Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao cha mẹ Trung Quốc phản đối trường cải cách, giảm tải việc học?

Các trường học ở Trung Quốc đang tiến tới mở nhiều lớp đại trà hơn, chương trình học ít bài kiểm tra hơn và không cho phép tổ chức học thêm sau giờ học chính khóa.

Zing.vn trích dịch từ Inkstonenews.com đề cập đến việc đa phần phụ huynh Trung Quốc phản đối đề xuất giảm tải chương trình học các cấp phổ thông cho học sinh và những tranh luận xung quanh vấn đề này.

Sau nhiều năm trì hoãn thì giờ đây, một trong những thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã bắt tay vào thực hiện những thay đổi được cho là rất cần thiết trong chương trình học phổ thông.

Cụ thể, các trường học ở Trung Quốc sẽ mở nhiều lớp đại trà hơn, chương trình học ít bài kiểm tra hơn và không cho phép tổ chức học thêm sau giờ học chính khóa.

phu huynh phan doi cai cach giao duc anh 1
Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch giảm tải cho học sinh. Ảnh: Pinterest.

Cuộc cạnh tranh không công bằng 

Những cải cách gần đây được thực hiện ở một số trường tiểu học và trung học công lập ở phía đông thành phố Nam Kinh.

Đó là một phần của chiến dịch quốc gia lâu dài mà mục đích cuối cùng là để giảm bầu không khí học tập căng thẳng cho học sinh, nhất là những đứa trẻ mới bước chân vào lớp 1.

Thế nhưng, triết lý giáo dục mới này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một nhóm đối tượng mà ít người ngờ tới – những bậc phụ huynh.

Phần lớn phụ huynh cho rằng hệ thống mới sẽ gây bất lợi cho con cái họ bởi vì những đứa trẻ này cuối cùng cũng sẽ phải cạnh tranh với các học sinh từ các khu vực khác – nơi vẫn áp dụng mô hình giáo dục truyền thống – trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia.

Sự cạnh tranh không công bằng này sẽ trở nên rất mệt mỏi và thiệt thòi nếu như con cái họ đã quen với một môi trường giáo dục có phần “dễ thở” ngay từ nhỏ.

“Tôi không đồng ý với phương án thay đổi này. Trường học đã ngày càng trở nên khó kiểm soát vậy mà họ còn muốn nới lỏng mọi thứ cho bọn trẻ ư?”, một phụ huynh đến từ Nam Kinh viết trên diễn đàn nuôi dạy con nổi tiếng ở Trung Quốc.

phu huynh phan doi cai cach giao duc anh 2
90% phụ huynh ở Nam Kinh không đồng ý cải cách giáo dục. Ảnh: Shutterstock.

Trong một cuộc thăm dò trực tuyến trên trang này, 90% trong số hơn 350 phụ huynh từ Nam Kinh đã bầu chọn “không đồng ý” khi được hỏi liệu họ có ủng hộ cải cách hay không.

Jenny - một phụ huynh trên diễn đàn - cho rằng hệ thống giáo dục mới có thể khiến những trẻ đến từ các gia đình không khá giả gặp khó khăn trên con đường thành danh. Jenny nhấn mạnh chiến dịch này không giúp ích cho kỳ thi tuyển sinh đại học.

"Những gia đình có điều kiện có thể gửi con cái họ đến bất cứ trường nào và những trường cung cấp giáo trình cao cấp thường là dân lập tự chủ tài chính. Vậy còn chúng tôi, những người gửi con đến trường học công lập thì sao?”, Jenny bày tỏ nỗi bức xúc của mình.

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ quan điểm rằng chỉ bằng cách học tập chăm chỉ cho kỳ thi đại học, các sinh viên từ những gia đình bình thường mới có cơ hội vào một trường đại học tốt và cuối cùng có được công việc trả lương cao.

Trong khi đó, những đứa trẻ đến từ giới thượng lưu có thể dựa vào mối quan hệ của gia đình để thăng tiến, dù cho năng lực không được đánh giá cao.

Cải cách đồng bộ là giải pháp

Các bậc cha mẹ khác thậm chí còn đổ lỗi cho cơ quan giáo dục của thành phố vì đã trốn tránh trách nhiệm trong việc cung cấp một sân chơi bình đẳng hơn.

Họ tin rằng, nếu kỳ thi đại học Trung Quốc được biết đến với tên gọi là gaokao còn tồn tại thì ý tưởng đơn giản hóa mô hình giáo dục địa phương vẫn sẽ là một ý nghĩ tồi.

“Nam Kinh đang tích cực nghiên cứu về chiến dịch này hơn bất cứ nơi nào khác”, ông Xi Xiong Bingqi - phó giám đốc Viện nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 tại Bắc Kinh - trả lời phỏng vấn với tờ Inkstone.

Ông cũng nhận định, nếu không thay đổi hệ thống kỳ thi quốc gia thì những cải cách đang diễn ra ở Nam Kinh sẽ chỉ khiến phụ huynh cảm thấy con cái bị tụt lại phía sau.

phu huynh phan doi cai cach giao duc anh 3
Kỳ thi đạo học gaokao vốn là một áp lực lớn đối với học sinh Trung Quốc. Ảnh: Theepochtimes.

Tại thủ đô Bắc Kinh, nỗ lực cải cách tương tự cũng đã thất bại vào năm ngoái.

Vickie Zhou, người sáng lập Baby More to Learn - một tổ chức giảng dạy tiếng Anh có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết thay vì làm bài kiểm tra, một số trường tiểu học đã cố gắng cho học sinh chơi trò chơi hành động để trải nghiệm mô hình “chơi mà học, học mà chơi”.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại phản đối kế hoạch này. Cuối cùng, các trò chơi trong giờ học buộc phải dừng lại.

“Nếu chính phủ không cải cách hệ thống tuyển sinh đại học thì những đổi mới mang tính nới lỏng áp lực ở trường chắc chắn sẽ thất bại”, cô nói thêm.

Đại học Trung Quốc đuổi sinh viên vì quá lười

Một trường đại học ở Trung Quốc gần đây đã đuổi 40 sinh viên vì thường trốn tiết. Đây là điều hiếm khi xảy ra tại đất nước tỷ dân, nơi có tỷ lệ tốt nghiệp đại học lên đến 97,3%.


Ánh Nguyệt

Bạn có thể quan tâm