Sáng 11/1, bác sĩ Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết xét nghiệm lần 9 của bệnh nhân 1440 vẫn có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là trường hợp từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở vào Việt Nam sáng 24/12.
Đáng chú ý, từ khi nhập viện điều trị đến nay, bệnh nhân này có sức khỏe ổn định, không có biểu hiện sốt, ho, khó thở, đau họng...
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết: "Việc nhiều lần cho kết quả dương tính là do hoạt lực của virus cũng như khả năng miễn dịch của mỗi người. Với bệnh nhân này, chúng ta phải theo dõi đến khi có xét nghiệm âm tính, không cần sử dụng phác đồ điều trị đặc biệt".
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), nhận định việc một bệnh nhân xét nghiệm dương tính nhiều lần dù không có triệu chứng bệnh là khá phức tạp và cần chuyên môn sâu để giải thích cụ thể. Đối với bệnh nhân này, thời gian dương tính kéo dài hơn có thể do tải lượng virus cao.
Vì vậy, việc điều trị bệnh nhân này cần tuân thủ theo phác đồ của Bộ Y tế và phải theo dõi sát bệnh nhân đến khi cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Cán bộ y tế phải theo dõi bệnh nhân đến khi có xét nghiệm âm tính theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Ảnh: Chí Hùng. |
Chuyên gia này cho biết thêm một số nghiên cứu ghi nhận tại thời điểm xét nghiệm có người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không xuất hiện triệu chứng bệnh. Tiếp tục theo dõi trường hợp này, các nhà khoa học nhận thấy những bệnh nhân thuộc vào một trong hai nhóm sau:
- Nhiễm virus nhưng không bao giờ xuất hiện các triệu chứng, nghĩa là người bị nhiễm nhưng không phát bệnh.
- Nhiễm virus tiền triệu chứng, nghĩa là vào thời điểm xét nghiệm chưa có triệu chứng nhưng sau đó các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện. Nói cách khác, đây là những người nhiễm virus đang trong giai đoạn ủ bệnh.
Hiện tại, cơ chế của người nhiễm virus không phát bệnh vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng. Dù vậy, các nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh người nhiễm virus tiền triệu chứng hay không có triệu chứng vẫn có khả năng lây truyền bệnh.
Khả năng phát tán virus tại thời điểm khởi phát bệnh được cho là mạnh nhất và sẽ giảm dần trong vài ngày đến vài tuần sau đó. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền SARS-CoV-2 trong cộng đồng ở người nhiễm virus không triệu chứng, tiền triệu chứng so với người nhiễm virus có triệu chứng cũng chưa được làm rõ.