Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VCCI vừa hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Dự thảo quy định 3 hình thức quấy rối gồm: Quấy rối mang tính thể chất, bằng lời nói và bằng ngôn ngữ cơ thể.
Trong đó, cách diễn giải hành vi quấy rối tình dục bằng ngôn ngữ cơ thể gồm nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, cử chỉ ngón tay mang tính gợi ý tình dục, phô bày tài liệu mang tính phô dâm, gửi ảnh hoặc đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục.. được nhiều người chú ý và bàn luận.
Trong bối cảnh phong trào #MeToo phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước, đặc biệt là châu Á, bộ quy tắc vừa được hoàn thiện tại Việt Nam được xem là cần thiết, kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức về quấy rối, tấn công tình dục, đặc biệt ở nơi công sở.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là bước đệm cơ bản trong quá trình hướng đến môi trường làm việc lành mạnh cho tất cả nhân công. Trên thực tế, việc thực thi các quy định này có thể gây nhiều tranh cãi.
Đặc biệt, đối với những quy định về quấy rối bằng lời nói và quấy rối phi ngôn ngữ, việc giải thích sao cho các cá nhân, tổ chức, công ty có thể hiểu đúng và áp dụng chuẩn không phải là chuyện dễ.
Quấy rối bằng lời nói và phi ngôn ngữ
Theo Ủy ban cơ hội việc làm bình đẳng của Mỹ (EEOC), quấy rối bằng lời nói bao gồm: Trò đùa xúc phạm mang hàm ý tình dục hoặc phân biệt giới, lặp đi lặp lại những đề nghị tình dục không được đáp lại, tán tỉnh quá mức mà không được chấp nhận, đe doạ gây bất lợi khi bị từ chối, những lời khen không được hoan nghênh có hàm ý về tình dục.
Ngày càng nhiều nước nâng khung hình phạt với dạng hành vi quấy rối này. Bồ Đào Nha, Bỉ, Peru là những nước đã hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói. Theo Korea Herald, Hàn Quốc cũng đang xem xét các sửa đổi pháp lý để phạt tù những kẻ quấy rối bằng lời nói, một phần của kế hoạch chống bạo lực tình dục được đề xuất nhằm hưởng ứng phong trào #MeToo.
Còn quấy rối tình dục phi ngôn ngữ được định nghĩa là hành vi quấy rối xảy ra thông qua giao tiếp phi ngôn ngữ, không liên quan đến lời nói hay tiếp xúc cơ thể. Nó có thể là cử chỉ, nháy mắt, động tác dâm dục hoặc khiêu gợi.
Không chỉ đụng chạm trực tiếp mà gửi tin nhắn, hình ảnh gợi dục hoặc nhận xét về trang phục, cơ thể một người nào đó khi có mặt hoặc nhắm tới họ cũng được xem là quấy rối tình dục. Ảnh minh họa: Caiaimage/Paul Bradbury. |
Năm 2019, hãng hàng không United Airlines (Mỹ) đã phải trả 321.000 USD để giải quyết vụ kiện về quấy rối tình dục phi ngôn ngữ. Cụ thể, một cựu phi công của hàng bị tố liên tục đăng tải hình ảnh riêng tư của một nữ tiếp viên hàng không lên mạng xã hội với bình luận tục tĩu.
Sau khi phát giác vụ việc, nữ tiếp viên nhiều lần báo cáo với United Airlines kèm nhiều bằng chứng, nhưng hãng bay này đã không có bất kỳ biện pháp xử lý nào. Đến năm 2018, EEOC kiện United Airlines vì thiếu các quy định về quấy rối tình dục và thúc đẩy một môi trường làm việc độc hại, gây ảnh hưởng đối với nhân viên.
United Airlines cho biết trong một tuyên bố: “Hành động của phi công là đáng trách, và anh ta không còn là nhân viên của United Airlines. Chúng tôi có chính sách không khoan nhượng đối với bất kỳ hình thức quấy rối nào tại nơi làm việc và mong muốn các nhân viên đối xử với nhau một cách đàng hoàng và tôn trọng.
Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với các cáo buộc của EEOC và sẽ tiếp tục củng cố các quy trình, chương trình đào tạo mà chúng tôi áp dụng để bảo vệ nhân viên của mình khỏi quấy rối tình dục”.
Thế nào là cái nhìn quấy rối?
Khi phong trào #MeToo bùng lên mạnh mẽ vào cuối năm 2017, đầu năm 2018, nhiều công ty ở Mỹ đã nhìn nhận nghiêm túc hơn về quấy rối tình dục nơi làm việc. Tuy nhiên, một số chương trình, chính sách cụ thể được đưa ra để chống lại hành vi quấy rối bắt đầu gây tranh cãi, trong đó phải kể đến “luật 5 giây” của Netflix.
Netflix được cho cấm nhân viên của mình nhìn nhau quá 5 giây. Các đồng nghiệp cũng bị hạn chế trao đổi số điện thoại và không được phép ôm hôn hay đụng chạm nhau quá lâu.
Quy tắc chống quấy rối còn yêu cầu mọi người “không tán tỉnh”, “không hỏi đồng nghiệp nhiều lần nếu họ không muốn trả lời”, “tránh xa nếu đồng nghiệp không muốn quan tâm đến bạn”.
Các nhân viên được khuyến khích “hãy hét lên” những câu như “Dừng lại, đừng làm như vậy” nếu đồng nghiệp có hành vi không phù hợp.
Netflix đã không xác nhận hay phủ nhận những quy định này, nhưng nói với Independent rằng: “Chúng tôi tự hào về khóa đào tạo chống quấy rối dành cho nhân viên của mình. Chúng tôi muốn mọi hoạt động sản xuất của Netflix trở thành một môi trường làm việc an toàn và tôn trọng. Chúng tôi tin rằng các quy định sẽ giúp mọi người có thể lên tiếng”.
Quy định cấm nhìn chằm chằm đồng nghiệp quá 5 giây của Netflix gây tranh cãi. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Một số hoanh nghênh “luật 5 giây”, nhưng đa số đều tỏ ra khá bối rối và cho rằng điều này là vô lý, phi thực tế.
Nhà báo Katherine Clare viết trên National Review: “Nhìn chằm chằm là một hành động thô lỗ nhưng đôi khi nó vẫn vô tình diễn ra mà không phải là hành vi quấy rối tình dục. Có những lúc tôi thấy mình đang nhìn chằm chằm về một hướng, nơi tình cờ có một người khác. Khi điều này xảy ra, tôi chỉ nói xin lỗi và cả hai chúng tôi hoàn toàn bình thường. Nhưng với một chính sách như luật 5 giây, tôi có khả năng bị kỷ luật vì một việc mà không ai cho là vấn đề to tát”.
Theo Clare, quấy rối tại nơi làm việc là thực trạng nghiêm trọng, phổ biến và phong trào #MeToo đã tạo cơ hội để tìm kiếm giải pháp. Tuy nhiên, những chính sách vô lý như thế này không giúp ích mà chỉ tạo ra những vấn đề mới.
“Gọi một cái nhìn ngây thơ trong 6 giây là “hành vi quấy rối” chỉ làm tầm thường cuộc đấu tranh của những người thực sự bị quấy rối. Tương tự, quy tắc không trao đổi số điện thoại sẽ khiến nhân viên khó giao tiếp hơn trong công việc”.
Còn theo Quartz, "luật 5 giây" thực sự có vấn đề khi làm lu mờ nguyên nhân gốc rễ của quấy rối tình dục. Nhìn chằm chằm 5 giây là quấy rối, vậy nhìn trong 4 giây, 4,9 giây thì sao? Việc áp đặt cứng nhắc quy định chắc chắn không góp phần giáo dục hay nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục nơi công sở.
Không có giới hạn thời gian để phán đoán một cái nhìn là vô hại hay đáng sợ. Điều quan trọng là phải cho mọi người thấy các đặc quyền và thành kiến giới ngầm dẫn đến quấy rối tình dục nơi công sở, đồng thời khuyến khích những người trung thực, cởi mở đối thoại để tìm cách giải quyết vấn đề.
Mỗi nước một quy định
Cuối tháng 12/2021, Trung Quốc công bố dự thảo luật về hành vi quấy rối tình dục nơi công sở. Theo đó, dự thảo luật định nghĩa rõ ràng về những hành vi quấy rối tình dục nơi công sở, cấm hoàn toàn "lời nói tục tĩu, hành vi không phù hợp và phát tán các nội dung tình dục" ở nơi làm việc.
Các công ty được yêu cầu xây dựng cơ chế nhằm ngăn chặn, điều tra và phản ứng nhanh chóng với các khiếu nại về quấy rối tình dục. Tuy nhiên, dự thảo luật này chưa quy định hình phạt cụ thể nếu chủ sở hữu lao động không chấp hành.
Tại Hàn Quốc, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là tình trạng khá phổ biến với khoảng 70% nhân viên bị ảnh hưởng, 12% phải đối mặt với quấy rối tình dục hàng ngày, theo BBC.
Văn hóa hoesik (ăn uống cùng đồng nghiệp sau giờ làm) cũng được xem là một trong những môi trường dễ xảy ra quấy rối tình dục, đặc biệt với nhân viên nữ. Các bữa tiệc thường sử dụng rượu bia, đến các quán karaoke, những nơi mọi người ngồi gần nhau và nhân viên nữ có khả năng cao bị đồng nghiệp nam say xỉn động chạm.
Nhiều nước đã ban hành quy định, hướng dẫn về ngăn chăn nạn quấy rối tình dục nơi công sở. Ảnh: Reuters. |
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã ban hành hướng dẫn về các loại hành vi bị coi là quấy rối, trong đó có cả việc tung tin đồn về đồng nghiệp, lan truyền các thông tin cá nhân, ép uống rượu, hút thuốc hoặc tham dự tiệc tối của công ty.
Ngoài ra, cấp trên không được phép sa thải nhân viên trong trường hợp bị nạn nhân tố cáo về hành vi quấy rối tình dục. Lãnh đạo có hành vi quấy rối tình dục đối với cấp dưới có thể đối mặt án phạt tù 3 năm hoặc phạt tiền 30 triệu won.
Tại Singapore, một cuộc khảo sát chung được công bố vào tháng 1/2021 của tổ chức bình đẳng giới AWARE và công ty nghiên cứu thị trường Ipsos cho thấy cứ 5 người lao động ở đảo quốc sư tử thì có 2 người cho biết đã gặp phải quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong 5 năm qua, từ việc đụng chạm không mong muốn đến bị nhận xét về ngoại hình, theo Channel News Asia.
Singapore không có định nghĩa cụ thể về quấy rối tình dục, theo Poshatwork. Tuy nhiên, theo Đạo luật Bảo vệ khỏi quấy rối năm 2014, việc sử dụng các từ hoặc hành vi đe dọa, lăng mạ; công bố bất kỳ thông tin nhận dạng nào của người khác gây ra sự quấy rối hoặc hoảng sợ là bất hợp pháp. Bất kỳ người nào thực hiện những hành vi trên, cho dù hành vi đó có tính chất tình dục hay không, đều vi phạm pháp luật.
Theo dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc vừa được hoàn thiện, quấy rối tình dục được định nghĩa là hành vi có tính chất tình dục đối với người khác mà đối phương không mong muốn hoặc không chấp nhận.
Dự thảo quy định 3 hình thức quấy rối gồm: Quấy rối mang tính thể chất, bằng lời nói và bằng ngôn ngữ cơ thể.
Quấy rối mang tính thể chất là hành động, cử chỉ, tiếp xúc tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục như cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hoặc hôn; tấn công tình dục, cưỡng dâm hoặc hiếp dâm.
Quấy rối bằng lời nói có thể là trực tiếp, qua điện thoại, phương tiện điện tử có nội dung tính dục, nhận xét không phù hợp về xã hội, văn hóa hay những ngụ ý về tình dục như truyện cười gợi ý về tình dục, nhận xét về trang phục, cơ thể một người nào đó khi có mặt hoặc nhắm tới họ; những lời mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục.
Quấy rối bằng ngôn ngữ cơ thể được hiểu là hành vi nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, cử chỉ ngón tay mang tính gợi ý tình dục, biểu hiện không đứng đắn, phô bày tài liệu mang tính phô dâm, gửi ảnh hoặc đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục.