Sau khi đại diện VKSND Hà Nội đề nghị mức án, chiều 28/10, các bị cáo liên quan vụ án xảy ra tại BIDV, Công ty Trung Dũng và Công ty Bình Hà đã tự bào chữa.
Là người duy nhất trong số 12 bị cáo phản bác cáo trạng, ông Đinh Văn Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà) bị đề nghị mức án 12-13 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, Công ty Bình Hà (công ty sân sau của ông Trần Bắc Hà) được BIDV chi nhánh Hà Tĩnh cho vay vốn để thực hiện dự án chăn nuôi bò. Hai bên cam kết tiền bán bò phải chuyển vào tài khoản của ngân hàng để đối trừ công nợ. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà, đang bị truy nã), ông Dũng cùng đồng phạm đã chuyển tiền vào công ty môi giới, qua đó chiếm đoạt gần 150 tỷ của BIDV.
Trình bày trước tòa, ông Dũng cho rằng bản thân không chỉ đạo cấp dưới bán bò thịt để chiếm đoạt tiền của BIDV. Bị cáo khai trong hợp đồng ký với các đơn vị môi giới, ông Dũng chỉ ký thỏa thuận, không chỉ đạo việc chuyển tiền lòng vòng qua trung gian.
"Đây là dự án bị cáo rất tâm huyết, bị cáo không chỉ đạo chiếm đoạt gây thiệt hại cho BIDV như VKS truy tố", ông Dũng nói và kiến nghị cơ quan tố tụng rút nội dung truy tố.
Bị cáo Đinh Văn Dũng bị đề nghị 12-13 năm tù. Ảnh: Hoàng Lam. |
Cùng tự bào chữa sau đó, Trần Anh Quang (người kế nhiệm chức Tổng giám đốc Công ty Bình Hà của ông Đinh Văn Dũng) nói rằng đã nhận thức được hành vi phạm tội. Bị cáo Quang thừa nhận cáo buộc nhưng cho rằng bản thân làm những việc này theo chỉ đạo.
"Ban đầu, bị cáo nghĩ số tiền gần 150 tỷ là khoản vay mượn, không phải chiếm đoạt. Sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo thấy đây là sai phạm", Trần Anh Quang khai.
Về cáo buộc cùng Đinh Văn Dũng chiếm đoạt tiền của nhà băng và phải nhận mức đề nghị 13-14 năm tù, ông Quang khai rằng là tổng giám đốc nhưng thực tế ông chỉ là lái xe. Bị cáo làm mọi việc theo chỉ đạo của Trần Duy Tùng.
Còn Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng - một công ty sân sau khác của ông Trần Bắc Hà) cũng đồng tình với nội dung cáo trạng. Tuy nhiên, bị cáo mong HĐXX xem xét động cơ trong việc vay vốn.
"Quá trình làm ăn với đối tác khác, bị cáo nợ tiền nên phải trả. Bị cáo không cấu kết với người khác để chiếm đoạt tiền của BIDV", Đoàn Hồng Dũng trình bày.
Bị cáo này lập luận do thị trường kinh doanh thép khó khăn, hàng hóa bán ra không đủ thu hồi vốn nên Công ty Trung Dũng không đủ trả nợ cho ngân hàng. "Để đến hôm nay ra trước tòa, do kinh doanh thua lỗ mà mình phải chịu trách nhiệm, bị cáo thấy rất trăn trở và đầy ăn năn", ông Dũng giãi bày.
Trong vụ án này, Đoàn Hồng Dũng là bị cáo bị VKS đề nghị mức án cao nhất (18-19 năm tù) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
12 bị cáo trong vụ án. Ảnh: N.H. |
Bổ sung phần tự bào chữa của chồng, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (Giám đốc Công ty Hà Nam, vợ Đoàn Hồng Dũng) mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường dân sự. "Gia đình bị cáo không còn tài sản nào nữa, tuổi không còn trẻ, nhiều bệnh tật", bà Sơn khóc trước bục khai báo.
Còn 2 cựu Phó tổng giám đốc BIDV là Trần Lục Lang và Đoàn Ánh Sáng đều thừa nhận hành vi. Các bị cáo kiến nghị tòa xem xét đến những thành tích trong quá trình công tác để làm tình tiết giảm nhẹ.
Ông Đoàn Ánh Sáng cho rằng bản thân có sai phạm, nhưng nguyên nhân phạm tội do thực hiện theo quy trình chung, trong đó có sức ép "buộc phải ký" từ cấp trên.
Còn bị cáo Trần Lục Lang mong muốn cấp sơ thẩm xem xét việc ông ta có nhiều cống hiến cho ngân hàng, đóng góp rất lớn cho mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào để làm căn cứ khi lượng hình.
Ngày mai (29/10), phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
Theo cáo buộc, giai đoạn 2008-2016, ông Trần Bắc Hà lợi dụng chức vụ Chủ tịch BIDV và danh nghĩa ngân hàng để cho 2 công ty sân sau vay vốn dù các doanh nghiệp này không đủ điều kiện cấp tín dụng.
Cơ quan tố tụng xác định ông Hà đã chỉ đạo cấp dưới cho Công ty Bình Hà vay hơn 3.100 tỷ đồng. Tổng dư nợ của công ty này tại BIDV không có khả năng thu hồi là gần 800 tỷ.
Đối với Công ty Trung Dũng, theo quy định, tiền bán bò thu được phải chuyển về tài khoản tại BIDV chi nhánh Hà Tĩnh để đối trừ công nợ. Tuy nhiên, Trần Duy Tùng (con trai ông Hà, đang bỏ trốn) và các bị can đã chiếm đoạt gần 150 tỷ của nhà băng. Tại thời điểm cơ quan tố tụng truy tố 12 bị can, các công ty Bình Hà và Trung Dũng đã dừng hoạt động do thua lỗ.