Thuật ngữ “family issue” (vấn đề gia đình) ngày càng trở nên phổ biến khi xã hội bắt đầu nhìn nhận và định nghĩa các vấn đề xuất phát từ nơi đáng ra phải là “cái nôi của tình yêu thương” - gia đình - dưới góc độ tâm lý học.
Không phải gia đình nào cũng có được sự thấu hiểu và gắn kết giữa các thành viên. Đôi khi cách thể hiện yêu thương của cha mẹ chưa đúng gây nên “tác dụng ngược”, khiến con không cảm nhận được và xa cách hơn. Dần dà, con cái thường không sẵn sàng chia sẻ đời tư của mình với những “người bạn” cách thế hệ như vậy nữa.
Khoảng cách thế hệ
Khi con còn bé, cha mẹ dễ dàng thủ thỉ, tâm tình, uốn nắn, dạy dỗ theo quan điểm và góc nhìn cá nhân. Vài năm sau, cha mẹ đối mặt thách thức đầu tiên khi con bước vào độ tuổi dậy thì “ẩm ương”, bắt đầu hình thành tư duy phản biện với cái tôi lớn dần. Tới giai đoạn trưởng thành, con cái bắt đầu tiếp xúc, va chạm xã hội, thu nạp nhiều kiến thức và góc nhìn mới mẻ. Song, không phải cha mẹ nào cũng bắt kịp với sự biến chuyển của thời cuộc, cụ thể hơn là sự thay đổi trong suy nghĩ của con cái.
Khoảng cách thế hệ khiến cha mẹ và con cái khó thấu hiểu nhau. |
Lúc này, khoảng cách thế hệ bắt đầu lớn dần, tạo ra sự xa cách giữa cha mẹ và con cái. Dễ thấy nhất là việc con cái không thoải mái khi chia sẻ suy nghĩ cá nhân vì cho rằng cha mẹ không thể hiểu được. Tệ hơn, việc xung đột quan điểm còn có thể gây nên những hiểu lầm và xích mích, khiến các thành viên trong gia đình ngày càng xa nhau.
Ký ức đáng quên trong quá khứ
Trên hành trình cố gắng thấu hiểu và làm bạn cùng con cái, cha mẹ đôi khi có những hành động gây hiểu lầm. Đó có thể là một lần lén đọc nhật ký để biết tâm tư của con, hay lỡ chia sẻ chuyện tình cảm của con cho bạn bè cùng thế hệ để xin lời khuyên... Những hành động này vô tình trở thành ký ức đáng quên trong tâm trí, ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành, hình thành suy nghĩ và tính cách của con cái sau này.
Những hành động gây hiểu lầm cha mẹ làm trong quá khứ có thể khiến con cái khép mình hơn. |
Khi còn nhỏ, con cái khó lòng hiểu được mong muốn sâu xa từ những hành động đó của cha mẹ. Phần lớn đứa trẻ lung lay niềm tin có xu hướng sống khép mình hơn, không còn tìm đến cha mẹ để chia sẻ những suy nghĩ cá nhân. Điều này khiến hành trình trở thành bạn của nhau giữa cha mẹ và con cái trở nên khó khăn.
Áp lực từ kỳ vọng
“Phụ huynh châu Á thất vọng khi con mình đạt 8.0 IELTS chứ không phải 10.0” là một trong những câu đùa “kinh điển” về kỳ vọng của cha mẹ vào con cái ở xã hội phương Đông.
Kỳ vọng từ cha mẹ vô hình trung tạo áp lực cho con cái. |
Có thể không nói ra hoặc phủ nhận, nhưng trong thâm tâm, phần lớn phụ huynh Á Đông đều đặt nhiều kỳ vọng vào đứa con mình sinh ra và nuôi nấng. Họ thường cho rằng học tập là con đường duy nhất dẫn tới thành công, nên hầu hết đều muốn con cái đạt thành tích tốt trên trường lớp để trở thành những bác sĩ, kỹ sư, giáo viên...
Suy nghĩ này vô hình trung khiến cha mẹ có xu hướng buộc con cái phải làm theo mong muốn của mình mà không quan tâm tới suy nghĩ của con. Mặt khác, khi bối cảnh xã hội thay đổi và tư duy cởi mở hơn, những người con lại tìm thấy hướng đi mới để phát triển bản thân, không bó hẹp mình trong khuôn khổ đã được cha mẹ định trước.
Khi con cái làm trái hoặc không đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, khoảng cách thế hệ ngày càng trở nên rõ rệt. Một bên có thể tỏ ra buồn bã, thất vọng, bên còn lại cảm thấy không được thấu hiểu, từ đó mất kết nối với nhau.
Thiếu thốn sự quan tâm
Cân bằng giữa công việc và gia đình là trăn trở không của riêng ai, đặc biệt với các bậc phụ huynh. Vì muốn con cái có cuộc sống chất lượng, đủ đầy, cha mẹ sẵn sàng hy sinh thời gian và sức khỏe để tất bật với cuộc sống mưu sinh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, con cái cho rằng sự đủ đầy được thể hiện ở khía cạnh tinh thần nhiều hơn vật chất, đến từ những điều nhỏ bé như khoảnh khắc gia đình quây quần bên nhau ăn bữa cơm tối, tổ chức sinh nhật, đi dã ngoại cuối tuần...
Cha mẹ ít quan tâm, trò chuyện với con vì mải mê công việc. |
Quỹ thời gian hạn hẹp và dành chủ yếu cho công việc khiến cha mẹ ít có cơ hội quan tâm, chăm sóc, trò chuyện cùng con. Ngược lại, khi thấy cha mẹ quá bận rộn, con cái vì sợ làm phiền nên lựa chọn giữ kín tâm tư của mình. Khoảng cách giữa đôi bên bởi vậy trở nên ngày càng lớn, khiến mối quan hệ lạnh nhạt dần, dù cố gắng cách mấy cũng không thể hiểu nhau.
Có hàng tá lý do để giải thích cho sự thiếu kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Mỗi người sẽ lựa chọn một cách ứng xử khác nhau như sống khép kín hơn, lảng tránh những khoảnh khắc quây quần, thậm chí lớn tiếng cả với người thân. Song, tựu trung lại, vấn đề nằm ở chỗ trái tim của mọi người đang xa nhau. Vắng sự thấu hiểu có thể không tạo nên xung đột, nhưng lại dễ dàng dựng lên bức tường vô hình ngăn cách tất cả xích lại gần nhau hơn.