Tòa án quân sự Quân khu 7 đang xét xử sơ thẩm Đinh Ngọc Hệ (biệt danh Út "trọc", cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) và 4 người khác liên quan đến những sai phạm xảy ra thuộc doanh nghiệp này.
Trần Văn Lâm (cựu Tổng giám đốc công ty Thái Sơn Bộ Q.P), Bùi Văn Tiệp (cựu Sư đoàn trưởng 367 Quân chủng Phòng không - Không quân) và Trần Xuân Sơn (cựu Giám đốc chi nhánh công ty Thái Sơn tại Bình Dương) bị truy tố đồng phạm với Đinh Ngọc Hệ về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Riêng ông Phùng Danh Thắm (cựu đại tá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) hầu tòa do cáo buộc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: P.A. |
Thế chấp xe công, "phù phép" xăng kém chất lượng
Theo cáo trạng, năm 2009, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn được thành lập dưới danh nghĩa pháp nhân thuộc Tổng công ty Thái Sơn. Hai năm sau, doanh nghiệp mới này đổi thành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P (Công ty Thái Sơn) do Hệ làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Mang danh công ty con của Tổng công ty Thái Sơn nhưng thực chất, vốn của Công ty Thái Sơn là do tư nhân. Các hoạt động đều do Út “trọc” điều hành.
VKS cáo buộc từ 2011-2016, sau khi Đinh Ngọc Hệ được mua và đăng ký hàng chục xe biển số quân sự, biển xanh 80A, Trần Văn Lâm đã cùng Hệ ký hợp đồng thế chấp, bảo lãnh vay tiền với hàng loạt ngân hàng, chi nhánh nhà băng ở Hà Nội và một số tỉnh.
Cáo trạng nêu, có 29 trên tổng số 38 xe mang biển số ngành đã được Hệ và Lâm thế chấp; 5 ôtô cho thuê và nhiều xe khác cho người ngoài mượn sử dụng trái quy định. Phi vụ thu về số tiền hơn 6 tỷ đồng. Hành vi trên của các bị cáo còn gây thất thoát hơn 3 tỷ tiền thuế trước bạ.
Trần Xuân Sơn được lực lượng chức năng áp giải đến phòng xử. Ảnh: Bá Chiêm. |
Cuối 2012, Đinh Ngọc Hệ thành lập Chi nhánh công ty Thái Sơn Bộ Q.P tại Bình Dương. Trần Xuân Sơn được bổ nhiệm Giám đốc chi nhánh này. Thực chất của việc lập chi nhánh, là để xin cấp phép kinh doanh xăng dầu. Cửa hàng xăng dầu Thái Sơn ra đời ngay sau khi được cơ quan chức năng Bình Dương cho phép.
Giữa 2014, Đội kiểm tra liên ngành tỉnh này thông báo, hơn 20.000 lít xăng tại cây xăng Thái Sơn không đạt tiêu chuẩn, kém chất lượng. Cột bơm lập tức bị niêm phong.
Sau khi nghe Sơn thông báo và thực hiện chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm đã làm công văn mạo nhận việc bán xăng tại đây để phục vụ kinh tế quốc phòng. Văn bản sau đó được gửi đến ông Lê Thanh Cung (lúc đó là Chủ tịch tỉnh Bình Dương) để nhờ “can thiệp”.
Hai cựu đại tá quân đội vướng lao lý
Cơ quan công tố cáo buộc, để hợp thức số xăng kém chất lượng tại Bình Dương, Hệ liên lạc với cựu đại tá Bùi Văn Tiệp để nhờ giúp đỡ.
Sau khi nhận chỉ đạo của Út “trọc”, Trần Văn Lâm lập hợp đồng gửi xăng rồi mang đến cho cựu Sư đoàn trưởng 367. VKS quy kết ông Tiệp đã ký hợp đồng gửi xăng giả kèm giấy mạo nhận nhân lực và số xăng trên là của Sư đoàn gửi, không phải xăng kinh doanh nhằm trốn tránh xử phạt.
Căn cứ giấy tờ do Lâm, Sơn cung cấp và bút phê của ông Lê Thanh Cung, Đoàn kiểm tra liên ngành đã “bỏ qua” việc xử phạt.
Theo cáo trạng, cựu đại tá Bùi Văn Tiệp có mối quan hệ với Út “trọc” từ trước. Do đó, khi được Hệ nhờ, ông Tiệp đã ký và đóng dấu Sư đoàn vào hợp đồng gửi xăng giả, mạo nhận hơn 20.000 lít xăng kém chất lượng là của đơn vị này.
Hành vi của nhóm bị cáo “phù phép” xăng không đạt chuẩn gây thất thoát gần 1,5 tỷ đồng ngân sách.
Bị cáo Bùi Văn Tiệp. Ảnh: P.A. |
Đối với cựu đại tá Phùng Danh Thắm, ông này bị cáo buộc đã ký văn bản đề nghị Cục Quân lực, lãnh đạo Bộ Công an cho phép Công ty Thái Sơn mua xe bằng vốn tự có, trang bị và đăng ký biển công vụ cho hàng loạt ôtô này.
Từ 2009-2016, dù Đinh Ngọc Hệ và Công ty Thái Sơn không đóng góp gì cho Tổng công ty nhưng ông Thắm vẫn đồng ý đề nghị bổ nhiệm Hệ giữ chức Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn.
Quá trình Hệ và thuộc cấp hợp thức số xe công vụ để thế chấp, cho thuê hưởng lợi, ông Phùng Danh Thắm đã thiếu kiểm tra, giám sát nên không phát hiện được sai phạm tại Công ty Thái Sơn.
Ông Thắm còn bị cáo buộc để Đinh Ngọc Hệ lợi dụng doanh nghiệp quân đội cấu kết các đồng phạm làm giả giấy tờ liên quan số xăng dầu kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến uy tín quân đội. Những hậu quả do ông Thắm thiếu trách nhiệm gây ra được đánh giá là nghiêm trọng.
Tại phiên tòa ngày 30/7, nhóm đồng phạm khai đã làm theo chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ trong vụ việc liên quan đến thế chấp, cho thuê hàng chục xe công vụ và "phù phép" để hợp thức hóa lượng xăng kém chất lượng.
Tuy nhiên, Út "trọc" khẳng định những lời khai đó là: "Không có căn cứ và hoàn toàn vu khống".
Nói về việc giúp đỡ Đinh Ngọc Hệ, bị cáo Bùi Văn Tiệp trần tình ông đặt bút ký vào các giấy tờ là do Út "trọc" và thuộc cấp gọi điện, trình bày các lý do. Ngoài ra, công ty của Đinh Ngọc Hệ và Sư đoàn 367 có quen biết, từng giao lưu.