Thị Kim Nên (42 tuổi) sống tại quận Thủ Đức, TP HCM đang ăn bún riêu bị đưa lên mạng kèm theo chia sẻ hoàn toàn sai lệch. Người đăng cho biết, chị Nên đã quát mắng, không cho mẹ ăn bún.
Sự việc gây ảnh hưởng không nhỏ đến người trong cuộc khiến họ “khóc dở, mếu dở”, phải lên tiếng thanh mình vì “nỗi oan” tự nhiên rơi xuống đầu. Sau đó, người đăng tải sự việc đã khóa tài khoản cá nhân và biến mất không có một lời xin lỗi nào.
Cuối tháng 6, vụ án "Má mì 9X điều khiển đường dây mại dâm nghìn đô" gây chú ý trong dư luận. Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã tạm giữ Nguyễn Thị Hảo (22 tuổi, trú huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) về hành vi Môi giới mại dâm.
Ngay sau đó, nhiều diễn đàn mạng, tài khoản Facebook đăng tải hình ảnh một cô gái có cùng tên, cùng năm sinh và khẳng định đây chính là má mì 9X. Họ còn sử dụng những lời lẽ giễu cợt, thiếu lịch sự và lên án gay gắt Nguyễn Thị Hảo - cô gái tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
Chỉ đến khi người trong cuộc bức xúc lên tiếng và đòi kiện, các tài khoản đó mới ngưng chia sẻ câu chuyện bịa đặt và đăng tin đính chính qua loa.
Liên quan đến những trường hợp như trên, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.
Nêu quan điểm về sự việc, luật sư Giang Văn Quyết cho hay: “Việc chia sẻ lên mạng câu chuyện kèm theo hình ảnh của người khác nhưng lại không đúng sự thật (như vụ cô gái đòi mẹ mua xe máy đắt tiền) có dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác.
Nạn nhân trong cuộc hoàn toàn có quyền khởi kiện để yêu cầu người đăng thông tin sai xin lỗi, bồi thường danh dự, nhân phẩm. Thậm chí, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể đề nghị Cơ quan CSĐT xem xét dấu hiệu của của Tội làm nhục người khác”.
Luật sư Giang Quyết chia sẻ thêm, ở trường hợp cô gái mua xe máy, Phạm Nga có thể kiện người bịa đặt câu chuyện, sau khi chứng minh được mình là người trong ảnh. Về nguồn tin đăng tải trên mạng, nếu không có bằng chứng ghi âm mà vẫn lan truyền thì phải bồi thường, xin lỗi công khai đối với nạn nhân.
Theo vị luật sư này, hiện nay, việc đưa thông tin của người khác lên mạng nhưng không qua kiểm chứng thường sẽ tạo ra tâm lý chia sẻ một cách tùy tiện. Điều này dễ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Vì vậy, mọi người nên cân nhắc kĩ càng trước khi chia sẻ thông tin rộng rãi, đặc biệt là chuyện liên quan tới người khác.
Câu chuyện gốc ban đầu được tài khoản N.T.M đăng trên trang cá nhân. |
Liên quan đến vụ việc, anh N.T.M - người đã chụp những bức ảnh gây chú ý - cho biết, thông tin đăng trên các diễn đàn không giống với bản gốc anh đã đăng tải.
Người này giải thích, những gì mình nói bị biến tấu, khiến sự việc bị đẩy đi quá xa. Anh ban đầu chỉ thấy cảm động vì tình cảm của người mẹ dành cho con gái nên chụp lại chia sẻ với mọi người.
“Mình muốn gửi lời xin lỗi đến mẹ con bạn gái trong câu chuyện. Thông tin mình đăng tải không có ý xúc phạm hay bêu rếu họ, nhưng dù sao sự việc cũng bắt đầu từ những bức ảnh mình chụp và đưa lên mạng xã hội”, N.T.M bày tỏ.
Luật sư Giang Văn Quyết cho hay, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về việc bôi nhọ, làm nhục, gây ảnh hưởng tới người khác.
Theo Ðiều 604 Bộ luật Dân sự:
“Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Hay Điều 121 luật hình sự năm 1999 Sửa đổi bổ sung 2009 quy định tội làm nhục người khác:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.