Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao bệnh đậu mùa khỉ khó trở thành đại dịch như Covid-19?

WHO cho rằng đậu mùa khỉ đang bùng phát ở nhiều nước nhưng khó trở thành đại dịch lây lan mạnh như Covid-19.

Hơn 300 ca mắc và nghi mắc đậu mùa khỉ đã được xác định trên toàn cầu. Căn bệnh hiếm gặp thường được cho là nhẹ, chỉ lây lan qua tiếp xúc gần giờ đây trở thành mối lo với giới chức y tế thế giới, đặc biệt là châu Âu. Tuy nhiên, WHO đánh giá nguy cơ của làn sóng đậu mùa khỉ là vừa phải và khó trở thành đại dịch như Covid-19.

Không có khả năng thành đại dịch

Theo Reuters, trong cuộc họp báo ngày 30/5, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng không có khả năng bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở các nước bên ngoài châu Phi trở thành đại dịch. Tuy nhiên, tổ chức này chưa rõ liệu những người không triệu chứng có thể lây truyền virus sang cho người khác hay không.

WHO đang xem xét liệu đợt bùng phát hiện tại có nên được đánh giá là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tiềm ẩn được quốc tế quan tâm” (PHEIC) hay không. Mức đánh giá này từng được xếp loại cho Covid-19, Ebola và sẽ giúp đẩy nhanh nghiên cứu, tài trợ nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Khi được hỏi liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này có thể trở thành đại dịch hay không, bà Rosamund Lewis, Trưởng nhóm kỹ thuật về bệnh đậu mùa khỉ từ Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO, chia sẻ: “Chúng tôi không biết nhưng chúng tôi không nghĩ vậy. Hiện tại, chúng tôi không lo lắng về đại dịch toàn cầu có thể xảy ra. Vẫn chưa rõ liệu bệnh có lây lan ở người không có triệu chứng hay không. Các dấu hiệu trước đó cho thấy đây không phải đặc điểm chính của virus nhưng vẫn cần làm rõ thêm”.

Chủng virus gây đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay có thể gây tử vong với tỷ lệ nhỏ. Song, chưa có ca tử vong nào trong đợt bùng phát này được báo cáo. Hầu hết ca bệnh xuất hiện ở châu Âu mà không phải Trung, Tây Phi - nơi đậu mùa khỉ trở thành bệnh đặc hữu.

Do vậy, các nhà khoa học đang xem xét điều gì có thể giải thích cho sự gia tăng bất thường này. Trong khi đó, các cơ quan y tế công cộng nghi ngờ có sự lây truyền từ cộng đồng ở một mức độ nào đó. Một số quốc gia đã bắt đầu tiêm vaccine cho những ca tiếp xúc gần người bệnh.

Benh dau mua khi anh 1

Hình ảnh kính hiển vi điện tử thu được từ một mẫu da người liên quan đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ vào năm 2003 tại Mỹ. Ảnh: CDC.

Cơ hội ngăn chặn đợt bùng phát

Virus gây đậu mùa khỉ là loại virus DNA. Các chuyên gia y tế vẫn chưa biết nhiều về cấu tạo gene của nó, nhưng những dữ liệu hiện tại cho thấy nó không truyền hoặc đột biến dễ dàng như nCoV.

Dù vậy, tiến sĩ Rosamund Lewis lưu ý số ca mắc đang gia tăng cảnh báo nguyên nhân đáng ngờ đằng sau. Nó có thể tận dụng “ngách” hẹp nào đó và lây truyền dễ dàng hơn giữa người với người.

Tiến sĩ Lewis lưu ý thêm những nam giới đồng tính, lưỡng tính cần đặc biệt chú ý tới loại virus này. Đến nay, các chùm ổ dịch ở nhiều nước đa số đều là nhóm cộng đồng này, dù đây không phải bệnh lây truyền qua đường tình dục.

“Nhìn chung, thế giới có cơ hội để ngăn chặn sự bùng phát này”, tiến sĩ Lewis khẳng định.

Cùng với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ và Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh, WHO đã đưa ra một số cách để người dân tự bảo vệ mình trước virus đậu mùa khỉ như vệ sinh cá nhân, quan hệ tình dục an toàn.

Khi được xác định là ca nghi ngờ, người dân nên cách ly cho đến khi tổn thương đóng vảy, bong vảy và tiếp tục theo dõi. WHO cho biết những người tiếp xúc bệnh nhân cần được theo dõi quá trình khởi phát triệu chứng trong 21 ngày, không được hiến máu, hiến tế bào, mô, cơ quan, sữa mẹ hoặc tinh dịch.

“Bất kỳ trường hợp nào cũng có thể quản lý được thông qua theo dõi và cách ly tiếp xúc”, tiến sĩ Lewis cho hay.

Benh dau mua khi anh 2

Nhiều nước đã dự trữ vaccine và thuốc chữa đậu mùa khỉ để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Ảnh: Reuters.

Theo báo cáo của WHO, tính đến ngày 29/5, tổ chức này đã nhận được báo cáo của 257 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và khoảng 120 trường hợp nghi ngờ tại 23 quốc gia ngoài châu Phi. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ghi nhận 12 ca mắc ở 8 tiểu bang.

Ở 5 quốc gia châu Phi - nơi bệnh đậu mùa khỉ thường được phát hiện - WHO cho biết họ đã nhận được báo cáo về 1.365 ca mắc, 69 trường hợp tử vong. Những ca bệnh này được báo cáo trong nhiều giai đoạn khác nhau từ giữa tháng 12/2021 đến cuối tháng 5.

Không ca nào tử vong ở những quốc gia bệnh đậu mùa khỉ không phải đặc hữu. Cơ quan này nhận định mức độ rủi ro sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu là vừa phải. “Bởi đây là lần đầu tiên các trường hợp và cụm dịch được báo cáo đồng thời ở các khu vực địa lý rộng rãi khác nhau, không có mối liên hệ dịch tễ học với những nước Tây hoặc Trung Phi”, WHO giải thích.

Những thực phẩm có thể làm giảm tuổi thọ

Các nghiên cứu chỉ ra một số loại thực phẩm có thể tổn hại cho sức khỏe bằng cách gây rối loạn tế bào telomere, gián tiếp làm giảm tuổi thọ.

Mất trí nhớ sau khi làm ‘chuyện ấy’

Một người đàn ông 66 tuổi ở Ireland đã phải nhập viện vì mất trí nhớ ngắn hạn sau khi quan hệ tình dục.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm