Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Bộ GD&ĐT không công bố dữ liệu điểm thi?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết, kể từ năm 1981 ông làm Thứ trưởng GD&ĐT, chưa khi nào điểm thi lại không được công bố như năm nay.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT cho rằng, việc Bộ GD&ĐT chỉ cho thí sinh biết điểm của mình, giấu điểm thi của những người khác, là không minh bạch. 

Kỳ thi quan trọng cấp quốc gia phải được công khai trên toàn quốc, từ đó thấy được phổ điểm, tỷ lệ điểm giữa các môn để rút kinh nghiệm trong đổi mới dạy và học. 

'Sập mạng tra cứu điểm thi là điều dễ hiểu'

Chiều 22/7, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã chuẩn bị rất kỹ về mặt kỹ thuật, nhưng thí sinh truy cập tra điểm thi quá nhiều, dẫn đến sự cố là điều dễ hiểu.

Ông Nhĩ dẫn ví dụ trong kỳ thi tuyển sinh năm 2011, nhờ có dữ liệu điểm thi, mọi người mới biết hàng nghìn thí sinh bị điểm 0 môn Lịch sử, từ đó xem xét thay đổi cách dạy và học môn này.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: Quyên Quyên.

Trước đó, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, mỗi thí sinh được cấp một mã số báo danh, mật khẩu để biết thông tin của mình. Nếu dữ điểm thi được công khai có thể ảnh hưởng tới cá nhân thí sinh. Những em điểm cao rất phấn khởi, nhưng người điểm thấp sẽ có mặc cảm nhất định.

Còn ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT, nói, tất cả thí sinh đều biết kết quả của mình là công khai. Chúng ta đang đổi mới giáo dục, tính riêng tư của thí sinh là điều quan trọng.

Ông Trần Xuân Nhĩ phản biện rằng, trong một cuộc thi, chuyện thí sinh điểm thấp, cao rất bình thường. Thậm chí, các em có thể biết được điểm của nhau để có quyết tâm phấn đấu.

“Không thể lấy lý do vì tôn trọng quyền riêng tư cho cá nhân học sinh mà không công khai điểm trong một kỳ thi mang tính chất quốc gia, cả xã hội quan tâm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội và nền giáo dục đương thời”, PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Ông Nhĩ cũng cho biết, kể từ năm 1981 ông làm Thứ trưởng GD&ĐT, chưa khi nào điểm thi lại được giấu như năm nay. Tất cả các năm, kỳ thi đều được công khai cho thí sinh và nhân dân.

“Có thể đây là một trong những việc đổi mới giáo dục của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên đổi mới này xuất phát từ suy nghĩ gì, có tác dụng như thế nào thì tôi vẫn chưa hiểu” – PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

Chia sẻ vấn đề này, PGS Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng trường Lương Thế Vinh, Hà Nội) băn khoăn: Bộ GD&ĐT không công khai điểm, chỉ có thí sinh mới có mã số, mật khẩu để xem điểm của mình. Vậy thời gian sau, khi Bộ GD&ĐT đánh giá kỳ thi bao nhiêu phần trăm đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh đỗ cao đẳng, đại học, liệu có minh bạch và đủ tin tưởng không?

Sự cố được báo trước

Nhiều cụm thi đã đề xuất phương án hỗ trợ kỹ thuật từ rất sớm. Nhiều báo điện tử đã gửi công văn đề nghị Bộ GD&ĐT cung cấp dữ liệu điểm thi để đăng tải, giúp thí sinh tra cứu miễn phí, an toàn. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT không đồng ý. 

Kỳ thi THPT quốc gia lần đầu được tổ chức, có lẽ 4 ngày thi không khiến dư luận “sôi sùng sục” như ngày tra điểm thi. 

Bộ GD&ĐT công bố 14h30 ngày 22/7, điểm thi sẽ được đưa lên mạng của Bộ và một số trường đại học. Ngay sau thời điểm trên, trang web tra điểm bị tắc nghẽn. Trong cả chiều 22/7, rất nhiều thí sinh "đánh vật" với việc tra cứu điểm thi.

Sau khi sự cố xảy ra, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải, "điều này là dễ hiểu". Ông Ga cho rằng, việc thí sinh khắp nơi háo hức cùng tra cứu điểm thi lúc bắt đầu công bố dẫn đến hệ thống quá tải, không thể truy cập được. 

Nguyên nhân được lãnh đạo Bộ GD&ĐT đưa ra là máy chủ của trang tra cứu điểm thi của Bộ chỉ có thể truy cập cùng lúc 60.000 lượt. Vượt quá số lượng này, mạng sẽ bị nghẽn và Bộ cũng không thể đoán trước số lượng truy cập cùng lúc là bao nhiêu. 

Trước đó, ngày 20/7, ông Mai Văn Trinh cũng nói, không dám chắc trang web tra điểm thi sẽ thông suốt 24/24 giờ.

Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh không thể truy cập các trang tra điểm thi.

Như vậy, cũng liên quan việc không công khai dữ liệu điểm thi như mọi năm, sự cố nghẽn mạng tra điểm đã được báo trước. Có lẽ, cũng chính vì báo trước được sự cố này mà sau đó, Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp chia nhỏ gói dữ liệu khổng lồ của khoảng 1 triệu thí sinh cho 8 trường đại học. 

Tuy nhiên, do không được thông báo trước, chưa có sự chuẩn bị kỹ, các trường không kịp chuẩn bị kỹ thuật để đảm bảo mạng thông suốt. Theo một vị hiệu trưởng, cụm thi của ông nhận được dữ liệu lúc 13h45 (trước giờ công bố điểm thi 45 phút).

Thí sinh mất tiền oan

Việc không công khai dữ liệu điểm thi như mọi năm dẫn đến thí sinh gặp khó khăn trong việc tra cứu điểm thi. Nhiều em đã mất tiền oan khi nóng lòng muốn biết điểm, gửi tin nhắn cho nhà mạng. 

Đánh vào tâm lý của học sinh, phụ huynh, nhiều trang mạng đưa thông tin tra cứu điểm thi bằng nhắn tin đến tổng đài và tài khoản di động sẽ bị trừ một số tiền nhất định. Tiêu biểu là đầu số 8702.

Trước thực trạng đó, Bộ GD&ĐT phải ra công văn cảnh báo thí sinh về cảnh báo trang web tra cứu điểm thi giả.

Bộ GD&ĐT không chắc trang web tra điểm thi thông suốt

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, ông không dám chắc trang web tra điểm thi sẽ thông suốt 24/24 giờ.

Quyên Quyên - Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm