Tai biến không chừa một ai
Diễn viên Nguyễn Hoàng vừa được mổ não nhưng vẫn trong tình trạng nguy hiểm do bị tai biến bất ngờ cách đây vài ngày. Bạn bè và người thân của anh đều lo lắng và thắc mắc tại sao một người đang khỏe mạnh, không có triệu chứng bất thường lại đột nhiên bị vỡ mạch máu dẫn tới hôn mê sâu bất tỉnh. Zing.vn đã tìm đến các chuyên gia để có câu trả lời về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Văn Thông – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não như trường hợp của diễn viên Nguyễn Hoàng là điều có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đây hiện là vấn đề lo ngại của y học. Tai biến mạch máu não là hiện tượng do mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não. Chính vì vậy, bệnh nhân có thể bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và có khả năng tử vong.
Diễn viên Nguyễn Hoàng. Ảnh: Giáo dục thời đại |
Về trường hợp phù não của diễn viên Nguyễn Hoàng, chuyên gia giải thích: “Do thiếu máu cục bộ dẫn đến biến đổi sâu sắc lớp nội mô các mao mạch, ứ đọng glycogen trong tế bào sao (là tế bào trung gian làm nhiệm vụ chuyển hóa giữa mao mao mạch và neuron thần kinh), làm cho các tế bào sao phồng lên, đồng thời mất kali, tăng natri và calci trong tế bào dẫn đến phù nề tổ chức thần kinh đệm.
Phù não xuất hiện 3h sau khi tắc mạch và tiến tới tối đa trong 24h, tồn tại và lan tỏa trong 72h. Ban đầu là phù tế bào do ngộ độc tế bào, sau đó làm hỏng tế bào sao dẫn tới phù não vận mạch”.
Tại trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hàng năm có khoảng 800 bệnh nhân nằm điều trị do căn bệnh này.
Hậu quả của tai biến mạch máu não dẫn đến tử vong 9,5 % trong tổng số tử vong chung và đứng hàng thứ 2 gây tử vong sau ung thư, cao hơn cả tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim. Đây cũng là nguyên nhân đứng hàng đầu gây tàn phế ở người trưởng thành. Đột quỵ bao gồm đột quỵ thiếu máu cụ bộ não - chiếm khoảng 85%, xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp do vữa xơ động mạch.
Đột quỵ chảy máu não chiếm khoảng 15%, xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh não. Đặc biệt khi bị đột quỵ, một số nguy cơ khác như bệnh tim, phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ làm tăng mức độ trầm trọng của đột quỵ.
PGS Thông cho biết thêm, đột quỵ xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhất là ở tuổi trung niên và cao tuổi (càng lớn tuổi càng dễ bị đột quỵ). Nguy cơ xảy ra đột quỵ tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, khoảng 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi. Tuy nhiên, ngày nay đột quỵ có xu hướng xảy ra cả ở những người trẻ tuổi. Theo thống kê, nam giới dễ bị đột quỵ hơn phụ nữ. Ngoài ra, còn có một số bệnh và thói quen làm tăng nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng mỡ (cholesterol) trong máu, bệnh tim, hút thuốc lá, nghiện và lạm dụng quá nhiều bia rượu… Ngoài ra nếu chúng ta ít vận động hoặc người bị béo phì thì nguy cơ đột quỵ xảy ra thường rất cao.
Xử lý ra sao khi bị tai biến mạch máu não?
“Tai biến mạch máu não là một cấp cứu y tế khẩn cấp để ngăn chặn hoặc phục hồi các mô não bị tổn thương cấp và ngăn chặn các tổn thương thần kinh sau đột quỵ, tức tránh tàn phế mà không tăng tỷ lệ tử vong. Cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện để xử lý kịp thời để giảm tới mức tối thiểu khối lượng mô não bị tổn thương. Cần nhớ thời gian mất là não mất”, PGS Nguyễn Văn Thông khuyến cáo. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho hay có khoảng 20% bệnh nhân sống sót cần được chăm sóc kịp thời sau 3 tháng và 15-30% bị tàn tật lâu dài.
Dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não cần được phát hiện kịp thời và có ý nghĩa sống còn đối với bệnh nhân. Các dấu hiệu có thể bao gồm:
- Đột ngột tê dại, yếu hoặc liệt ở mặt, tay hoặc chân, một bên cơ thể.
- Nói hoặc lĩnh hội khó khăn
- Đột nhiên mờ, giảm hoặc mất thị lực một mắt hoặc cả hai
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất phối hợp động tác
- Đột nhiên đau đầu nặng nề không giải thích được nguyên nhân
PGS Thông tư vấn, trong trường hợp người bệnh có các dấu hiệu như trên nhưng vẫn tỉnh, người nhà phải đặt họ trong tư thế nằm nghiêng, đầu hơi nâng nhẹ, không cho ăn uống, lấy bỏ đờm dãi trong miệng để tránh gây khó thở. Trong trường hợp bệnh nhân bị liệt, khi vận chuyển cần trợ giúp và đặt nghiêng người về bên lành.
Nếu người bệnh lơ mơ, cần kiểm tra mạch, nhịp thở, đặt bệnh nhân tư thế nằm nghiêng về bên không liệt, đầu nâng nhẹ.
Nếu người bệnh hôn mê, người nhà cũng cần tiến hành tất cả các bước trên. Khi không thấy mạch đập hoặc ngừng thở, cần tiến hành hô hấp mồm thổi mồm và ép tim ngoài lồng ngực theo tỷ lệ 1:5. Trong tất cả các trường hợp cần nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế,
“Nhiều người thường hay nhầm lẫn đột quỵ với trúng gió vì chúng có triệu chứng như nhau như nhức đầu, xây xẩm. Trúng gió là hiện tượng người bất ngờ cảm lạnh, mệt mỏi, chóng mặt khi thay đổi thời tiết. Còn quá trình đột quỵ diễn ra rất nhanh, nếu như không được kịp thời phát hiện, cấp cứu và điều trị đúng cách thì nếu nặng sẽ dẫn đến tử vong, hoặc có may mắn qua khỏi nhưng sẽ phải chịu di chứng tàn tật suốt đời”, PGS Thông nhấn mạnh.