1. Tại sao cơm rượu nếp có trong mâm cúng Tết Đoan ngọ?
Cơm rượu nếp là một trong những mặt hàng đắt khách vào dịp Tết Đoan ngọ. Món ăn này không thể thiếu trong mâm cúng tổ tiên. Từ lâu đời, người Việt cho rằng ăn rượu nếp khi bụng đói sẽ khiến "sâu bọ" trong người say men rượu mà biến mất. Cơm rượu nếp trong mâm cúng ở mỗi vùng miền được chế biến khác nhau. Ảnh: Trang.shin.85. |
2. Người miền Nam thường cúng bánh gì vào Tết Đoan ngọ?
Vào dịp Tết Đoan ngọ, người miền Nam thường mua hoặc tự tay làm bánh ú tro để cúng tổ tiên và làm quà tặng, biếu họ hàng, bạn bè. Món bánh hình chóp này được làm từ gạo nếp nấu với nước tro, nhân đậu xanh, có hương vị thơm, ngậy. Ảnh: Huynh_thanh_1408. |
3. Loại quả nào dùng trong mâm cúng Tết Đoan ngọ?
Ở mỗi vùng miền, người Việt sẽ lựa chọn loại quả trong mâm cúng tổ tiên khác nhau, tùy vào sở thích, từ hoa quả nội địa đến hàng nhập khẩu. Trong đó, các loại hoa quả đang vào mùa thường là lựa chọn hàng đầu như mận, roi, đào, táo, vải... Với những người bận rộn, hoa quả cúng Tết Đoan ngọ khá đơn giản, thường bao gồm mận, ổi và một cốc rượu nếp. Ảnh: Hoabachhop0109. |
4. Món bánh nào được người miền Bắc chuẩn bị vào Tết Đoan ngọ?
Tết Đoan ngọ diễn ra vào giữa mùa hè, thời tiết nóng bức. Do đó, các món ăn thanh mát là lựa chọn ưa chuộng của người miền Bắc. Được làm từ gạo nếp, mật mía, bánh gio hay còn gọi bánh tro là món ăn hầu hết người Việt đều chuẩn bị vào dịp lễ này. Món bánh thường ăn khi nguội, có tác dụng dễ tiêu, thanh nhiệt và giải độc. Ảnh: Mainobie. |
5. Người miền Trung thường ăn gì vào Tết Đoan ngọ?
Dịp Tết Đoan ngọ là thời điểm thịt vịt béo hơn, ngon và không có mùi hôi. Do đó, ngoài hoa quả, bánh, ở một số địa phương miền Trung, người dân sẽ làm nhiều món ăn khác nhau từ thịt vịt. Họ hàng gần xa sẽ trở về sum họp gia đình và thưởng thức bữa ăn. Ảnh: @tunluvfood. |
6. Món chè nào người miền Trung thường làm vào Tết Đoan ngọ?
Chè kê được làm từ hạt kê, đậu xanh và mật mía. Món chè này được ăn kèm với bánh đa. Khi ăn, bạn sẽ bẻ miếng bánh đa để xúc chè. Trong các gia đình ở miền Trung, chè kê được làm nhiều nhất vào dịp Tết Đoan ngọ hàng năm, có tác dụng giải nhiệt vào ngày hè nắng nóng. Ảnh: Huy Thịnh. |
7. Tết Đoan ngọ diễn ra vào ngày âm lịch nào?
Tết Đoan ngọ là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt, được tổ chức vào ngày mùng 5/5 âm lịch. Năm 2020, Tết Đoan ngọ rơi ngày 25/6 dương lịch. Theo quan niệm xưa, dịp này là lúc trời nóng bức, cũng là giao mùa, sâu bọ được dịp sinh sôi. Vì thế, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ, dâng hương để cầu bình an, mùa màng bội thu. Ảnh: Tô Hưng Giang. |