Con nhà giàu (tên gốc: Hana Yori Dango) bắt đầu khi cô nữ sinh nghèo rớt mồng tơi Makino Tsukushi đặt chân tới Học viện Eitoku - ngôi trường dành cho con cái giới siêu giàu. “Thống trị” đám học sinh trong trường là Flower 4 (hay F4). F4 gồm con trai của bốn gia đình quyền lực: Doumyoji Tsukasa, Hanazawa Rui, Nishikado Sojiro và Mimasaka Akira.
Hana Yori Dango là bộ truyện lập kỷ lục được chuyển thể ba lần chỉ trong 8 năm. |
Nhập học chưa được bao lâu, Tsukushi đã trở thành nạn nhân của F4 và trò bắt nạt “dán thẻ đỏ” của họ. Nhưng Tsukushi không phải dạng vừa. Cô gái "kiên cường như cỏ dại" quyết đấu lại những trò tai quái của đám quý tử nhà giàu.
Ý chí của Tsukushi khiến Rui - người cô thầm thích, cũng là một mảnh của F4 - trở nên cảm động. Nhưng rắc rối ở chỗ không chỉ Rui, mà cả Tsukasa - kẻ cầm đầu nhóm F4, kiêu ngạo hống hách, coi trời bằng vung - cũng "đổ nghiêng đổ ngửa" cô nàng.
"Best seller" của thể loại truyện tranh thiếu nữ (shoujo)
Được tác giả Yoko Kamio sáng tác ròng rã trong 11 năm (1992-2003), Con nhà giàu khép lại với 37 tập truyện. Theo thống kê của Mainichi Shimbum Digital, từ 2015, đây là bộ truyện tranh thiếu nữ có doanh thu cao nhất mọi thời đại với 61 triệu bản sách bán ra.
Tại Việt Nam, bộ truyện tranh Con nhà giàu từng được dịch và phát hành không bản quyền dưới nhiều tên gọi khác nhau. Năm 2013, tác phẩm lần đầu được mua bản quyền xuất bản bởi TVM Comics. Sang 2019, truyện tiếp tục được xuất bản bởi NXB Kim Đồng. Phiên bản hoạt hình dài 51 tập của nguyên tác cũng từng được mua bản quyền phát sóng trên HTV3.
Chuyện tình "gà bông" của Tsukushi và Tsukasa khiến bộ truyện đầy ắp tiếng cười. |
Con nhà giàu cuốn hút độc giả bởi nội dung hài hước, tươi sáng, nhưng cũng vô cùng cảm động. Tuy nhân vật chính của truyện là một cô gái nhà nghèo sống giữa môi trường toàn con cái đại gia, nhưng tác phẩm không tập trung khai thác cách biệt xã hội.
Thay vào đó, Con nhà giàu xây dựng hệ thống nhân vật với những nét tính cách độc đáo, mỗi người một vẻ, cũng như mô tả làm thế nào mà với những nét tính cách rất khác biệt ấy, họ có thể gắn bó, và thậm chí, dành tình cảm cho nhau.
Bộ ba nhân vật chính, cũng là tam giác tình yêu của bộ truyện, là Tsukushi, Rui và Tsukasa. Nếu Tsukushi và Rui ghi điểm với độc giả nhờ sự chín chắn và kiên cường, thì chàng thiếu gia Tsukasa lại tỏ ra khó quên vì mái tóc xoăn mì tôm đã thành thương hiệu, và cái đầu “chậm tiêu” trái ngược hẳn với độ linh hoạt của chân tay.
Chính vì thiếu tinh tế mà biết bao chuyện bi hài đã xảy ra khi Tsukasa tìm cách bày tỏ tình cảm với Tsukushi. Kết quả, cả cô gái, và dàn “quân sư tình yêu” cho anh chàng, chỉ biết ngửa mặt than trời.
Nhưng cũng chính chàng trai ấy, khi cảm thấy tình yêu bị đe dọa, lại vô cùng kiên quyết tìm cách bảo vệ (dù biện pháp của chàng, hỡi ôi, cũng gây đau đầu lắm thay). Sự quyết liệt đầy nam tính pha chút ngờ nghệch trẻ con của Tsukasa càng khiến Con nhà giàu khó quên trong lòng độc giả.
Bộ manga có số lượng phim chuyển thể nhiều kỷ lục
Con nhà giàu cũng là bộ truyện tranh thiếu nữ hiếm hoi được chuyển thể đến 5 lần, bởi nhiều nền điện ảnh khác nhau.
Phiên bản chuyển thể điện ảnh đầu tiên được sản xuất năm 1995 tại Nhật Bản. Tuy nhiên nó không đáp ứng được những tiêu chí mà độc giả yêu thích bộ truyện đòi hỏi. Do đó, bộ phim nhanh chóng chìm vào quên lãng.
6 năm sau, phiên bản chuyển thể thứ hai của Con nhà giàu được sản xuất tại Đài Loan với tên gọi Vườn sao băng. Đây là lần đầu tiên bộ truyện được chuyển thể thành phiên bản truyền hình. Thành công và sức lan tỏa của Vườn sao băng đánh dấu cuộc đua chuyển thể Con nhà giàu chính thức bắt đầu.
Vườn sao băng (2001) là tác phẩm mở màn cho cuộc đua chuyển thể Con nhà giàu lên sóng truyền hình. |
Năm 2005, Nhật Bản ra mắt phiên bản chuyển thể truyền hình Con nhà giàu của họ, giữ nguyên nhan đề gốc Hana Yori Dango (tạm dịch: Đàn ông đẹp hơn hoa). Thành công của 9 tập phim tạo tiền đề cho phần thứ hai với tên gọi Hana Yori Dango Return lên sóng truyền hình năm 2007, và phim điện ảnh Hana Yori Dango: Final ra rạp năm 2008.
Ngay sau đó, năm 2009, Hàn Quốc ra mắt phiên bản chuyển thể Con nhà giàu với tên gọi Boys Over Flowers. Theo làn sóng Hallyu, bộ phim trở thành một hiện tượng toàn châu Á. Phim được lòng khán giả trẻ nhờ câu chuyện tình kiểu Lọ Lem, bối cảnh xa hoa cầu kỳ, cùng dàn diễn viên nịnh mắt.
Ngỡ tưởng cuộc đua chuyển thể Con nhà giàu đã tạm kết thúc, thì đến 2018, Trung Quốc ra mắt bộ phim Vườn sao băng. Tuy không được coi là chuyển thể, nhưng mô-típ bốn chàng nhà giàu và một cô gái nghèo, cùng cái tên đầy ẩn ý, lại dẫn khán giả đến kết luận ngược lại. Đáng tiếc thay, bộ phim nhanh chóng trượt dài trong quên lãng.
Tuy sở hữu dàn nhân vật trẻ trung ưa nhìn, nhưng phiên bản Trung Quốc bị cư dân mạng đánh giá là không khác gì tấu hài. |
Tại Nhật Bản, tuy phiên bản chuyển thể năm 2005 đã chính thức khép lại sau phim điện ảnh năm 2008, nhưng một dự án ngoại truyện đã được ra mắt hồi 2018 với tên gọi Hana Nochi Hare: HanaDan Next Season với sự tham gia của Matsumoto Jun - nam diễn viên đóng vai Tsukasa.
Bệ phóng tên tuổi cho những nghệ sĩ trẻ
Sau khi những bộ phim này kết thúc, dư âm của chúng còn đọng lại rất lâu trong lòng khán giả. Đây đều là những cái tên không thể bỏ qua khi nhắc đến các bộ phim truyền hình kinh điển ứng với ba giai đoạn đầu, giữa, và cuối thập niên 2000.
Những bộ phim chuyển thể từ Con nhà giàu chính là bệ phóng tên tuổi cho hàng loạt diễn viên từng vào vai cô nàng “cỏ dại” hay các chàng trai của nhóm F4.
Xuất thân là các ca sĩ lấn sân diễn xuất, nhưng sau vai Sam Thái của Vườn sao băng (2001), khán giả chỉ còn nhớ tới Từ Hy Viên trong vai trò nữ diễn viên. Từ đó tới nay, cô tham gia diễn xuất ở cả hai mảng điện ảnh - truyền hình, và trở thành gương mặt đại diện cho nhiều nhãn hàng lớn nhỏ.
Giống như trường hợp của Từ Hy Viên, sau khi tham gia bộ phim, khán giả nhớ đến F4 bằng hình ảnh Flower 4 trong phim nhiều hơn vai trò nhóm nhạc. Do đó, sau Vườn sao băng, khán giả còn được thấy các chàng trai F4 cùng xuất hiện trong một phim truyền hình thêm nhiều lần.
Các diễn viên tham gia Hana Yori Dango giờ vẫn là những cái tên đắt khách tại Nhật Bản. |
Bộ ba diễn viên chính trong bản Nhật - Matsumoto Jun (vai Tsukasa), Ouguri Shun (vai Rui) và Inoue Mao (Tsukushi) - từ đó đến nay vẫn là những diễn viên hạng A của xứ sở hoa anh đào. Tất nhiên, họ không chờ tới Hana Yori Dango để chứng minh thực lực. Nhưng chính bộ phim đã đưa tên tuổi của họ ra khắp toàn châu Á.
Hiện tại, Ouguri Shun và Inoue Mao vẫn diễn xuất trung bình 2 phim mỗi năm. Còn Matsumoto Jun, tuy vắng bóng trên màn ảnh, nhưng ban nhạc Arashi của anh có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài Nhật Bản.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến Boys Over Flowers. Thành công của bộ phim đã biến dàn diễn viên chính gồm Goo Hye Sun, Lee Min Ho, Kim Hyun Joong, Kim Bum và Kim Joon trở thành những cái tên được săn đón.
Sự yêu mến lớn tới độ hai nhóm nhạc SS501 của Kim Hyun Joong và T-Max của Kim Joon cũng được “hưởng ké” một phần danh tiếng, dù trước Boys Over Flowers, không nhiều khán giả châu Á biết đến tên tuổi của họ.
Boys Over Flowers cũng thành công và đưa tên tuổi Lee Min Ho lên danh sách sao hạng A. |
Với Goo Hye Sun, Geum Jan Di trở thành vai diễn nổi tiếng (và xuất sắc) nhất của cô, bởi diễn xuất của "nàng cỏ" trong những dự án sau đó đều bị đánh giá ở mức tệ. Tuy nhiên, người đẹp đã kịp phát triển bản thân ở các lĩnh vực nghệ thuật khác như hội họa hay văn chương.
Người hiện có sự nghiệp rực rỡ nhất Boys Over Flowers chính là Lee Min Ho. Từ chỗ là một diễn viên “chuyên trị” vai thứ phim truyền hình, anh thẳng tiến vào danh sách các sao hạng A xứ Hàn nhờ vai diễn chàng công tử ngạo ngược Goo Jun Pyo.
Tất nhiên, thành công mà Lee Min Ho có được là nhờ thực lực diễn xuất, cũng như liên tục làm mới hình ảnh qua các vai diễn. Nhưng không thể phủ nhận, điểm đột phá trong sự nghiệp của anh chính là phiên bản chuyển thể của Con nhà giàu.