Khi muốn xin nghỉ chăm con có lương theo quy định của chính phủ vào năm 2018, Gary Lee (35 tuổi, người Singapore) bị quản lý gây khó khăn.
Lúc đó, anh đang làm việc tại bộ phận tài chính của một tập đoàn đa quốc gia. Lee kể với CNA rằng cấp trên tỏ thái độ không hài lòng, nhắc đến khối lượng công việc khổng lồ mà anh phải xử lý sau khi hết kỳ nghỉ thai sản.
"Khi vợ vào phòng sinh, tôi vẫn đang ngồi họp online. Ngay hôm sau, tôi đi làm trở lại, chỉ dám xin nghỉ nửa buổi trong vòng 3 ngày", Lee kể.
Nhiều nam giới ở Singapore khó xin nghỉ thai sản vì áp lực từ cấp trên, đồng nghiệp. Ảnh: iStock. |
Cảm thấy có lỗi và thất vọng về cách áp dụng quy định của công ty, anh đã rời khỏi nơi đó.
Dữ liệu từ Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội (MSF) chỉ ra tỷ lệ nam giới ở Singapore sử dụng kỳ nghỉ thai sản 2 tuần do chính phủ cho phép là 55% vào năm 2019, tăng từ 47% vào năm 2016.
Tuy nhiên, vẫn có gần một nửa trong số họ không thể tạm dừng công việc để chăm sóc vợ con sau sinh vì thiếu sự đồng tình, hỗ trợ từ công ty hoặc cấp trên.
Khó xin nghỉ chăm con
Đại diện của MSF cho biết nhiều nam giới bị cấp trên đánh giá, chịu áp lực vì muốn nghỉ phép chăm con.
"Việc cấp trên có đảm bảo cơ hội nghề nghiệp, đồng nghiệp có sẵn sàng hỗ trợ khi người cha vắng mặt hay không sẽ ảnh hưởng tới quyết định nghỉ thai sản của họ", người đại diện MSF trả lời.
Tiến sĩ Rashimah Rajah, giảng viên ở Trường Kinh doanh, ĐH Quốc gia Singapore, nói rằng tỷ lệ đàn ông chấp nhận nghỉ thai sản hiện tại chưa phải con số "lý tưởng".
"Có những người cha muốn ở nhà để chăm sóc vợ và con nhỏ, song lại không thể xin nghỉ phép nếu công ty không có chính sách cụ thể, chính đáng", bà nói.
Lee Kwok Cheng đã xin nghỉ một tháng để chăm sóc vợ con khi cô con gái thứ 2 chào đời năm 2020. Ảnh: Confetti Peektures. |
Sự đồng cảm từ các nhà quản lý "cực kỳ quan trọng". Đây là điều Lee Kwok Cheng (38 tuổi), một công chức ở đảo quốc sư tử, rút ra khi được nghỉ một tháng để chăm sóc cô con gái thứ 2 chào đời năm 2020.
Anh đã sử dụng 2 tuần nghỉ thai sản, 14 ngày nghỉ có lương hàng năm để giúp đỡ vợ sau sinh.
Trước đó, khi con gái đầu lòng ra đời năm 2017, vợ chồng Lee không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.
"Lúc đó, vợ tôi bị mất ngủ, cần có người thân chăm sóc, làm việc nhà và phụ giúp thay tã, cho con nhỏ uống sữa. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của người chồng", anh nói.
Thay đổi quan điểm
Các chuyên gia khuyến khích nam giới nên tận dụng kỳ nghỉ thai sản.
Phó giáo sư Anju Mary Paul từ ĐH Quốc gia Singapore nói những người đàn ông dừng làm việc để ở nhà chăm vợ con sau sinh có xu hướng tham gia nhiều trong việc nuôi dạy con cái sau này.
Bryan Tan, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Center for Fathering, cũng nhận định rằng những ông chồng biết đỡ đần vợ chăm sóc con cái sẽ thấy hài lòng hơn trên hành trình làm cha, ít xung đột với bạn đời.
Do đó, người đàn ông có thể thuyết phục cấp trên và công ty sắp xếp công việc ổn thỏa để tập trung lo lắng cho gia đình nhỏ.
"Theo kinh nghiệm của tôi, những người làm cha mẹ sẽ gặp nhiều thử thách trong 4 tuần đầu sau khi đứa bé chào đời. Vì thế, lập kế hoạch cho thời gian nghỉ thai sản sẽ giúp người cha kiểm soát cuộc sống và công việc tốt hơn", ông Tan nói.
Các chuyên gia khuyên các ông bố nên tận dụng kỳ nghỉ thai sản để thể hiện trách nhiệm với gia đình nhỏ. Ảnh: HuffPost. |
Nghị sĩ Louis Ng, người từng 10 lần nêu vấn đề kỳ nghỉ thai sản cho nam giới tại Quốc hội, cho biết cơ quan chức năng cần tìm hiểu về sự khác biệt giữa các lĩnh vực lao động trong xu hướng nghỉ phép chăm con.
Theo nghiên cứu mới từ ĐH Quốc gia Singapore, nam giới làm các công việc cần nhiều sức lao động ít khi sử dụng kỳ nghỉ thai sản so với người làm ngành nghề văn phòng, chuyên gia, kỹ thuật viên...
Ngoài ra, phó giáo sư Anju cũng cho rằng cần thay đổi mô hình nuôi dạy con cái để cải thiện chất lượng cuộc sống của các gia đình trẻ.
Trước đó, đa số ý kiến vẫn cho rằng người mẹ có vai trò chính trong việc chăm sóc con nhỏ, còn người cha chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
"Tôi nghĩ chúng ta nên hướng tới mô hình cùng nuôi dạy con cái, người cha sẽ có vai trò tương đương với người mẹ. Từ đó, tầm quan trọng của kỳ nghỉ thai sản đối với nam giới sẽ được củng cố hơn", bà nói.
Phó giáo sư Anju gợi ý rằng các công ty có thể chủ động cho phép nam giới nghỉ thai sản mà không cần xin phép trước, với thời gian tối thiểu là một tuần để họ có thời gian chăm lo cho gia đình nhỏ.
Lee Kwok Cheng cũng khuyến khích các ông bố tận dụng thời gian nghỉ phép để thể hiện trách nhiệm làm chồng, làm cha.
"Nghỉ thai sản không phải để 'giúp đỡ vợ', mà là nghĩa vụ của người làm chồng, làm cha như tôi. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ giúp con cái tin tưởng, tín nhiệm vào cha mình hơn khi lớn lên", Lee nói.