Ảnh hưởng của hiệu ứng Diderot có thể khiến chúng ta quyết định mua những món đồ mà bản thân không hề cần đến.
|
Điểm chính:
- Hiệu ứng Diderot không chỉ xuất hiện trong các giao dịch vô ích.
- Việc mua sắm cũng là một hình thức thể hiện bản thân.
- Khi sở hữu được một món đồ mới, chúng ta thường có xu hướng tìm mua thêm những vật dụng để tương thích hơn với nó.
Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng sau khi mua được một bộ quần áo mới sẽ lập tức đi tìm thêm một đôi giày khác để phù hợp hơn với món đồ mình vừa sở hữu, dù trong tủ giày đã có rất nhiều kiểu dáng khác nhau?
Không chỉ riêng bạn, một vài người khác cũng thường xuyên như vậy. Thảo Nguyên (21 tuổi), sinh viên một trường đại học tại TP.HCM chia sẻ rằng để quản lý chi tiêu, mỗi khi có ý định mua sắm, cô thường tìm cách phối món đồ mới với các thứ có sẵn nhưng khi đến cửa hàng vẫn mang về nhiều hơn dự định ban đầu.
Có thể vì sản phẩm đó được giảm giá hay đơn giản là chiếc áo đó trông "thuận mắt" mà đã nhiều lần Thảo Nguyên sẵn sàng chi tiền cho chúng dù không biết khi mua về có sử dụng hay không.
Tình trạng này khá phổ biến và được biết đến với tên gọi Hiệu ứng Diderot (Diderot Effect) – xu hướng mua sắm, tiêu dùng quá mức do nhu cầu tự cải thiện của con người.
Hiệu ứng Diderot là gì?
Hiệu ứng Diderot nói rằng việc sở hữu cho mình một món đồ mới thường tạo ra vòng xoáy tiêu dùng và dẫn đến quá trình mua sắm theo hình xoắn ốc, Joshua Becker - người sáng lập và biên tập viên của Becoming Minimalist giải thích.
Nói cách khác, việc mua sắm một mặt hàng mới thường kéo theo việc mua thêm một món đồ khác. Hiệu ứng này ảnh hưởng đến sự lựa chọn của chúng ta với tất cả các loại hàng hóa, bao gồm: quần áo, đồ gia dụng, nhà cửa,...
Việc mua sắm lúc này không chỉ đáp ứng nhu cầu lấp đầy cuộc sống ban đầu của chúng ta mà còn để thỏa mãn cảm xúc cá nhân.
Cái tên Diderot được đặt theo tên triết gia nổi tiếng người Pháp, Denis Diderot. Ông đã quan sát và ghi nhận hiện tượng này từ chính trải nghiệm của mình.
Trong bài viết của mình, ông nói thêm: “Hãy lấy ví dụ của tôi làm bài học. Nghèo khó có tự do của nghèo khó, giàu sang có trở ngại của giàu sang".
Vì sao chúng ta sẵn sàng chi tiền cho những thứ không cần thiết?
Không quá bất ngờ khi chúng ta trở thành nạn nhân của hiệu ứng Diderot. Theo nhà kinh tế học và giáo sư xã hội học Juliet Schor của trường Cao đẳng Boston, nhu cầu nâng cấp và lấp đầy tủ đồ dùng cá nhân của chúng ta luôn đi theo chiều hướng tăng dần.
Theo Forbes, hiệu ứng Diderot cho chúng ta biết hai điều về bản thân:
- Chúng ta mua sắm để chúng bổ sung cho nhau và hướng tới mục đích xây dựng hình ảnh cá nhân và tạo nên dấu ấn riêng biệt.
- Nếu một sản phẩm mới xuất hiện nhưng đi lệch khỏi hình ảnh ban đầu có thể tạo ra vòng xoáy tiêu dùng trong nỗ lực tạo ra sự gắn kết mới.
Xu hướng tự nhiên của cuộc sống là tích lũy. Chúng thường chỉ tìm cách để nâng cấp và tạo ra thêm chứ hiếm khi nghĩ đến việc đơn giản hóa hay loại bỏ bớt, theo Ness Lab.
Chi tiêu hiệu quả hơn
Hiệu ứng Diderot cho chúng ta thấy mình cần hiểu để biết cách chọn lựa, loại bỏ và tập trung vào những thứ thật sự quan trọng. Vậy làm thế nào để ngăn chặn hiệu ứng này?
Dưới đây là một số gợi ý đến từ Big Think giúp bạn chi tiêu hiệu quả hơn:
- Quy tắc 1-1: Theo quy tắc này, mỗi khi bạn muốn mua một thứ gì mới, bạn phải loại món đồ khác. Bạn có thể bán lại hoặc quyên góp để giảm tình trạng tích lũy.
- Tạo giới hạn chi tiêu: Một cách đơn giản để tránh mua sắm quá mức là có một hạn mức chi tiêu cụ thể. Giới hạn này phải bao gồm toàn bộ chi phí của sản phẩm khi về tay, kể cả thuế hay các khoản vay. Để quản lý ngân sách dễ dàng hơn, bạn có thể sử dụng một ứng dụng hỗ trợ.
- Tránh các yếu tố kích thích tiêu thụ: Hãy cố gắng tránh xa những điều kiện và dấu hiệu mang tính gợi ý, kích thích thói quen mua sắm ngay từ đầu. Bạn có thể hủy theo dõi các thương hiệu yêu thích trên mạng xã hội, tắt thông báo giảm giá của các sàn thương mại điện tử hay hạn chế ghé đến trung tâm thương mại, cung đường mua sắm yêu thích.