Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao đạo, nhái thành bệnh khó chữa của thời trang Việt?

Nghi vấn đạo ý tưởng của Hà Duy khiến ai tâm huyết với thời trang nước nhà thêm một lần nữa phải thở dài.

Từ đầu năm đến nay, làng thời trang Việt đã vài phen rúng động vì những nghi án đạo nhái, từ bị tố sao chép ý tưởng trong nước cho đến của các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Thậm chí, có NTK trẻ chưa kịp tạo dựng tên tuổi đã phải tuyên bố giải nghệ vì mẫu trang phục tự cho là 100% sáng tạo của mình lại bị phanh phui có 99% đến từ ý tưởng của một hãng nước ngoài.

Đáng buồn hơn khi nghi vấn đạo ý tưởng không chỉ gặp ở những gương mặt trẻ, mới chập chững vào nghề. Và căn nguyên dẫn đến thực trạng lại bắt nguồn từ nhiều vấn đề vẫn tồn đọng trong làng mốt Việt.

1. Nguyên nhân từ ý thức không tôn trọng bản quyền của NTK

Phần lớn ý kiến của giới chuyên môn cho rằng "giống nhau đến từng chi tiết" khi so sánh mẫu của Hà Duy với thiết kế của thương hiệu thời trang Berta – Israel.

Theo NTK gốc Việt Quỳnh Paris, đạo ý tưởng là việc làm đáng lên án hơn là cổ súy, vì: “Những chủ sở hữu đích thực của các thiết kế đã lao động sáng tạo cực kỳ tỉ mỉ, công phu, trải qua bao nhiêu bước mới có 1 bộ sưu tập hoàn hảo. Vậy mà, một số người làm hàng nhái lại ngang nhiên “ăn cắp” những công đoạn để cho ra đời 1 bộ váy lỗi, hạ thấp giá trị của thương hiệu gốc”.

Tuy nhiên, trong không phải NTK nào cũng có cùng suy nghĩ với NTK Quỳnh Paris. Vì vậy, thỉnh thoảng người hâm mộ thời trang lại phải chứng kiến những scandal đại loại như NTK này tố NTK kia đạo ý tưởng, hay mẫu thiết kế mới nhất của nhiều NTK trong nước bị giới truyền thông phát hiện giống 70 - 90%, có khi đến 99% các mẫu thiết kế nước ngoài đã được trình diễn trước đó khá lâu. 

Có thể kể ra hàng loạt các tên tuổi từ nhỏ đến lớn của làng mốt Việt đã mắc vào lỗi này trong thời gian gần đây như BST mới của Á quân Ngôi sao thiết kế 2013 Hà Duy bị cho là đạo ý tưởng từ BST váy cưới đông 2014 của thương hiệu Berta – Israel đã được giới thiệu rộng rãi từ tháng 12/2013. Họa tiết trên váy Angela Phương Trinh mặc trong 1 sự kiện diễn ra ngày 18/4 do Lê Thanh Hòa thiết kế là copy nguyên mẫu hoa văn của 1 thương hiệu thời trang khác tại Việt Nam; hay NTK Cao Minh Tiến trình làng các mẫu thời trang thu đông được cho là học theo các kiểu trang phục, cách phối phụ kiện của hãng Dolce Gabbana năm 2013 … 

NTK Cao Minh Tiến cho rằng không hề sao chép mẫu trang phục hay cách phối phụ kiện của Dolce & Gabbana năm 2013, dù chúng có rất nhiều điểm tương đồng.

Đặc biệt, dù đã thành công, nhưng NTK Đỗ Mạnh Cường, Công Trí, Hoàng Hải… vẫn không đứng ngoài nghi vấn đạo ý tưởng, như concept trong bộ ảnh Black Funeral (Đám tang đen) của Đỗ Mạnh Cường không khác gì mấy bộ ảnh tưởng nhớ NTK tài ba Yves Saint Laurent, hàng loạt mẫu thiết kế của NTK này cũng bị cho là “đồng ý tưởng” với những ông lớn như Versace, Gucci, Lanvin, Dior… Cũng không ít lần mẫu thiết kế mới của Công Trí bị phát hiện “tương đồng đáng ngạc nhiên” với các thương hiệu lừng danh như Louis Vuitton, Versace… Ở Đẹp Fashion Show 9, NTK Hoàng Hải bị tố đã cắt ghép mẫu mã từ thiết kế của nhiều nhãn hàng trên thế giới. 

Mẫu đầm cam của Đỗ Mạnh Cường trong đêm Fashion Boulevard được cho là sự chắp ghép phần trên của Versace (giữa) và phần dưới của Gucci (phải). Ảnh: 8showbiz

Điều đáng nói là cách đối diện với scandal và phát ngôn của các NTK Việt đã cho thấy phần nào ý thức chưa tôn trọng bản quyền thiết kế.

Trong khi NTK Cao Minh Tiến khẳng định không sao chép Dolce & Gabbana và mạnh dạn tuyên bố “thời trang là sự xoay vòng nên rất khó nói được bên nào sao chép ý tưởng bên nào” thì không ít NTK khác chọn cách trả lời lấp lửng, đại loại như “Bản chất của thời trang là sáng tạo dựa trên những nền tảng cơ bản có sẵn và có sự lặp lại theo chu kỳ. Một trang phục, theo tôi chỉ có thể nói là hàng đạo khi nó giống mẫu thiết kế thật đến 90%…” dù lời giải thích được cho là không thỏa đáng vì những mẫu trang phục của NTK này giống các thiết kế có trước đến mức người không am hiểu thời trang vẫn có thể nhận ra.

Và thông thường, sau vài phát ngôn lưng chừng như trên của NTK, những vụ lùm xùm đạo ý tưởng lại nhanh chóng lắng xuống. Dù dư luận có bức xúc bao nhiêu, thì với tình trạng luật bản quyền còn khá lỏng lẻo như ở nước ta, cũng rất khó để NTK “cạch mặt” nạn đạo nhái ý tưởng, nhất là khi lợi nhuận kếch xù từ đây lại rất dễ khiến NTK trở nên mờ mắt.

2. Chậm đổi mới, ít đầu tư sáng tạo và chưa có bản sắc riêng

Nhiều thiết kế của Hoàng Hải không khác mấy các mẫu trang phục ở nước ngoài đã từng giới thiệu trước đó. Ảnh: Megafun

Tình trạng họa tiết, mẫu mã ở nước ta thường na ná với thiết kế, hoa văn, họa tiết của các mẫu thời trang thế giới được lý giải một phần là do NTK Việt có thói quen học hỏi, chọn lọc từ các tuần lễ thời trang đình đám, và cho đó là hợp với mùa, hợp xu hướng chung của làng mốt. Cũng không loại trừ trường hợp vì không xây dựng được bản sắc riêng, nên mẫu trang phục vừa sáng tạo ra dù là công sức của NTK nhưng vẫn không tránh khỏi trùng lặp với các mẫu mã khác trên thị trường.

NTK Văn Thành Công đã từng phân tích rất sâu sắc vấn nạn này: “Đồng ý bản chất của thời trang thế giới có sự xoay vòng và lặp lại, nhưng các NTK thế giới chỉ xoay vòng về cách sử dụng hoạ tiết, màu sắc của thập niên 80. Cái hay của thế giới là họ vẫn đưa tính cá nhân của chính mình vào trong thiết kế ở những mùa tiếp theo mà không bao giờ sao chép y nguyên… Còn các NTK Việt vẫn chưa để lại dấu ấn cá nhân nào khi học hỏi thiết kế từ thế giới…”. 

Sự giống nhau đáng ngạc nhiên của 2 concept ảnh trong nước và trên thế giới. Ảnh: 8showbiz

Là người không ngại “đụng chạm”, NTK Quỳnh Paris cũng từng nêu rõ quan điểm nghề nghiệp của mình: “Mỗi thương hiệu, nhà thiết kế đều có tinh thần, những style riêng của mình, đồng thời kết hợp với xu hướng chung... Nhiều người tưởng việc cập nhật nhanh chóng các xu hướng là tốt, nhưng dần đà, điều này sẽ làm cho thời trang Việt mãi mãi bị trì trệ, không có bản sắc. Nhìn nhận một cách thẳng thắn, tôi thấy Việt Nam có rất nhiều trường hợp ăn cắp mẫu chứ không phải đi theo xu hướng. Các thương hiệu thời trang ra bộ sưu tập trễ gần hai mùa so với lịch thời trang quốc tế, sự trùng hợp rất khó xảy ra. Huống chi, có vài thương hiệu còn "đổ thừa" bị nhãn hàng quốc tế ăn cắp mẫu thì thật khó hiểu”.

3. Sự dễ dãi của cả NTK lẫn khách hàng 

Một sự thật đáng buồn là căn nguyên của nạn đạo ý tưởng thời trang còn xuất phát từ chính quan niệm làm nghề dễ dãi của không ít NTK trong nước. Đơn cử như một NTK từng cho rằng những mẫu trang phục bị tố đạo ý tưởng của mình là do: “Tôi may theo đơn đặt hàng của khách… Chuyện cũng không có gì to tát, khi NTK vẫn làm trang phục theo yêu cầu. Tôi cũng đâu phải là ngoại lệ…”. Sự dễ dãi của NTK còn thể hiện trong việc sẵn sàng “bê nguyên xi” mẫu họa tiết của người khác sau khi tìm kiếm từ Google vào tác phẩm của mình thay vì tự sáng tạo chúng như NTK Lê Thanh Hòa đã mắc phải…

NTK Lê Thanh Hòa phải xin lỗi tác giả vì đã lấy họa tiết này trên mạng và cho vào thiết kế của mình. 

Cũng không thể phủ nhận nguyên nhân gây ra sự dễ dãi của NTK một phần đến từ các khách hàng cao cấp, như trường hợp Angela Phương Trinh hay Chung Thục Quyên đều từng yêu cầu NTK may trang phục cho mình giống với nguyên mẫu nước ngoài, với lý do đơn giản là “thích” hoặc “thấy đẹp”.

Làng thời trang Việt đang dần khởi sắc bởi những thành công bước đầu của nhiều mẫu trẻ, hay các NTK gốc Việt được vinh danh trên thị trường quốc tế. Nhưng những tồn đọng từ nhiều NTK trong nước vô hình chung đã hình thành nên câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”. Uớc mơ chinh phục biển lớn của thời trang Việt vì thế xem ra còn quá xa vời.

Mi Quỳnh

(Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm