Vụ Phó chánh án TAND quận 4 Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng, giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, bị bắt về tội Xâm phạm chỗ ở của người khác, đặt ra tầm quan trọng của chỗ ở đối với mỗi công dân.
Quyền hiến định
Thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Trường đại học Kinh tế Luật TP.HCM) cho biết công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, được quy định tại Điều 22 Hiến pháp năm 2013.
"Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý".
Trong đó, "nơi ở" rộng hơn, được hiểu là thuộc quyền sở hữu; còn "chỗ ở" có thể không phải thuộc quyền sở hữu nhưng được họ thuê hay mượn hợp pháp thì đều "bất khả xâm phạm".
Bà Hoàng Thị Thu Thảo bị ngã ngay trước nhà trong cuộc giằng co. Ảnh: Cắt từ clip. |
Ngoài ra, theo giảng viên luật, Điều 17 Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 nêu rõ: Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.
Từ đây có thể thấy không chỉ Hiến pháp Việt Nam, luật quốc tế cũng đề cao quyền thiêng liêng của "nhà ở", nơi ở.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định trong vụ việc này, việc khởi tố và bắt giam 2 bị can đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, không có vùng cấm đối với các cán bộ hoạt động tư pháp.
Tội Xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tội danh này mô tả hành vi cản trở hoặc tước bỏ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác một cách trái luật.
Theo Điều 9 Bộ luật Hình sự, tội Xâm phạm chỗ ở của người khác là nhóm tội nghiêm trọng bởi có khung hình phạt từ 1-5 năm tù. Do đó, việc khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với tội nghiêm trọng là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.
Không được tự ý xâm phạm
Luật sư Nguyễn Ngọc Việt (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm, tội danh ông Nam và Tùng bị khởi tố là Xâm phạm chỗ ở của người khác; không quy định hợp pháp hay bất hợp pháp.
Luật sư cho rằng điều này nhằm giữ gìn trật tự xã hội ổn định, tránh trường hợp lợi dụng khái niệm chỗ ở không hợp pháp để xâm chiếm, xâm phạm quyền cư trú của người khác gây mất trật tự.
Trường hợp nếu là chỗ ở không hợp pháp thì việc trục xuất hay không phải theo quy định của pháp luật, chứ không ai được tự ý hành động.
Trong vụ án này, theo luật sư Việt, nhóm người trên đã tự ý xông vào nhà, đuổi hết người ra và còn có hành động đưa các đứa bé ra khỏi nhà, đưa lên xe. Điều này là xâm phạm vào quyền hiến định của công dân.
Ông Lâm Hoàng Tùng và người phụ nữ áo vàng bế 2 đứa con của bà Thảo ra khỏi nhà. Ảnh: Cắt từ clip. |
"Chỗ ở của công dân là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm được quy định trong Hiến pháp và luật. Việc khám xét phải theo quy định của luật. Mọi hành vi xâm phạm vào quyền này của công dân đều phại bị trừng trị", giảng viên Lưu Đức Quang nhấn mạnh.
Nhận định về vụ việc, tiến sĩ luật Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh cho rằng trong vụ việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1 đã cân nhắc, xem việc xâm phạm chỗ ở của người khác là hành vi chính để khởi tố. Sau đó nhà chức trách sẽ xem xét đến các hành vi khác.
Cùng quan điểm, thầy Quang nhấn mạnh việc khởi tố hành vi xâm phạm chỗ ở là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, theo như diễn biến trong clip thì việc nhóm người có hành vi "bắt" những đứa trẻ bỏ lên taxi định chở đi cũng cần được cơ quan chức năng xem xét.