Sáng 8/2, trao đổi với Zing, lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, cho biết đã giao công an thị xã xác minh hình ảnh cô đồng T.H. xem bói qua việc bổ cau đang lan truyền trên mạng xã hội, nếu có vi phạm sẽ xử lý.
Trước đó, các video liên quan người phụ nữ này, với những hành động lên đồng và xem bói dưới hình thức bổ cau, thu hút hàng triệu lượt xem trên một số nền tảng. Thậm chí, câu nói “đúng nhận, sai cãi” còn trở thành trào lưu.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao những video bói toán, xem tướng số, có các hoạt động mê tín dị đoan này vẫn viral trên TikTok?
Hot trên nền tảng TikTok
Vài năm trở lại đây, bói toán online bùng nổ trên mạng xã hội.
Trong khi Facebook có hàng trăm hội, nhóm xem bói chỉ tay, tử vi, tướng số, ngoại cảm tâm linh, phong thủy cải mệnh,... với lời cam kết “chuẩn”, “chính xác 99,9%”, các hashtag #tarot (45,5 tỷ lượt xem), #tuvi (4,7 tỷ lượt xem), #xemboi (gần 552 triệu lượt xem) đều phổ biến trên TikTok.
Chỉ cần nhấn vào xem một video về xem bói, thuật toán sẽ tiếp tục đề xuất nội dung tương tự như “Ai đang âm thầm theo dõi bạn”, “Thông điệp vũ trụ đầu tháng”, “Tin vui gì sắp đến”,...
Tất cả thường có cùng mô-típ: một người tự xưng là có năng lực có thể xem bói phân tích và đưa ra lời khuyên về tình yêu, sự nghiệp, gia đình, cuộc sống... cho đám đông xem được video của họ.
“Thuật toán sẽ lưu giữ bất cứ thứ gì bạn tìm kiếm hay ‘thả tim’ trên nền tảng, hoặc đơn giản là dừng lại, xem hết một clip. Bạn càng tìm những nội dung yêu thích, chúng sẽ càng ghi nhớ và cung cấp các video liên quan cho bạn”, tiến sĩ Nia Williams, đến từ ĐH Bangor (Vương quốc Anh), cho biết.
Rất dễ lướt phải các video về bói toán trên mạng xã hội do thuật toán của nền tảng đề xuất tới người dùng. |
Theo Refine, cách thức mà thuật toán rất thông minh của TikTok hiểu con người hơn chính bản thân họ là một trong những đặc điểm nổi bật của ứng dụng và là lý do nó chủ yếu dành cho người trẻ thuộc Gen Z (sinh năm 1997-2012) và Millennials (sinh năm 1981-1996).
Tại phần Tiêu chuẩn Cộng đồng của TikTok, không có phần nào đề cập tới nội dung mê tín dị đoan như xem bói, lên đồng.
Nền tảng này khẳng định: “Các thuật toán của chúng tôi được thiết kế với mục đích xây dựng sự tin cậy và an toàn trên ứng dụng. Đối với một số nội dung, chúng tôi có thể giảm khả năng video được tìm ra, bao gồm cả việc chuyển hướng kết quả tìm kiếm hoặc không khuyến khích nội dung trên trang Dành cho bạn”.
Dù vậy, ABC News nhận định các công ty công nghệ đang không kiểm soát được những nội dung trên chính nền tảng của họ, bất chấp nỗ lực cải thiện và sửa đổi.
Đánh đúng tâm lý người xem
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lưu lượng truy cập trực tuyến tăng đối với các dịch vụ tư vấn về tử vi và tâm linh. Các nhà chiêm tinh và người xem bài tarot cũng nói rằng nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng, theo The New York Times.
Bà Phạm Quỳnh Anh, thạc sĩ Công tác xã hội, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM, từng nhận định có hai nguyên nhân khiến xem bói trở nên phổ biến là tính hiếu kỳ, tò mò “thử xem có đúng không” và coi việc xem bói như liều thuốc trấn an tinh thần.
Ví dụ, một người vừa chia tay bạn trai lướt mạng và bắt gặp video kiểu “Người yêu cũ sẽ quay trở lại với bạn” hoặc “Bạn sẽ sớm vượt qua khoảng thời gian khó khăn về tình cảm”, mà đôi khi xuất hiện chỉ là trùng hợp hoặc do thuật toán của nền tảng, họ lại dễ dàng tin đó là “thông điệp vũ trụ” dành cho mình.
Tháng 9/2022, giới nghệ sĩ, KOLs Việt rộ lên vụ việc đăng bài, dụ fan “xem bói tử vi”, nhưng thực chất quảng cáo bán đồ phong thủy. Sau khi vướng tranh cãi, bị khán giả chỉ trích, hầu hết đã âm thầm xóa các bài đăng.
Việc những người được coi là có sức ảnh hưởng tới một bộ phận đám đông nhất định có hành động tung hô, tin vào mê tín dị đoan phần nào khiến khán giả của họ bị ảnh hưởng.
Theo luật sư, hành vi bói toán, xem tướng số hoặc các hoạt động mê tín dị đoan khác đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa: Imaginechina/AP. |
Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết hành vi bói toán, xem tướng số hoặc các hoạt động mê tín dị đoan khác đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 15 Nghị định 158/2013 của Chính phủ, người có hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và hình thức tương tự khác để trục lợi, sẽ bị phạt hành chính 3-5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc hành nghề mê tín, dị đoan thường đi kèm với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, người nào đó nói ra thông tin về bói toán, tướng số thiếu cơ sở khoa học khiến đối phương lo sợ đến mức phải đặt tiền để “hóa giải” thì đó là dấu hiệu lừa đảo.
Trang Vtcynic cũng từng cảnh báo về việc nhiều người trẻ hiện nay quá tin tưởng vào các video xem bói, coi tarot trên mạng để quyết định mọi việc trong cuộc sống.
Trong bài viết có tiêu đề “Mặt tối của xem tarot trên TikTok”, Inverse cũng khẳng định nhiều người tự xưng là “thầy”, “tarot reader” trên nền tảng này “chỉ lừa dối mọi người”.
Không hề có “thông điệp từ vũ trụ” mà chỉ là thuật toán mà TikTok hay các nền tảng khác nghĩ rằng đấy là những gì người dùng muốn xem và nghe. Vì vậy, lời khuyên là hãy cẩn thận với nội dung được đề xuất ở mục “Dành cho bạn”.
Nếu không, hậu quả sẽ không chỉ là sự tiếc nuối về thời gian và tiền bạc đã bỏ ra, mà còn là tình trạng lừa đảo tiền bạc, lợi dụng niềm tin để kiếm chác.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.