Cảnh khỏa thân của nhân vật Choi Hye Jung (do Cha Joo Young thủ vai) trở thành chủ đề gây xôn xao dư luận, sau khi phần hai của phim The Glory lên sóng hôm 10/3.
Nhiều khán giả tỏ ra kinh ngạc khi hình ảnh trần trụi như vậy có thể xuất hiện trong một bộ phim Hàn Quốc.
Trước những ý kiến trái chiều, diễn viên Cha Joo Young mới đây lên tiếng giải thích rằng nhà sản xuất đã sử dụng CG (đồ họa máy tính) trong cảnh khỏa thân gây tranh cãi.
Với hình ảnh khỏa thân, tình dục và các cảnh báo thù đẫm máu, bộ phim hiện được xếp hạng 18+ trên Netflix, giới hạn độ tuổi người xem từ 18 tuổi trở lên.
Theo hệ thống xếp hạng truyền hình của Hàn Quốc, các đài truyền hình, kênh phát sóng phim có quyền tự đánh giá và xếp hạng nội dung của chính mình. Nhưng khi các bộ phim được công chiếu, Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC), cơ quan trực thuộc chính phủ, sẽ kiểm tra để đánh giá tính phù hợp của những xếp hạng này.
Mặt khác, các bộ phim của Netflix cũng phải được đánh giá bởi Hội đồng đánh giá phương tiện truyền thông Hàn Quốc (KMRB).
Quy trình kiểm duyệt phim
Ở Hàn Quốc, nơi mọi người có xu hướng tránh đề cập đến các vấn đề tình dục, phim ảnh thường hiếm khi có các cảnh quay khỏa thân, giường chiếu quá rõ ràng.
Các bộ phim nổi tiếng, được công chiếu rộng rãi chủ yếu thuộc loại 15+ trở xuống, theo hệ thống xếp hạng chương trình truyền hình 5 cấp của Hàn Quốc.
Hệ thống xếp hạng này được ban hành và thực thi bởi KMRB. Các chương trình truyền hình được phân thành 5 loại: all (dành cho tất cả khán giả), 12+ (khán giả từ 12 tuổi trở lên), 15+ (khán giả 15 tuổi trở lên), 18+ (hạn chế đối với thanh thiếu niên và trẻ em) và R (Restricted screening: yêu cầu hạn chế nhất định trong việc xem và phân phối do thể hiện quá mức tình dục, bạo lực...).
Các cảnh hôn, khỏa thân, tình dục trong phim Hàn từng được kiểm duyệt chặt chẽ. Ảnh: Extracurricular/Netflix. |
Trước đây, phim Hàn rất hiếm khi được xếp hạng R, không có các cảnh quay quá bạo lực hoặc gợi dục và thậm chí cảnh hôn cũng bị hạn chế.
Vào năm 2015, KCSC, cơ quan chính phủ "đảm bảo trách nhiệm giải trình trước công chúng và bảo vệ tính công bằng của nội dung phát sóng", đã đưa ra cảnh báo đối với đài truyền hình JTBC vì phát sóng cảnh hôn giữa hai nữ sinh trung học trong một bộ phim truyền hình dài tập.
Năm 2018, đài truyền hình SBS bị chỉ trích vì kiểm duyệt các cảnh hôn trong bộ phim Bohemian Rhapsody.
Kim Soo Yong, đạo diễn đã nghỉ hưu 93 tuổi, người đã làm hơn 100 bộ phim, từng tuyên bố rằng quá trình kiểm duyệt phim đã trì hoãn sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc trong hơn 30 năm và ngăn cản các nhà làm phim tầm cỡ thế giới như Bong Joon Ho xuất hiện sớm hơn.
"Nếu trước đây không có sự kiểm duyệt nghiêm ngặt, chúng tôi có thể đã tiến xa hơn. 50 năm trước chúng ta có thể đã có những nhà làm phim vĩ đại như Bong Joon Ho", ông Kim nói tại cuộc họp báo của Viện lưu trữ phim Hàn Quốc vào năm 2019.
Bong Joon Ho là đạo diễn đầu tiên của xứ kim chi đoạt Cành cọ Vàng và tượng vàng Oscar.
Ngày càng táo bạo
Trong những năm gần đây, phim truyền hình dành riêng cho người lớn bắt đầu trở thành tâm điểm chú ý trong làng giải trí tương đối bảo thủ của Hàn Quốc, do nhu cầu ngày càng tăng đối với nội dung đa dạng.
Năm 2020, phim truyền hình của JTBC The World of The Married, dựa trên bộ phim Doctor Foster của đài BBC One, đã dẫn đầu về mức độ phổ biến của phim truyền hình có xếp loại 19+ trên màn ảnh nhỏ.
Bất chấp những tranh cãi về yếu tố bạo lực, khỏa thân của bộ phim, khán giả Hàn Quốc đã hoàn toàn ủng hộ ý định của nhà sản xuất là thực hiện loạt phim hấp dẫn dành riêng cho khán giả lớn tuổi.
Kết quả, The World of The Married đã ghi nhận tỷ suất người xem kỷ lục 24,3% cho tập 12, vượt xa kỷ lục trước đó là 23,8% của phim SKY Castle.
Phim "The World of The Married" được xếp loại 19+. Ảnh: Dimsum. |
Bộ phim tâm lý tội phạm tuổi teen Extracurricular cũng có nội dung xếp loại R, gồm nhiều yếu tố thường bị né tránh trong các bộ phim truyền hình cấp ba điển hình.
Được phát hành vào tháng 4/2020 trên Netflix, phim tập trung vào một sinh viên sống cuộc đời hai mặt. Nội dung chứa đầy bạo lực, mại dâm, bắt nạt và quấy rối, nhưng đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì mô tả rõ ràng về cuộc đấu tranh của các học sinh tuổi teen.
Các chuyên gia cho rằng thị trường truyền thông đã toàn cầu hóa nhanh chóng nhờ sự xuất hiện của các nền tảng và dịch vụ mới, chẳng hạn như Netflix. Trong khi đó, nhiều khán giả Hàn Quốc giờ đây cũng thoải mái đón nhận nội dung được xếp hạng R.
Chuyên gia nhận định các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc đang có cơ hội sáng tạo hơn, bất kể hệ thống xếp hạng 5 cấp.
"Vì sự cấm kỵ, các nhà sản xuất từng không có nhiều lựa chọn về chất liệu, và phim truyền hình Hàn Quốc chỉ giới hạn ở một số thể loại như lãng mạn. Nhưng bây giờ, nhà làm phim cũng có thể thử sức với nội dung chỉ dành cho người lớn", nhà phê bình văn hóa Jeong Duk Hyun nói.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn nổi tiếng của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở kiểu cách, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Khi mà thu nhập còn chưa đủ trang trải cho cuộc sống độc thân dù đã cố gắng tằn tiện, thì làm sao người ta dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.