Mới đây, UBND TP Đà Nẵng quyết định triển khai phương pháp xét nghiệm nhóm để tăng tốc độ tìm người dương tính với SARS-CoV-2. Phương pháp này được thực hiện như thế nào khi Bộ Y tế chưa xây dựng quy trình?
Trộn mẫu bệnh phẩm của các thành viên trong gia đình
Trao đổi với Zing, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, cho biết để tăng tốc độ xét nghiệm mà vẫn đảm bảo kết quả, Đà Nẵng sẽ trộn các mẫu bệnh phẩm của nhiều người trong một gia đình. Cách này sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc chờ kết quả từng mẫu, giúp tăng năng lực xét nghiệm.
Xét nghiệm nhóm sẽ gộp mẫu bệnh phẩm của những người trong cùng gia đình. Ảnh: Việt Linh. |
Về hình thức thực hiện, 3-5 người trong gia đình được lấy mẫu bệnh phẩm vào một ống nghiệm. Nếu ống mẫu này cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, nhân viên y tế sẽ xét nghiệm lại để xác định đúng đối tượng nhiễm virus. Ngược lại, nếu ống mẫu cho kết quả âm tính, nhóm người này có thể được loại ra khỏi đối tượng nghi ngờ.
"Kết quả xét nghiệm vẫn đảm bảo do không phải lấy 5 ống trộn vào nhau. Nếu trộn chung các mẫu, thể tích ống tăng lên, nồng độ virus có thể bị giảm, gây âm tính giả”, bác sĩ Thạnh nói.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng cũng cho biết thêm từ 5/8, cơ quan này bắt đầu tập huấn, hướng dẫn cho nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhóm. "Kết quả của hình thức này vẫn chưa thể nói trước được", ông chia sẻ.
Tác dụng khi xét nghiệm nhóm
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết xét nghiệm nhóm không phải là phương pháp mới. Hình thức này được dùng khá phổ biến trong nhiều trường hợp, điển hình là xét nghiệm sàng lọc HIV/AIDS.
Theo bác sĩ Khanh, Đà Nẵng cần tiến hành xét nghiệm nhanh hơn để kiểm soát ca nhiễm. Do đó, ngành y tế triển khai phương pháp này là cần thiết khi virus đang lây nhiễm trong cộng đồng nhưng chưa tìm ra mối liên quan các ca tại bệnh viện.
Xét nghiệm nhóm sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho ngành y tế. Ảnh: Hoàng Giám. |
“Khi tiến hành phương pháp này, chúng ta đã xác định được tỷ lệ người nhiễm virus không nhiều nhưng vẫn còn trong cộng đồng chưa được phát hiện. Phương pháp xét nghiệm nhóm có thể tăng công suất xét nghiệm, trả kết quả nhanh, tiết kiệm thời gian, chi phí cho ngành y tế”, bác sĩ Khanh nhận định.
Về mặt hiệu quả, chuyên gia này cho rằng xét nghiệm nhóm giúp lọc người âm tính nhanh hơn. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp này, cơ quan y tế phải đảm bảo quản lý được nhóm xét nghiệm. Ngoài ra, nhân viên y tế cần chú ý trong quá trình lấy mẫu để tránh gây hiện tượng âm tính giả.
Theo TTXVN, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết việc áp dụng phương pháp này đang được Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng quy trình để đưa vào thực hiện sớm nhất.
Chuyên gia này cho biết nhiều nơi trên thế giới có những bài báo công bố về cách thực hiện xét nghiệm nhóm đối với bệnh Covid-19. Khi thực hiện phương pháp này, ngành y tế cần có chính sách, chiến lược để đảm bảo chất lượng xét nghiệm.