Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thu nhập khó tin của các ngôi sao livestream Trung Quốc

"Nữ hoàng livestream" Vi Á hay "ông hoàng son môi" Lý Giai Kỳ không chỉ trở thành tỷ phú mà còn nắm quyền lực lớn đối với các nhãn hàng.

Nữ hoàng livestream Huang Wei, thường được biết đến với cái tên Vi Á, mới đây khiến công chúng phẫn nộ khi bị phát hiện trốn thuế lên đến 1,34 tỷ nhân dân tệ (210 triệu USD).

"Hóa ra những người livestream bán hàng kiếm được nhiều tiền đến vậy. Họ có đóng góp gì cho đất nước ngoài việc thuyết phục khách hàng mua những thứ người ta không thực sự cần?", một người dùng mạng xã hội bày tỏ.

"Người nghèo như tôi không thể nào tưởng tượng nổi chuyện đó. Tôi tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu, nhưng dù có cố gắng thế nào thì cả đời cũng chẳng thể kiếm nổi số tiền lớn như thế", một người khác viết.

thanh ban hang online anh 1

Vi Á bị phạt nặng vì trốn thuế.

Theo South China Morning Post, tiền hoa hồng từ doanh số bán hàng trong các buổi phát sóng trực tiếp đã giúp nhiều shopping host (người dẫn chương trình bán hàng online) như Vi Á hay Lý Giai Kỳ trở thành triệu phú, thậm chí tỷ phú.

Giàu có

Cơ quan thuế tỉnh Chiết Giang đã công bố khoản tiền phạt khổng lồ đối với Vi Á khi cô trốn nộp thuế khoảng 700 triệu nhân dân tệ từ năm 2019 đến 2020. "Nữ hoàng livestream" bị phát hiện nắm cổ phần trong 16 công ty, trong đó là cổ đông chính của 8 nơi bao gồm công ty tư vấn thương mại và thương mại điện tử.

Vi Á và chồng là Dong Haifeng được Forbes xếp hạng trong số 500 người giàu nhất Trung Quốc vào năm 2021, với khối tài sản ước tính 9 tỷ nhân dân tệ.

thanh ban hang online anh 2

Vi Á khiến người theo dõi phẫn nộ trước hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Hurun Report, tài sản ròng ước tính của Vi Á vào năm 2020 là hơn 30 triệu USD, chủ yếu đến từ bán hàng trực tuyến, quảng cáo và quà tặng ảo từ người hâm mộ.

Cựu chủ thương hiệu thời trang kiêm ca sĩ người Bắc Kinh nổi tiếng vào năm 2016 khi trở thành người dẫn chương trình bán hàng trực tuyến của Taobao - sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Vi Á đã tạo ra doanh thu 100 triệu tệ trong vòng 4 tháng.

Những người bán hàng qua livestream nổi tiếng khác như "ông hoàng son môi" Lý Giai Kỳ hay Cherie Zhu Chenhui cũng được cho đã trở thành tỷ phú hoặc triệu phú dựa trên doanh số bán ra.

Mô hình kinh doanh này thường rất đơn giản. Các influencer (người có sức ảnh hưởng), hoặc các công ty mạng đa kênh (MCN) của họ, thường tính phí 50.000-100.000 nhân dân tệ cho một phiên phát sóng trực tiếp. Quan trọng nhất, influencer sẽ nhận được 20-40% hoa hồng từ doanh số bán hàng.

Theo Zhang Yi, nhà phân tích trưởng của iiMedia Research (Quảng Châu), khi doanh số bán hàng lên đến hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ nhân dân tệ, thu nhập của các influencer sẽ cao đến mức khó tin.

Quyền lực lớn

Người phát livestream bán hàng cũng có nhiều quyền lực khi sở hữu lượng fan theo dõi lớn trên các nền tảng hàng đầu. Vi Á có 92 triệu người theo dõi, trong khi Lý Giai Kỳ có 47 triệu người hâm mộ trên trang bán hàng của Taobao.

Hồi tháng 11/2021, thương hiệu mỹ phẩm L’Oreal đã phải bồi thường và xin lỗi những khách hàng mua qua livestream của Vi Á và Lý Giai Kỳ do vấn đề giá cả. Hai "thánh bán hàng" Trung Quốc đã đe dọa đình chỉ hợp tác với gã khổng lồ mỹ phẩm Pháp.

thanh ban hang online anh 3

Những influencer hàng đầu như Vi Á hay Lý Giai Kỳ có quyền lực lớn đối với nhiều nhãn hàng.

"Chính những người tiêu dùng đã mang lại cho influencer khả năng thương lượng, sức ảnh hưởng và sự giàu có. Khách hàng trẻ tuổi không còn chấp nhận cách mua sắm truyền thống. Người dùng lớn tuổi cũng đang hòa vào xu thế này. Đó là xu hướng không thể thay đổi", Zhang nói.

Theo công ty tư vấn McKinsey, thương mại trực tuyến có thể giúp các thương hiệu, nhà bán lẻ tăng tốc độ chuyển đổi và cải thiện sự hấp dẫn, khác biệt của thương hiệu.

Joey Zhu, chủ một nhà máy chế biến đồ ăn nhanh ở miền Đông Trung Quốc, cho biết công ty của ông chọn Vi Á để bán sản phẩm của mình vì “cô ấy có hình ảnh tích cực và sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với người tiêu dùng trẻ tuổi”.

"Rất khó để tiếp cận Vi Á. Cô ấy nổi tiếng nên chúng tôi phải trả tiền cho một bên thứ ba, nhờ họ liên hệ và thuyết phục cô bán sản phẩm của mình. Chúng tôi đưa cho cô ấy mức giá tốt nhất và gần như phía tôi không có lời. Tôi chỉ coi đó là một cơ hội để quảng cáo", Zhu kể.

Trung Quốc hiện có khoảng một triệu người làm nghề phát livestream bán hàng.

Tuy nhiên, trên thực tế, với ít sự tiếp xúc và hỗ trợ từ các nền tảng thương mại điện tử, rất ít người trong số đó trở nên giàu có và nổi tiếng được như Vi Á hay Lý Giai Kỳ.

Theo một báo cáo năm 2020 của trang web tuyển dụng Boss Zhipin có trụ sở tại Bắc Kinh, gần một nửa số streamer ở Trung Quốc có ít hơn 10.000 người theo dõi. Hầu hết người dẫn chương trình bán hàng trực tiếp có thu nhập hàng tháng khoảng 8.000-15.000 nhân dân tệ.

"Cần có một môi trường quản lý tốt hơn để giảm bớt những bất thường và cho những influencer nhỏ có cơ hội tham gia vào ngành một cách công bằng", Zhang nói.

Cái chết của đại hội sale Tết ở Trung Quốc

Những "ngày hội sale" tổ chức triền miên, thậm chí diễn ra hàng tuần trên các sàn thương mại khiến người tiêu dùng không còn hào hứng với việc mua hàng giảm giá dịp Tết Nguyên đán.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm