Anh Lê Văn Minh, 26 tuổi, ở Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội được điều trị 14 ngày tại khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đến bây giờ anh cho biết vẫn không thể nghĩ bệnh viêm tụy cấp lại nguy hiểm đến vậy.
Trước đó, bệnh nhân có dấu hiệu đau tức vùng, buồn nôn, không muốn ăn song vẫn cố chịu vì nghĩ rằng do đau dạ dày – căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Sau một ngày, cơn đau trở nên dữ dội khiến anh không thể nằm, da xanh xao, người lạnh toát, vã mồ hôi, trướng bụng,… Anh được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện ngay sau đó. Kết quả siêu âm, X-quang và cộng hưởng từ cho thấy anh bị viêm tụy cấp mức độ nặng nhất, đã có hoại tử.
Với tiên lượng rất xấu, anh được chỉ định đặt ống xông dạ dày, dùng kháng sinh và thuốc giảm tiết, truyền tĩnh mạch, dẫn lưu dịch dạ dày, nhịn ăn, bù nước và điện giải, dùng máy trợ hô hấp…
Sau 14 ngày điều trị với chi phí 5-6 triệu/ngày, anh Minh được ra viện khi cơ thể gầy đi 15 kg. Các bác sĩ cho hay đây là trường hợp may mắn sống sót với viêm tụy cấp mức độ IV song cần phải theo dõi thêm vì bệnh rất dễ tái phát. Đồng thời, bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt.
Rượu bia là tác nhân chính
Trao đổi thêm với Zing.vn, Đại tá - bác sĩ Phạm Văn Tiến - Trưởng khoa cấp cứu Học viện Quân y 103, cho biết viêm tụy cấp là tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc trong tiêu hóa thức ăn. Trước đây, bệnh thường gặp sau các bữa tiệc do ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, nhiều đạm, cộng thêm việc uống nhiều rượu bia.
Cơ chế là do men trypsin của tụy từ dạng không hoạt động chuyển thành dạng hoạt động làm tổn thương nhu mô tụy. Thể nhẹ chỉ phù nề tụy và điều trị bằng các thuốc giảm đau, giảm tiết khoảng một tuần sẽ khỏi không để lại di chứng.
Riêng viêm tụy cấp là một cấp cứu nội khoa, tiên lượng rất nặng, có nhiều biến chứng. Chúng bao gồm việc giảm thể tích máu, hoại tử tụy, nang giả tụy, suy hô hấp cấp, liệt ruột cơ năng, nhiễm trùng huyết... Bệnh nặng có thể gây biến chứng toàn thân như trụy tim mạch, suy giảm hô hấp, suy giảm chức năng thận, loét dạ dày tá tràng..., đặc biệt là hoại tử hoặc chảy máu trong tụy, bệnh nhân có thể bị sốc và tử vong. Viêm tụy cấp nhiều lần dễ trở thành viêm tụy mãn, suy tụy, đái tháo đường, xơ tụy.
Để điều trị căn bệnh nguy hiểm này, bác sĩ sẽ can thiệp nội khoa kết hợp với hồi sức. Ngoài việc điều trị cấp cứu, còn cần điều trị theo nguyên nhân và điều trị biến chứng. Nếu viêm tuỵ cấp do giun, cần điều trị diệt giun và kháng sinh. Viêm tuỵ cấp do sỏi cần kết hợp điều trị loại trừ sỏi.
Trường hợp nặng khi hồi sức không cải thiện, bệnh nhân phải được can thiệp ngoại khoa, mổ lấy bỏ mô tụy bị hoại tử, cầm máu và dẫn lưu. Vẫn theo bác sĩ Tiến, trước đây, viêm tụy thường do sỏi mật, sỏi tụy, giun chui ống mật nhưng trong những năm gần đây, tỷ lệ viêm tụy cấp do rượu bia tăng lên một cách rõ rệt, chiếm 70%-80% tổng số bệnh nhân bị bệnh này.
“Trước đây, viêm tụy cấp có tỉ lệ tử vong cao, từng lên đến 60-70%, nay dù có tiến bộ trong điều trị với máy móc, thiết bị hiện đại nhưng số tử vong vẫn chiếm 10%-15%. Hơn nữa, điều trị viêm tụy cấp đòi hỏi thời gian lâu dài từ 2-4 tuần với chi phí điều trị khoảng 5-6 triệu đồng/ngày, thậm chí 20 triệu đồng/ngày ở những bệnh nhân viêm tụy cấp nặng”, bác sĩ Tiến cho hay.
Đáng lo ngại, bệnh có dấu hiệu đau gần giống đau dạ dày, tá tràng nên nhiều người chủ quan. Trong khi đó, chuyên gia này khuyến cáo, nếu không được cấp cứu kịp thời, tiên lượng bệnh nhân rất xấu. Đặc biệt bệnh dễ tái phát, khi bị bệnh sẽ nặng và nguy hiểm hơn rất nhiều.